Tư vấn hướng nghiệp: Cha mẹ chọn nghề, con lạc nhịp

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh đã đưa ra quyết định chọn nghề thay con. Kết quả, nhiều học sinh “lạc nhịp” ngay khi đang học đại học hoặc khi ra trường không thiết tha với nghề đã học.

Chọn nghề nào học sinh phải nhận thức rõ năng lực bản thân và tâm huyết. Ảnh minh họa
Chọn nghề nào học sinh phải nhận thức rõ năng lực bản thân và tâm huyết. Ảnh minh họa

“Gánh” kỳ vọng của bố mẹ

Chị Trần Hương, chủ cửa hàng thời trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của gia đình: Vì bố mẹ đều làm tự do (chồng chị kinh doanh dịch vụ nhà hàng), kiếm tiền không khó khăn nhưng vất vả và đôi khi bấp bênh. Thế nên, khi cậu con trai lớn bước vào lớp 12 với mong muốn học trường kinh tế để theo nghề kinh doanh của bố mẹ, chị đã gạt đi bởi muốn con phải làm nghề ổn định, công chức Nhà nước... Hơn nữa, gia đình đã có kinh tế dư dả thì ước mong thoát “nhiều tiền, ít học” của anh chị càng cao lên và “dồn” hết mong ước vào việc học lên con.

Nhận thấy con có chút năng khiếu vẽ, từ lớp 10 chị Hương đầu tư cho con học thêm môn Vẽ, Toán, Lý với mong muốn con sẽ đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc (Hà Nội). Khi ấy, Nguyễn Hoàng Long - con trai chị - không thuyết phục được bố mẹ đã “gật đầu” theo định hướng của cha mẹ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm theo học, Long quyết định dừng lại vì cảm thấy không thể tiếp thu kiến thức mà bản thân không có năng khiếu hoặc mong muốn.

Long giữ kín việc bỏ học. Sau 4 năm không thấy con lo lắng ôn thi tốt nghiệp, cũng chẳng vẽ vời như thời gian đầu mà chỉ hào hứng với đầu tư, góp vốn mở cửa hàng cafe, kinh doanh… Gọi điện tới trường kiểm tra chị Hương mới biết Long đã tự xin bảo lưu kết quả học tập và quyết bước vào lĩnh vực kinh doanh theo sở thích.

Đến nay, Long đang làm chủ 2 cửa hàng cà phê với thu nhập cao tại Hà Nội. Có thời điểm với đam mê “thú cưng”, cùng nhạy cảm kinh doanh, Long đầu tư cả lĩnh vực này trên mọi phương diện (kinh doanh giống, dịch vụ thú y, làm đẹp cho chó…) giúp chàng trai trẻ có thu nhập “đáng nể” so với nhiều bạn bè đồng lứa tốt nghiệp đại học ra trường.

“Em không tiếc mình chưa lấy được tấm bằng đại học, chỉ tiếc không mạnh mẽ để tự chọn nghề cho mình, mà học theo sự lựa chọn của bố mẹ. Biết bố mẹ còn nhiều luyến tiếc nghề nghiệp nên em chỉ mong ngày nào đó sẽ hiểu và thông cảm cho việc em không thực hiện kỳ vọng, giấc mơ của người lớn…”, Long trải lòng.

Nguyễn Hà An, sinh viên năm 3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), từ nhỏ đã mơ ước trở thành cô giáo. Nhưng khi học xong lớp 12, mẹ em thuyết phục chọn trường khối ngành kinh tế để học, khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn lương cô giáo “ba cọc ba đồng” vất vả như mẹ… Tuy theo học ngành kinh tế nhưng Hà An cảm nhận mình không có khả năng bươn chải và nhạy bén với thị trường nên không biết nghề nghiệp, cuộc sống có như kỳ vọng của bố mẹ.

Anh Trần Hoàng Anh trú tại ngõ 74, đường Giải Phóng (Hà Nội) tốt nghiệp chuyên ngành kế toán năm 2010 nhưng không liên quan với việc hiện tại. “Giai đoạn thực tập năm cuối, tôi thấy bản thân không phù hợp với ngành học, bởi suốt ngày tiếp cận với sổ sách thu chi và con số làm mình nhức đầu. Nhưng bản thân vẫn cố gắng tốt nghiệp để có tấm bằng cử nhân giúp gia đình vui và an lòng… Nếu quay ngược thời gian và cho chọn lại chắc chắn không chọn ngành kế toán, thay vào đó sẽ học một ngành nghề gì đó liên quan đến du lịch…”, anh Hoàng Anh chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy, trước và trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng không ít phụ huynh đến tận trường hỏi thủ tục thay đổi và xin điều chỉnh. Lý do được phụ huynh đưa ra thường là bố mẹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, nắm được sở thích, năng lực của con và hiểu hơn về nhu cầu thị trường lao động. Mặt khác, nhiều bố mẹ thể hiện quyền lực, muốn tự mình quyết định tương lai thay con nhưng bản thân lại thiếu hiểu biết về ngành nghề, sở trường sở đoản của con. 

Học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề cần chủ động và hiểu biết để có quyết định chính xác. Ảnh minh họa
Học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề cần chủ động và hiểu biết để có quyết định chính xác. Ảnh minh họa

Cho con tự quyết định tương lai

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Về nguyên tắc, mỗi người chỉ thực hiện tốt công việc khi mình chịu trách nhiệm và ra quyết định. Nên cho dù bố mẹ có định hướng, chọn đúng nhưng nếu không từ sự đồng tình, mong muốn của trẻ thì không thể theo đuổi và thậm chí làm ngược lại điều bố mẹ mong muốn, kỳ vọng (cho dù mong muốn đó tốt, chính xác…). Trong trường hợp bố mẹ chọn nghề sai, trẻ chính là người trả giá. Và như vậy, bao nhiêu mong muốn, ước mơ của người lớn cũng sẽ tan biến.

Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà khẳng định: Cần đứng ở vị trí và xuất phát của con để gợi mở, chia sẻ giúp con nhận thức và ra quyết định chọn nghề nghiệp. Thay vì bảo trẻ phải làm việc này thì hãy nói “việc này hợp với tính cách mong muốn của con”. Cha mẹ cần gợi mở từng bước một, giúp trẻ có cơ hội tự ra quyết định, biết chịu trách nhiệm với quyết định một cách tự nhiên không áp đặt.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) đồng tình với việc học một ngành không do chính mình lựa chọn, không yêu thích sẽ khiến bạn trẻ chán nản, không có động cơ học tập tích cực, dẫn đến nguy cơ bỏ giữa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Thậm chí, dù các em có cố gắng để tốt nghiệp thì sau này đi làm cũng khó đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Không những thế trong quá trình học, vì chán nản có em còn mất phương hướng, sa vào tệ nạn.

Hãy dạy học sinh các kỹ năng lựa chọn không chỉ ngành học, mà nhiều điều khác trong cuộc sống, biết tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Và chọn nghề, chọn trường là điều quan trọng trẻ cần và có quyền quyết định tương lai cá nhân… - Cô giáo Nguyễn Hồng Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.