Nhà giáo làm công tác tư vấn hướng nghiệp: Từ "duyên" đến "nghiệp"

GD&TĐ - Mặc dù, không có ngành đào tạo riêng biệt nhưng công tác tư vấn hướng nghiệp đang được xem là một trong những bộ phận trọng yếu tại các trường đại học.

TS Võ Văn Tuấn tư vấn cho học sinh tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp.
TS Võ Văn Tuấn tư vấn cho học sinh tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Nhiều giảng viên khởi đầu là “duyên” nhưng gắn bó với công việc này lâu dần thành “nghiệp”.

Vừa là duyên, vừa là nghiệp

Là gương mặt tư vấn chủ lực cho nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM) cho biết, ông đến với hoạt động này một cách tình cờ rồi dần gắn bó.

Áp lực lớn nhất của tôi trong công tác này là không có đủ thời gian để tư vấn hỗ trợ các em, đặc biệt là thí sinh vùng sâu, vùng xa rất thiếu thông tin, có em sai lầm do chủ quan… hoặc dù biết sai nhưng vẫn phải chọn vì không còn cách nào khác do điều kiện kinh tế.
Ngoài ra, tôi còn một lo lắng là có nơi có lúc nào đó có những cơ sở giáo dục đã thổi phồng thông tin thái quá làm các em vỡ mộng, ảnh hưởng đến uy tín của các trường thực hiện nghiêm túc, của ngành. - TS Trần Đình Lý

Năm 1997, khi đang là Phó Trưởng khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM, TS Nghĩa được điều động về làm Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQG TPHCM. Khi đó việc tuyển sinh của các trường đại học được thực hiện theo 2 đợt và thí sinh đăng ký dự thi theo trường và đăng ký xét tuyển theo từng ngành.

Các trường thành viên ĐHQG TPHCM cũng thi theo 2 đợt và dùng chung đề thi do ĐHQG TPHCM ra, nhưng điểm chuẩn trúng tuyển giữa các ngành, trường rất khác nhau. Ngay tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Cơ khí thuộc nhóm thấp trong trường, thấp hơn ngành cao nhất đến 7 điểm.

“Thầy Đặng Văn Nghìn là Trưởng khoa Cơ khí lúc đó gặp tôi trao đổi và cho rằng một trong các nguyên nhân làm cho điểm trúng tuyển ngành Cơ khí thấp là do học sinh thiếu thông tin về các ngành tuyển sinh ở các trường đại học. Thầy Nghìn mời tôi cùng đến dự một buổi tư vấn do Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM tổ chức. Rồi hàng loạt các buổi tư vấn như vậy được tổ chức trong năm 1997 và sự “vào cuộc” của các phương tiện truyền thông, đã làm công tác hướng nghiệp, tuyển sinh trở thành một công việc không thể thiếu cho mỗi mùa thi cử tuyển sinh…”, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

Là gương mặt quen thuộc của hoạt động hướng nghiệp tuyển sinh của Trường ĐH Văn Lang trong suốt 27 năm qua, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: Công tác hướng nghiệp tuyển sinh từ lâu vừa là duyên, vừa là nghiệp. Mặc dù được giao nhiệm vụ phụ trách đào tạo, công tác sinh viên, tài chính... rồi Phó Hiệu trưởng nhưng công tác hướng nghiệp tuyển sinh gắn chặt và bền bỉ với ông nhất.

“Công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh gần như là cái nghiệp của tôi. Trong suốt thời gian ở Trường ĐH Văn Lang tôi làm nhiều việc nhưng chỉ có một công việc theo suốt và gắn kết với mình đó là công tác hướng nghiệp tuyển sinh”, TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Nói về con đường đến với công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - quan niệm rằng, không phải là cơ duyên mà các trường đại học cần phải có trách nhiệm hỗ trợ tư vấn cho thí sinh. Và điều kiện chín muồi đến vào năm 2005, khi có 75 trường đại học của Việt Nam tham gia dự án giáo dục đại học với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Chúng tôi tham gia chương trình tập huấn về hướng nghiệp, trong đó có công cụ khám phá năng lực bản thân và thực hiện nhân rộng cho các trường đại học Việt Nam rất ý nghĩa. Tham gia cùng với ban tổ chức của các báo lớn, chúng tôi mong muốn lan tỏa đến học sinh càng nhiều càng tốt có được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp, bền vững, giảm/tránh được sự lãng phí lớn cho bản thân, gia đình và cao hơn là lãng phí xã hội. Đến nay, rất vui là công tác tư vấn hướng nghiệp các bên chú trọng và xem đó làm gốc…”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Từ trái qua: TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TS Trần Đình Lý, TS Võ Văn Tuấn.
Từ trái qua: TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TS Trần Đình Lý, TS Võ Văn Tuấn.

Tạo sự thay đổi về chất lượng đầu vào

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, ban đầu, chuyên viên phòng đào tạo hoặc phòng công tác sinh viên của các trường đại học thường phải kiêm nhiệm luôn công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh. Thực chất công việc này thiên về giới thiệu ngành nghề mà trường đang đào tạo hơn là giúp học sinh tự phát hiện bản thân và định hướng ngành nghề. Khi nhận ra hiệu quả của công tác tư vấn trước khi thi và xét tuyển, đến nay ở hầu hết trường đều hình thành những đơn vị phòng, trung tâm chuyên trách về hướng nghiệp, tuyển sinh.

“Nhìn lại cuối những năm 90 của thế kỷ trước, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa được cải thiện rõ rệt, chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành trong cùng trường không còn quá lớn như trước. Cho đến bây giờ cũng vậy, các số liệu tuyển sinh cho thấy trường nào có công tác truyền thông hướng nghiệp tuyển sinh mạnh đều có số lượng học sinh đăng ký xét tuyển rất đông. Tất nhiên chất lượng đào tạo và danh tiếng nhà trường là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút học sinh, nhưng truyền thông hướng nghiệp tuyển sinh chính là phương tiện để khơi mào sức hút đó…”, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.

Mặc dù là trường công lập không thiếu chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, nhưng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) được đánh giá là đơn vị sớm “đổ mồ hôi” với hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Người được xem là kiến trúc sư trưởng cho các hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại HCMUTE là PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng nhà trường.

Ông xuất hiện quen thuộc, đa dạng ở nhiều loại hình tư vấn hướng nghiệp: Tham gia với vai trò chuyên gia với các đơn vị báo chí, tư vấn trực tuyến xuyên đêm, tư vấn cafe trà sữa... PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: Ông tiếp cận công tác giáo dục hướng nghiệp từ khi đi học chương trình Thạc sĩ Quản lý giáo dục tại Úc. Sau đó, vào năm 2000 khi về trường làm Trưởng khoa Cơ khí động lực, ông bắt đầu tham gia vào công tác tư vấn hướng nghiệp.

“Những năm 2000, công tác giáo dục hướng nghiệp nhìn chung rất kém. Điểm trúng tuyển vào ngành Cơ khí ô tô thuộc diện thấp nhất tại HCMUTE. Tôi nung nấu phải làm một cái gì đó mang tính chất cách mạng cho lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp. Từ đó đến nay, với vai trò từ trưởng khoa lên hiệu phó rồi hiệu trưởng nhà trường, nhiều hoạt động giáo dục hướng nghiệp thiết thực của trường cũng phát triển theo.

Đến nay, Công nghệ kỹ thuật ô tô là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao thuộc dạng nhất nhì tại trường nói riêng và cả nước nói chung. Tính từ năm 2008 tới nay, điểm chuẩn của HCMUTE có ngành tăng 12 điểm. Chính chất lượng đầu vào được cải thiện góp phần đáng kể trong việc tạo nên chất lượng đào tạo”,  PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Để công tác tư vấn hướng nghiệp đi vào thực chất và tạo sự hấp dẫn đối với phụ huynh học sinh thì tự thân các trường cũng phải thường xuyên cải tiến, đa dạng hóa công tác tư vấn hướng nghiệp.

Chia sẻ điều này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói: “Cách đây khoảng 5 năm khi tôi đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp thì một số người mỉa mai cho rằng trường học đâu phải doanh nghiệp đâu mà phải đi tiếp thị, quảng cáo. Rồi sau đó, tôi cho mở kênh truyền hình UTEX trên YouTube, đẩy mạnh có hoạt động tư vấn trực tuyến, tư vấn xuyên đêm, tư vấn cafe… cũng bị chỉ trích. Nhưng đến nay, hầu như các trường đều hình thành kênh truyền hình YouTube riêng. Nhờ đó, dù dịch bệnh ập đến, nhà trường vẫn chủ động trong các hoạt động theo hình thức online vì đã có sẵn cơ sở hạ tầng từ trước…”.

TS Trần Đình Lý trong chuyến đi tư vấn.
TS Trần Đình Lý trong chuyến đi tư vấn.

Vui khi thấy hiệu quả trong công việc

Năm 2002, TS Nguyễn Đức Nghĩa bắt đầu nhiệm kỳ Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM đầu tiên và cũng là năm thực hiện kỳ thi tuyển sinh đại học “ba chung”. Việc chuyển đổi từ thi - tuyển sinh do trường đại học tổ chức sang tuyển sinh “ba chung” do Bộ GD&ĐT chủ trì diễn ra tương đối nhanh. Với nhận thức muốn thu hút học sinh đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên ĐHQG TPHCM thì phải đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, ngoài chuyên gia tư vấn của các trường thành viên, ông còn khuyến khích và tạo điều kiện cho lãnh đạo và chuyên viên của các ban ở ĐHQG TPHCM tổ chức hoặc tham gia buổi tư vấn.

“Lúc đó, tôi bị phê bình là Phó Giám đốc ĐHQG phải làm việc to tát hơn, công việc tư vấn chỉ là việc của chuyên viên. Niềm vui của tôi là công tác tư vấn. Khi ngồi thu thập và phân tích các số liệu thu được về đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển của học sinh, cách chọn bài thi, kết quả điểm thi của học sinh và thấy đâu đó có hiệu quả của mình trong công tác tư vấn…”, TS Nguyễn Đức Nghĩa kể.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, niềm vui của ông đến tận hôm nay là cùng với sự góp sức của nhiều đơn vị, cá nhân công tác tư vấn hướng nghiệp nói chung và của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nói riêng đã có những tiến bộ rõ rệt. “Số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường thì không thiếu, thậm chí năm 2021 có tới 300 ngàn nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Điều tôi thấy hài lòng là điểm trúng tuyển vào trường đã tăng lên rõ rệt. Bởi một trong ba yếu tố làm nên chất lượng đào tạo là chất lượng đầu vào. Đây là vấn đề mà tôi quan tâm và cũng chất chứa nhiều ưu tư trong những năm qua…”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Còn với TS Trần Đình Lý, niềm vui của ông trong công tác hướng nghiệp là nhìn thấy các em đã chọn đúng và trúng ngay từ đầu. Đồng thời, mong muốn làm sao để giảm tỷ lệ bỏ học, làm sai nghề, làm sai sở trường.

“Ngoài câu chuyện hướng nghiệp, tôi thấy cần hỗ trợ, tư vấn thêm cho các em cách để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng như vậy, thí sinh phải hết sức lưu ý đến vấn đề “kỹ thuật”. Theo đó, các em phải tìm hiểu kỹ càng về những vấn đề liên quan đến xét tuyển, đặc biệt là những thay đổi...”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Tôi quan niệm làm tư vấn hướng nghiệp còn là làm phúc. Mình tư vấn giúp các em hiểu, chọn đúng nghề nghiệp, học đúng ngành mình đam mê là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Bởi sau khi học đúng ngành đam mê các em sẽ có thành công trên đường đời, nhất là với em ở vùng quê nghèo sẽ thay đổi cuộc sống của chính mình… Đây mới đúng trọng tâm, thực chất của tư vấn hướng nghiệp. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ