Tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh: Nghề mới nhiều áp lực

GD&TĐ - Hầu hết cơ sở giáo dục đại học đều có bộ phận làm công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh.

ThS Nguyễn Thị Mến tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh tư liệu: TG
ThS Nguyễn Thị Mến tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh tư liệu: TG

Từ những khởi đầu đơn sơ đến nay bộ phận này được đầu tư, gia cố bài bản, trở thành một trong đơn vị trụ cột của các trường. Cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với những cán bộ phụ trách công việc này, khi mức độ cạnh tranh giữa các trường ngày càng mạnh mẽ.

“Nghề chọn người”

Theo ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (VLU), 20 năm trở lại đây, chuyên viên tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng có dịp tham gia hoạt động tư vấn phục vụ tuyển sinh. Cũng từ hoạt động này dần hình thành bộ phận cán bộ, chuyên viên phụ trách về tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh. Một số người tham gia nhiều chương trình ở các tỉnh, thành, trường THPT và dần trở nên “quen mặt” trong các buổi tư vấn.

“Tôi tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh khoảng gần 10 năm nay, từ vị trí hỗ trợ tư vấn viên, tổ chức chương trình cho tới cán bộ chuyên trách tư vấn tuyển sinh của trường đại học”, ThS Nguyễn Thị Mến chia sẻ.

Là người trải qua công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh ở nhiều đơn vị, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cổ nhân có câu, “nghề chọn người” quả không sai trong trường hợp của tôi. Nếu nhìn hồ sơ của mình, ngành học từ cử nhân rồi thạc sĩ của tôi không liên quan gì đến lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh. Có chăng khi học lên đến tiến sĩ, các khía cạnh về quản trị kinh doanh mới được tôi ứng dụng vào công việc này”.

ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang phát biểu tại một buổi tư vấn cho học sinh.
ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang phát biểu tại một buổi tư vấn cho học sinh.

Theo TS Toàn, cơ duyên bắt nguồn từ 13 năm trước (năm 2009), khi được bổ sung sang đội tư vấn, trở thành một nhân viên tư vấn bất đắc dĩ trong mùa cao điểm. “Tôi chợt nhận ra, công việc này hình như mới đúng là cái đang tìm kiếm cho sự nghiệp của mình. Từ đó, tôi xông pha khắp nơi. Có khoảng thời gian tôi thức đến nửa đêm để đọc thêm sách cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ban ngày, tôi tranh thủ thời gian xin được trao đổi với các thầy cô, anh chị trong ngành để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi được cất nhắc lên làm bộ phận tuyển sinh - truyền thông cho đến thời điểm hiện tại”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ.

Mặc dù đã thông thạo với công việc nhưng khi kể lại con đường vào “nghề”, ThS Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - HUFI) không tránh khỏi bồi hồi.

“Con đường dẫn tôi đến nghề tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhiều gian truân. Lần đầu tiên tôi làm công việc này vào năm 2011. Lúc đó gặp phóng viên phỏng vấn về công tác tuyển sinh của trường, tôi thấy run quá trời, vì chưa gặp báo chí bao giờ… Thú thật, trước đó tôi chưa biết gì nhiều về tư vấn tuyển sinh. Tôi xuất thân là giảng viên dạy môn Toán, rồi làm Phó khoa Cơ bản… Công việc đã dạy tôi nhiều điều”, ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Gia Định, trong một đợt tư vấn cho học sinh lớp 12. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Gia Định, trong một đợt tư vấn cho học sinh lớp 12. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19

Áp lực công việc

Bên cạnh đầu tư bài bản, bộ phận làm công tác hướng nghiệp - tuyển sinh cũng chịu những thách thức và áp lực không nhỏ. Theo ThS Nguyễn Thị Mến, ngoài những vấn đề như giờ giấc tư vấn, công tác tỉnh xa, áp lực lớn nhất là cập nhật nội dung tư vấn hữu ích cho học sinh, phụ huynh theo mỗi mùa tuyển sinh, hoặc theo từng chủ đề hướng nghiệp khác nhau.

“Học sinh ngày nay được tiếp cận thông tin nhiều hơn nhưng lại cần sự định hướng và tư vấn tốt hơn trước rất nhiều. Bởi các bạn không chỉ cần biết thông tin “một chiều” từ các trường đại học mà cần được học cách hiểu bản thân, nhu cầu xã hội và biết cách kết nối, chọn lọc thông tin thông minh.

Vì thế, người tư vấn viên có trách nhiệm sẽ luôn cần lắng nghe nhu cầu thực sự của học sinh. Chúng tôi cần có đủ dữ liệu, kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ các bạn tìm được hướng đi thích hợp. Để làm được điều này, cán bộ tư vấn – hướng nghiệp không thể chỉ biết về thông tin của ngành/ trường đại học mà mình đại diện, mà cần liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng tư vấn, lý thuyết hướng nghiệp hiện đại”, ThS Nguyễn Thị Mến bộc bạch.

Còn với TS Mai Đức Toàn, có rất nhiều áp lực, trong đó với vai trò lãnh đạo Ban Tuyển sinh - Truyền thông phải cam kết đạt được kỳ vọng về chỉ tiêu tuyển sinh. “Khi nhận công việc này, mình trở thành người ở giữa của 2 - 3 bên. Cấp trên ép xuống và từ dưới đẩy lên, áp lực cũng từ đó mà tăng gấp 2 - 3 lần. Bởi, là trưởng bộ phận mình phải cam kết đạt được kỳ vọng về số lượng tuyển sinh với lãnh đạo trường.

Biết cân đối ngân sách thu - chi, có khi nhìn thì nhiều đấy, nhưng chi cũng nhiều như vậy, thậm chí hơn vậy thì kỳ vọng về lợi nhuận là không đáp ứng được. Về nhân sự, mình phải đào tạo được một đội ngũ nhân viên nắm bắt được tinh thần của công việc, cùng quyết tâm và chuyên nghiệp. Công việc có những lúc phải đi công tác kéo dài cả tháng ở các tỉnh. Đồng thời, công tác truyền thông yêu cầu phải sáng tạo không ngừng để nâng cao vị thế của thương hiệu, tạo niềm tin với phụ huynh, học sinh…”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ.

Áp lực khi nhận công việc này với ThS Phạm Thái Sơn là tuyển sinh phải đủ chỉ tiêu và nâng cao chất lượng mỗi năm. “Công việc làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Làm sao có thí sinh giỏi hơn đăng ký xét tuyển thì trường mới có sinh viên giỏi. Làm sao để thí sinh giỏi yêu thích trường mình, trở thành kênh giới thiệu cho học sinh ở trường THPT đăng ký. Các ngành khó khăn trong tuyển sinh phải nghiên cứu cắt giảm chỉ tiêu sao cho vừa đủ. Nghiên cứu lấy điểm chuẩn bao nhiêu thì đủ (lấy thấp quá sẽ vượt chỉ tiêu và không có chất lượng), nếu lấy cao quá dẫn đến thiếu chỉ tiêu và sẽ bị than phiền…”, ThS Phạm Thái Sơn bày tỏ.

“Công tác tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh ở các trường đại học đã và sẽ tiếp tục chuyển mình để đi vào chiều sâu, chất lượng hơn. Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng tích hợp ngày càng sâu sắc với các lý thuyết hướng nghiệp hiện đại trên thế giới để đem đến cái nhìn đa chiều và hiệu quả hơn cho học sinh. Tôi cho rằng hướng đi này phù hợp với xu hướng chọn ngành nghề của học sinh hiện nay, khi các bạn có thể chủ động thông tin và mở rộng phạm vi tiếp cận tri thức hơn rất nhiều so với trước đây”. - ThS Nguyễn Thị Mến (VLU)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ