Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo: Hết lòng với học sinh tiểu học vùng khó

GD&TĐ - Cô Huỳnh Thị Phương Thảo (SN 1971), công tác tại Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, Long An, là giáo viên tiểu học duy nhất nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân năm 2020.

NGND Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, Long An (Ảnh: NVCC)
NGND Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, Long An (Ảnh: NVCC)

Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng khó

Sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm năm 1992, cô Huỳnh Thị Phương Thảo được phân công về công tác ở Trường Tiểu học Việt Lâm. Lúc bấy giờ, Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông là một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Điều kiện kinh tế của người dân bấy giờ rất khó khăn.

Được phân công dạy ở điểm trường phụ 16 năm, đến năm 2008 cô Thảo mới được chuyển về dạy điểm trường chính. Nói về  những ngày đầu dạy học ở điểm trường phụ, cô Thảo cho biết dù đường từ nhà đến trường chỉ cách hơn 5 km nhưng đi lại rất vất vả. Với chiếc xe đạp cọc cạch cô phải vượt quãng đường gập ghềnh, đất bụi. Gặp hôm trời mưa là ngập nước, không đi được xe,  cô phải gửi xe ở nhà dân rồi lội bộ vào điểm trường.

Cơ sở vật chất của  điểm trường  phụ còn thiếu thốn nhiều. Phòng học thì ọp ẹp, trống trải. Hễ trời mưa là ngập, nên nhiều khi giáo viên phải đứng trên bùn đất để dạy.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo trong giờ dạy học năm học 2020-2021 (Ảnh: NVCC)
Cô Huỳnh Thị Phương Thảo trong giờ dạy học năm học 2020-2021 (Ảnh: NVCC)

Điều kiện kinh tế của người dân bấy giờ rất khó khăn. Trừ vài hộ có thêm nghề nuôi tôm, còn phụ huynh chủ yếu đi ghe, đi thuyền kiếm sống, có khi đi làm xa nhà, vì thế, ít có thời gian chăm sóc con cái.

30 năm gắn bó với vùng khó, cô Thảo quá hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh.“Học sinh của mình nhiều em chỉ ở với ông bà nội, ngoại, do ba mẹ còn bận đi kiếm sống. Ba mẹ không có thời gian, ông bà đa số không biết gì để kèm cặp cháu. Vì thế học sinh vùng này học hơi yếu, dạy cực hơn giáo viên ở thành phố”, cô Thảo chia sẻ.

Thương học trò nghèo không có điều kiện học tập, cô Thảo tận tình hướng dẫn kèm cặp tại lớp và tổ chức cho các học sinh khá giỏi kèm các bạn yếu. Đồng thời, cô  thường xuyên  làm đồ dùg dạy học, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút học sinh tự nguyện đến trường.

Cô Thảo đã tham gia nhiều hội thi đổi mới phương pháp giảng dạy và đạt giải. Sau gần 30 năm gắn bó với nghề, cô có 8 sáng kiến kinh nghiệm, gồm 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp huyện đánh giá, công nhận, 1 sáng kiến được Hội đồng ngành giáo dục tỉnh công nhận và áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. 

Ngoài ra, cô Thảo còn giúp đỡ 5 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. 

Nỗ lực giúp trò học tập trong mùa dịch

Năm học 2021-2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước diễn ra phức tạp, học sinh không thể đến trường học tập. 

Trường Tiểu học Việt Lâm, nằm trên địa bàn xã Thanh Vĩnh Đông là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn của huyện, nên việc tổ chức học trực tuyến vô cùng khó khăn.

Nhiều gia đình chưa có Tivi kết nối mạng,  nhiều phụ huynh còn chưa có điện thoại thông minh nên đa số học sinh không thể học online hay tiếp thu kiến thức bài học qua các kênh truyền hình.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, Long An trong giờ dạy học năm 2021-2022 (Ảnh: NVCC)
Cô Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, Long An trong giờ dạy học năm 2021-2022 (Ảnh: NVCC)

Cô Thảo và các giáo viên trong trường phải liên lạc điện thoại với phụ huynh nắm tình hình cụ thể từng em trong lớp. Có bao nhiêu em nhà có tivi kết nối mạng? bao nhiêu em phụ huynh có điện thoại thông minh? bao nhiêu em chưa có sách giáo khoa (SGK)? Từng đó câu hỏi cô và đồng nghiệp phải giải, từ đó cùng tìm nhiều giải pháp khác nhau cho tất cả cá em  được tiếp thu kiến thức trong những ngày dịch bệnh không thể đến trường

Trường hợp các em nhà có tivi kết nối mạng hay có điện thoại thông minh thì cô giới thiệu lịch phát sóng của các kênh truyền hình để học sinh tham gia học. Các em có điện thoại thông minh thì cô kết bạn lập nhóm Zalo, tạo Google Meet để giảng bài trực tiếp  và giao bài tập.

Một số em không có điều kiện học qua mạng thì cô thiết kế hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu bài qua SGK . Em nào chưa có sách giáo khoa thì cô liên hệ với thư viện nhà trường tặng sách.

Khi học sinh học ở nhà, cô chủ động kế nối phụ huynh. Chỗ nào các em không hiểu, cô điện thoại liên lạc phụ huynh hướng dẫn. Ngoài ra ở từng bài học cô còn thiết kế bài tập cho học sinh luyện tập thêm.

Hàng tuần phụ huynh vào trường nhận bài tập cho học sinh làm ở nhà, cô  thu bài để kiểm tra việc tiếp nhận kiến thức  và điều chỉnh kịp thời. Cứ thế, từ chỗ bỡ ngỡ học từ xa, học trò của cô đã theo kịp chương trình trong bối cảnh tạm ngừng đến trường

Tâm sự về nghề, cô Thảo bày tỏ: "Vẫn còn bao thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo chúng ta, đặc biệt là đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học.

Với riêng cá nhân tôi, tôi nguyện với lòng sẽ không bao giờ dừng lại mà phải cố gắng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, để luôn xứng đáng với thành tích mà trường đạt được hôm nay, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, giáo dục các thế hệ học trò thành những người con ngoan, trò giỏi, những công dân có ích cho xã hội".

Trải qua gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Huỳnh Thị Phương Thảo đã vinh dự nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp huyện và tỉnh, 5 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Năm 2010, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm học 2020-2021, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.