Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh ở vùng biên giới Mường Lát

GD&TĐ - Thầy giáo Cầm Bá Can, Trường Tiểu học Trung Lý 2, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) vừa được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu lần thứ nhất 2023.

Thầy giáo Cầm Bá Can (người ôm hoa) tại Lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Cầm Bá Can (người ôm hoa) tại Lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: NVCC

Thầy giáo trẻ được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu

Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can năm nay bước sang tuổi 34. Thầy Can được sinh ra, lớn lên trong gia đình có 6 anh chị em ở xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Bố, mẹ thầy giáo Can đều là nông dân, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm giáo dục tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), thầy Can được nhận vào làm giáo viên dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Luận Khê 2, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân.

Đến tháng 9/2012, thầy Can xin chuyển về làm giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Tân Thành 2, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân. Trong 2 năm làm giáo viên hợp đồng tại huyện, thầy giáo Can được hưởng mức lương:1.300. 000 đồng/tháng (trong đó 2 tháng hè không được hưởng lương). Vì thế, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thầy giáo Cầm Bá Can vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng.

Tháng 11/2013, được UBND huyện Mường Lát tuyển dụng vào ngành Giáo dục và điều động thầy Can lên công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý (Mường Lát). Trong 5 năm cắm bản, dạy học tại bản Sài Khao, đường đi lối lại vô cùng khó khăn, cuộc sống thiếu thốn vô cùng, nhưng thầy giáo này vẫn quyết tâm bám trụ với trường, với học trò thân thương của mình.

Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can đang tận tình chỉ bảo cho học trò. Ảnh: NVCC

Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can đang tận tình chỉ bảo cho học trò. Ảnh: NVCC

“Trong thời gian giảng dạy tại bản Sài Khao, cuộc sống có nhiều thiếu thốn, được gói gọn trong 4 chữ không: “Không đường, không điện, không y tế và không sóng điện thoại”. Nhiều lúc cũng cảm thấy nản lòng, nhưng cứ nhìn những đứa trẻ ở trên bản dù nghèo khổ đến mấy, chúng vẫn luôn khao khát được học chữ. Vậy là, mọi khó khăn, thiếu thốn và cả những suy nghĩ mông lung đều được tôi gạt bỏ sang bên, để quyết tâm bám trường, cắm bản”, thầy Can tâm sự.

Cũng theo Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can, năm 2013, trước khi khi lên Sài Khao công tác, thầy kết hôn với chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (SN 1986), quê ở huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Sau khi kết hôn, chị Hiền theo chồng lên Sài Khao sinh sống, nhưng không có việc làm ổn định. “Khi chân ướt, chân ráo đặt chân lên đỉnh Sài Khao, tôi chẳng có gì ngoài lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm theo nghề dạy chữ.

Một lần, vợ tôi - (cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - PV) lên thăm chồng, rồi quyết định cùng lên Sài Khao sinh sống với tôi. Hai vợ chồng được nhà trường bố trí cho một căn phòng công vụ để ở. Hằng ngày, vợ tôi mở một quán hàng nhỏ, bán vài đồ lặt vặt cho người dân ở bản và lũ trẻ con.

Cuộc sống cứ thể trôi đi trong bình lặng, nhưng vợ lại không có công ăn, việc làm ổn định. Vì thế, chúng tôi bàn bạc để vợ đi thi vào nghề sư phạm mầm non, vì cô ấy rất yêu trẻ. Và rồi, cả hai vợ chồng tôi đã đi đúng hướng”, thầy Can kể lại.

Thầy giáo Cầm Bá Can và học trò của mình ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Cầm Bá Can và học trò của mình ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Ảnh: NVCC

Năm 2014, vợ thầy Can làm đơn dự thi vào ngành sư phạm mầm non. Đến năm 2018, sau khi tốt nghiệp, vợ thầy giáo Can được được tuyển dụng làm giáo viên Mầm non hợp đồng theo Quyết định số 60/2011, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Cô giáo Hiền được phân công giảng dạy tại điểm trường bản Lìn – Trường Mầm non Trung Lý 2. Trong quá trình đó, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền luôn tham gia nhiều lớp học, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đến tháng 1/2023, cô giáo Hiền được UBND huyện Mường Lát tuyển dụng viên chức và biên chế chính thức làm giáo viên mầm non, giảng dạy tại trường Mần non Trung Lý.

Nguyện gắn bó với giáo dục vùng biên

Khi vợ được tuyển dụng làm giáo viên hợp đồng vào năm 2018, thầy Can đã làm đơn xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Trung Lý 2, để có điều kiện hai vợ chồng ở cùng nhau. Vì thế, cấp trên và nhà trường đã tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi dạy cùng điểm trường ở bản Lìn, xã Trung Lý (Mường Lát).

Nhớ lại trận lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát hồi tháng 10/2018, thầy Can kể: “Năm 2018, vợ chồng tôi cũng là một trong những gia đình phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ vụ thiên tai ấy. Vụ sạt lở tại điểm trường Lìn - nơi vợ tôi đang giảng dạy đã vùi hết tất cả đồ đạc, tiền của, tư trang, giấy tờ. Đận ấy, may mà cả hai vợ chồng kịp thoát chết trong lúc chạy lũ. Đến khi ngoảnh lại, hai vợ chồng chỉ còn mỗi người một bộ quần áo đang mặc trên người”.

Thầy giáo Cầm Bá Can đã thoát chết trong trận lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát hồi tháng 10/2018. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Cầm Bá Can đã thoát chết trong trận lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát hồi tháng 10/2018. Ảnh: NVCC

Trong quá trình công tác, Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can luôn phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đạt được một số thành tích đáng khích lệ như: Kết quả xếp loại học sinh qua các năm học, có 100% học sinh xếp loại đạt yêu cầu trở lên. Có học sinh đoạt giải các cuộc thi giao lưu viết chữ đẹp cấp trường, cấp huyện. Đoạt giải ba hội thi viết chữ đẹp cấp huyện năm học 2019 - 2020.

Thầy giáo Cầm Bá Can là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2019 – 2020; Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 – 2021; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2021-2022; Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2021-2022; Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2022-2023; Là thành viên Ban giám khảo hội thi giáo viên giỏi cấp huyện năm học 2022-2023; Có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1 Chương trình “1 triệu sáng kiến” năm 2022...Đặc biệt, năm 2023, thầy giáo Cầm Bá Can được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh lần thứ nhất.

Trò chuyện với GD&TĐ, thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2, cho biết: Là một giáo viên có tuổi đời mới ngoài 30, lại trực tiếp giảng dạy học sinh ở vùng khó, nên thầy giáo Cầm Bá Can luôn nêu cao trách nhiệm, luôn phấn đấu thực hiện tốt công việc, luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Luôn tham gia đầy đủ các phong trào bề nổi của nhà trường. Tôi luôn phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cũng theo thầy Hiệp, trong quá trình tham gia các đề tài khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy giáo Can đã có sáng kiến về một số giải pháp rèn kĩ năng đọc đúng cho học sinh lớp 3 khu Lìn, Trường Tiểu học Trung Lý 2.

Nói về giải pháp rèn kỹ năng đọc đúng cho học sinh lớp 3, Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can cho rằng; “Đối với học sinh là người dân tộc Thái, Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ duy nhất để các em tiếp thu kiến thức và nhận biết thế giới xung quanh. Các em đến trường với một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Ngôn ngữ các em thường sử dụng là tiếng mẹ đẻ, bởi vậy tiếng mẹ đẻ ảnh hưởng nhiều đến quá trình học Tiếng Việt của các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền (vợ thầy giáo Can) nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát hồi tháng 10/2018. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền (vợ thầy giáo Can) nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát hồi tháng 10/2018. Ảnh: NVCC

Vì vậy, rèn đọc đúng, là nhiệm vụ rất quan trọng đối với giáo viên Tiểu học. Do đó, vấn đề dạy “rèn kỹ năng đọc đúng” hiện nay đang được quan tâm, chú trọng. Có nhiều chuyên đề, phương pháp đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đọc Tiếng Việt cho học sinh lớp 3.

Sau thời gian ngắn vận dụng các biện pháp trên, thì chất lượng học sinh phát âm chuẩn, đọc đúng Tiếng Việt của học sinh lớp 3 ở bản Lìn đã tăng cao so với đầu năm học. Không em nào khi đọc còn sai âm cuối “xà beng” thành “xà bem”, vần “em” sang “eng”. Không em nào khi đọc còn lẫn các thanh điệu. Không em nào khi đọc còn bỏ mất nguyên âm o,ơ,ư,e...”, thầy Can chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên GD&TĐ, từ khi kết hôn (năm 2013), cuộc sống hai vợ chồng thầy Can có nhiều vất vả. Hiện tại, vợ chồng thầy chưa có nhà riêng, đang ở nhà ở công vụ tại đơn vị công tác.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm kết hôn, cho đến nay vợ chồng thầy giáo Can vẫn chưa có con do gặp phải tình trạng hiếm muộn. Hai vợ chồng thầy giáo này vẫn đang tiếp tục hành trình vượt gian truân của mình, đi khắp mọi bệnh viện, tìm mọi loại thuốc để chữa trị bệnh vô sinh, hiếm muộn.

Thầy giáo Cầm Bá Can và những học sinh của mình ở điểm trường bản Lìn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Thầy giáo Cầm Bá Can và những học sinh của mình ở điểm trường bản Lìn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Thầy Can tâm sự: “Dù cuộc sống của vợ chồng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau và xác định sẽ cùng nhau cố gắng vượt qua, để cống hiến cho giáo dục vùng khó. Bởi lẽ, mỗi lần lên lớp, đứng trên bục giảng trao truyền kiến thức cho lũ trẻ, đối với tôi đó là niềm hạnh phúc. Còn vợ tôi, hằng ngày được đón trẻ, chăm sóc, dạy dỗ các cháu, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc vì lòng yêu mến trẻ”.

"Nhà giáo tiêu biểu Cầm Bá Can, là người thầy có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, phát huy tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Thầy Can luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, quan hệ mật thiết với phụ huynh và nhân dân. Có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Hiện tại, thầy Cầm Bá Can đang là Tổ trưởng Tổ chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Thầy Can cũng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021 và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Hiện nay, thầy giáo Cầm Bá Can đang được cấp ủy cấp trên cử đi học tập tại lớp Trung cấp lý luận Chính trị tỉnh Thanh Hóa, tổ chức học tập tại trung tâm chính trị huyện Mường Lát", thầy Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2 (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ