Nhà văn Di Li: Để nhân vật tự bơi …

Nhà văn Di Li: Để nhân vật tự bơi …

(GD&TĐ) - Với một hướng đi mới mẻ và táo bạo, thời gian gần đây cái tên Di Li đã tạo nên những thành công ở mảng truyện trinh thám, kinh dị - vốn được xem là mảnh đất còn ít người khai phá của nền văn học nước nhà. Trong một cuộc trò chuyện cởi mở, nữ nhà văn trẻ đã không ngại ngần chia sẻ với chúng tôi về quan điểm văn chương và những đứa con tinh thần đang được dư luận nhắc tới gần đây.

* Gần đây dư luận có nhiều ý kiến khen, chê trái chiều về tản văn Cocktail thị thành của chị phát hành đầu năm 2011. Là tác giả, chị nói sao về điều này ?

- Có một số độc giả khi đọc Cocktail thị thành gặp tôi đã chia sẻ rằng “tôi sẽ thích truyện này hơn nếu chị sửa đổi một số chỗ”. Còn đối với tôi, Cocktail thị thành đơn thuần chỉ là những câu chuyện nhỏ nhặt mắt thấy tai nghe, những điều diễn ra xung quanh ta hằng ngày, tôi ghi chép lại và truyền tải khách quan đến cho độc giả. Ở đó, độc giả có quyền phán xét sự hay, dở của tác phẩm và tác giả sẽ lắng nghe tất cả các phản hồi ấy. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tác phẩm ấy sẽ bị thay đổi, để rồi sẽ xa rời khỏi cái thực tế hiện hữu mà chính tác phẩm đang truyền tải. Văn chương tuân theo quy luật riêng và chỉ chịu chi phối từ hiện thực cuộc sống mà thôi.

* Là một cây bút trẻ nhưng chị đã có một số lượng các tác phẩm lớn, mỗi năm lại có thể xuất bản vài cuốn truyện ngắn, truyện dài... Điều này có quá sức với chị ?

- Với một nhà văn, việc cho ra đời một mạch 2, thậm chí 3 tác phẩm liền nhau là bình thường. Hơn nữa, một nhà văn luôn mơ ước có thể cho ra đời nhiều tác phẩm. Nếu như có những ý tưởng đến với họ trong một hoàn cảnh nhất định, tác phẩm ấy sẽ ra đời. Khi đó, tác phẩm có hay, dở hay không lại chỉ tùy thuộc vào tài năng triển khai câu chuyện của bản thân nhà văn mà thôi.

Nhà văn Di Li: Để nhân vật tự bơi … ảnh 1
 

* Bí quyết nào giúp chị có thể thành công với nhiều thể loại truyện khác nhau, từ truyện trinh thám, kinh dị, rồi tản văn, cho tới tiểu thuyết ?

- Chả có bí quyết nào cả, đơn giản khi viết truyện ngắn 7 ngày trên sa mạc, tôi đã tìm được cảm hứng với tiểu thuyết Trại hoa đỏ, rồi lại muốn trải nghiệm sang bút kí Đảo thiên đường…. Cứ như thế, tôi viết văn hoàn toàn theo lôgic của cảm hứng văn học chứ không phải vì điều gì khác. Chính bản thân tôi cũng không ngờ mình có thể viết nhiều thể loại và được độc giả yêu thích đến như vậy.

* Chị đã xây dựng nhân vật của mình như thế nào, nhất là đối với nhân vật nữ ?

- Mỗi nhân vật trong tác phẩm của tôi đều có một thế giới riêng. Tôi để họ tự “bơi” trong dòng chảy sự kiện văn chương và tự giải quyết những mâu thuẫn mà không có mặt cái “tôi” của nhà văn động tới. Riêng đối với mỗi nhân vật nữ, tôi chưa bao giờ để ngôi nhân xưng thứ nhất “tôi” trong tác phẩm của mình.

* Có thể nói, hiện nay văn học nước ta đang bị ngập trong một lượng lớn tác phẩm được xuất bản theo kiểu chiều ý độc giả. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào ?

- Văn học cũng như đời sống vậy, cái gì không đủ “chín” sẽ tự chết yểu - đó là quy luật vận động tự nhiên. Đôi khi sự quan tâm quá mức của dư luận với những tác giả, tác phẩm có chất lượng thấp đã vô hình chung tạo sự quan tâm của độc giả. Nhiều tác giả ngộ nhận đây là sức thu hút và cho ra đời những tác phẩm đi lệch hướng phát triển. Nên chăng chúng ta cần dành “đất” để tôn vinh những tác giả, tác phẩm có chất lượng sẽ tạo định hướng tốt nhất cho nền văn chương đang ít nhiều bị mất phương hướng hiện nay.

* Chị có lời khuyên nào dành cho những người muốn đến với văn chương, nhất là các bạn trẻ ?

- Tôi thực không có lời khuyên nào khi mà chính tôi đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp từ lúc nào không hay. Chỉ có một vài chia sẻ nhỏ thôi, nếu bạn định đi theo nghiệp văn, ngoài năng khiếu viết lách trời cho thì sự quan sát, trải nghiệm và học hỏi không ngừng là vô cùng cần thiết. Các bạn đừng ngại va chạm với môi trường mới, ngại gặp những người lạ, ngại đến những vùng đất lạ và ngại đọc. Văn học là kết tinh của kiến thức từ mọi lĩnh vực chứ không chỉ cần kiến thức chuyên biệt để thành nghề.

Xin cảm ơn chị!

Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Chị có bằng cử nhân tiếng Đức, tiếng Anh và bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục. Hiện chị là giảng viên văn học Anh-Mỹ, văn hóa Anh-Mỹ, trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, chuyên viên tư vấn quảng cáo & PR, viết văn, viết báo và dịch thuật. Thể loại sáng tác chủ đạo của chị là Trinh thám kinh dị và hài hước.

Nhà văn Di Li là tác giả của các tập sách được đánh giá cao: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Chiếc gương đồng, Trại Hoa Đỏ, Cocktail thị thành, Đảo thiên đường.

Chị đã từng được giải truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006. Đầu năm 2011, tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ của Di Li đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết, truyện, và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007-2010 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức.

Hà An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.