Nghề đã chọn người và càng thêm yêu nghề
GS.TS Nguyễn Viết Lâm là một trong số các nhà giáo được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân". Công tác trong ngành giáo dục từ năm 1978, hiện ông đang là giảng viên cao cấp, Khoa Marketing - Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trước thềm ngày được trao tặng danh hiệu cao quý này, ông đã dành cho Báo Giáo dục & Thời đại một cuộc phỏng vấn ngắn.
- Đến nay khi đã theo nghề sư phạm hơn 40 năm, cảm giác trong ông như thế nào khi dịp 20/11 đang cận kề?
Tôi đến với nghề giáo là do sự sắp đặt của tổ chức. Thời ấy của chúng tôi, sau khi tốt nghiệp ra trường, làm việc ở đâu là do tổ chức phân công. Về phía từng cá nhân, thường hành động theo khẩu hiệu: "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi tổ chức/Tổ quốc cần". Chúng tôi là số sinh tốt nghiệp đại học xuất sắc và rất vinh dự được giữ lại trường mặc dù đời sống nhà giáo bấy giờ hết sức khó khăn. Nói như nhiều người là nghề chọn mình, nhưng vào nghề rồi thì thấy mình hợp với nghề và yêu nghề.
Sau hơn 40 năm theo nghề sư phạm, cảm giác về ngày 20/11 của mỗi năm lần nào cũng rất bồi hồi xúc động, háo hức chờ đón và tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. Những cảm xúc này không phải chỉ bởi đấy là ngày của các nhà giáo mà là bởi, trong những ngày này, những nhà giáo nhiều thế hệ của chúng tôi được giao lưu gặp gỡ, hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong đời làm nghề giáo của mỗi người.
Chúng tôi vui hơn và hạnh phúc hơn khi được gặp lại rất nhiều thế hệ học trò nay đã trưởng thành. Mỗi em một nơi, một vị trí công tác, một hoàn cảnh nhưng luôn nhớ về các thầy/cô… Có thể nói, những ngày này thực sự là ngày hội đối với chúng tôi, mỗi nhà giáo chúng tôi cảm thấy như được trẻ lại và càng thêm yêu nghề hơn.
- Là một trong số nhà giáo được xét phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo nhân dân" năm nay, ông có cảm nghĩ như thế nào? Quá trình rèn luyện, công tác những năm qua để có được danh hiệu cao quý này của ông chắc hẳn trải qua nhiều gian nan, thử thách?
Được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, tôi rất tự hào, vui sướng và xúc động. Từ đáy lòng mình, tôi coi đây không chỉ là danh hiệu cao quý mà còn là món quà, một phần thưởng hết sức có ý nghĩa nếu không muốn nói là vô giá. Đó cũng là kỷ niệm mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời.
Để có được danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, tôi đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho nghề giáo. Và trong suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình, tôi đã phải trải qua không ít gian nan thử thách. Lúc này không còn bom đạn chiến tranh, nhưng lúc tôi bắt đầu trở thành giảng viên đại học cũng là lúc đất nước đang gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn về kinh tế. Những khó khăn này kéo dài trong suốt nhiều năm sau đó. Riêng những nhà giáo chúng tôi, còn khó khăn hơn nhiều đến mức xã hội truyền tụng nhau câu nói: “Ăn như sư, ở như phạm”.
Cũng phải nói thêm rằng, lứa chúng tôi, lúc bấy giờ để được đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài phải vượt qua kỳ thi sát hạch rất gian nan, thử thách và đầy tính cạnh tranh. Đỗ nghiên cứu sinh, ra nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn vì đất nước bạn cũng đang rơi vào khủng hoảng. Có bằng tiến sỹ, trở về nước đúng là lúc đất nước đang bắt đầu công cuộc đối mới - chuyển sang nền kinh tế thi trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế đổi mới, đòi hỏi đào tạo kinh tế cũng phải đối mới, thâm chí còn được coi là mặt trận hàng đầu của sự đổi mới. Và thế là, chúng tôi lại lao vào công cuộc cải cách này với biết bao công việc khác nhau như phát triển môn học mới, biên soạn và giảng dạy giáo trình, học liệu mới. Chúng tôi vừa đi học thêm về kinh tế thị trường, vừa phải kịp thời thực hiện các khóa đào tạo về kinh tế thị trường để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nhu cầu người học…
Không chỉ đảm bảo chất lượng trong công tác giảng dạy, công việc nghiên cứu khoa học cũng phải được song hành. Để hoàn thành những công trình khoa học trong điều kiện các nguồn lực ở đất nước có hạn thì đúng là chỉ có vắt sức ra mới có thể hoàn thành. Còn rất nhiều chuyện và nhiều kỷ niệm khác nữa mà tôi không thể kể hết ra được...
Những sáng kiến giảng dạy trong "thời Covid"
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian qua cũng như hiện tại, ông đã có những sáng tạo hay phương pháp như thế nào trong quá trình giảng dạy để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng cho sinh viên?
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phản ứng, chèo lái, tổ chức sắp xếp một cách kịp thời linh hoạt các hoạt động của nhà trường và Khoa nói chung; cá nhân tôi cho rằng, hoạt động dạy và học của nhà trường hầu như không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chúng tôi nhanh chóng làm chủ được việc sử dụng và khai thác các nền tảng, các ứng dụng trực tuyến để kết hợp linh hoạt việc giảng dạy, học tập theo phương thức kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Đồng thời, cải tiến và tăng cường soạn thảo các học liệu cần thiết (bài giảng, đề thi, tình huống nghiên cứu dùng trong môi trường online…) để cung cấp kịp thời cho người học.
Tổ chức những giờ học, sinh hoạt khoa học, các buổi bảo vệ luận văn, luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học cũng trên nền tảng trực tuyến, không chỉ trong giờ hành chính mà còn vào những buổi tối hoặc cả ngày nghỉ… Với tất cả những biện pháp đó, không chỉ chất lượng dạy học, học tập được bảo đảm mà còn không để xảy ra bất kỳ sự cố nào có liên quan đến dịch Covid-19.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
GS.TS Nguyễn Viết Lâm sinh năm 1956, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kính tế quốc dân) tháng 3/1978 và được giữ lại trường làm giảng viên từ đó cho đến nay.
Từ năm 1978 - 1988: Giảng viên Khoa Vật giá (nay là Khoa Marketing) Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1980.
Từ năm 1988 - 1993: Thi Nghiên cứu sinh, học ngoại ngữ và đi làm nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Kinh tế - Tài Chính Xanh – Pê - Téc – Bua, Liên bang Nga và nhận Bằng tiến sĩ năm 1993.
Từ năm 1994 - 2003: Giảng viên tại Khoa marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trưởng bộ môn, Phó trưởng Khoa; được phong học hàm Phó giáo sư năm 2003.
Từ năm 2004- 2008: Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, kiêm giảng tại Khoa Marketing. Năm 2006 được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Từ năm 2008 – 2015: Trưởng Khoa Đại học tại chức, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đảng ủy viên Trường, thành viên Hội đồng Trường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Trường. Ông được phong học hàm Giáo sư năm 2013.
Từ năm 2016 đến nay, ông làm giảng viên cao cấp Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.