Nhà giáo được tôn thánh, thờ cùng Thiên lôi

GD&TĐ - Ở Nam Định có một ngôi đền cổ thờ hai vị thánh: Thiên lôi và nhà giáo – nhà khoa bảng Vũ Hữu Lợi – người yêu nước bị xử chém năm 1887.

Đền Giao Cù thờ Thiên lôi và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi.
Đền Giao Cù thờ Thiên lôi và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi.

Đền Giao Cù (hay còn gọi là đền ông nghè Giao Cù) ở thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực – Nam Định). Từ xa xưa, ngôi đền đã thờ Thiên lôi (thần sấm). Sau khi nhà giáo Vũ Hữu Lợi qua đời, người địa phương đã lập bài vị thờ ông tại đền.

Ông nghè Giao Cù

Theo các nguồn sử liệu, Vũ Hữu Lợi có tên thật là Vũ Ngọc Tuân. Ông sinh năm 1836 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Giao Cù, tổng Sa Lung, huyện Nam Trực. Cha ông là Vũ Ngọc Châu từng hai lần lều chõng đi thi, nhưng chỉ đỗ tú tài nên người đời gọi là kép Châu.

Ngay từ nhỏ, Vũ Hữu Lợi đã nổi tiếng thông minh, ham học và rất lanh lẹ. Hơn 10 tuổi, ông được mẹ gửi về quê ngoại học thêm hai người cậu là Bùi Văn Đức và Bùi Mền Hòa đã từng đỗ ba khoa tú tài. Sau này, ông được bà Cai Can là người họ hàng bên ngoại nhận về nuôi, cho theo học cụ cử nhân Vũ Trọng Uy ở làng Bái Thượng.

Cũng có tư liệu nói rằng, Vũ Hữu Lợi từng theo học với Huấn đạo Nam Trực Trần Công Dương (tên khác là Trần Ngọc Toàn), Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị và Tế tửu Vĩnh Xuyên Vũ Văn Lý. Khi học với thầy Lý, ông là bạn đồng môn với Nguyễn Khuyến (sau thi đỗ Tam nguyên) và Vũ Văn Báu (con thầy Lý).

Do quy định của triều đình nhà Nguyễn, người đi thi phải có chức sắc trong làng mới được tham dự. Vũ Ngọc Tuân buộc phải lấy tên ông Vũ Hữu Lợi ở dòng họ Vũ chi dưới để đăng ký dự thi. Từ đó, Vũ Hữu Lợi trở thành tên chính thức.

Dưới triều vua Tự Đức, Vũ Hữu Lợi thi đỗ cử nhân năm 1870. Đến khoa thi năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ nên còn được gọi là ông nghè Giao Cù. Sau thi đỗ, ông được triều đình bổ nhiệm làm Đốc học Nam Định, Thương biện Nam Định, rồi Tá lý bộ Binh.

Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, Vũ Hữu Lợi đã chịu ảnh hưởng từ các phong trào yêu nước chống Pháp. Ông sớm nhận ra sự mục nát, nhu nhược của triều đình mà mình đang phục vụ. Ngày 27/3/1883, Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai với lực lượng bấy giờ chỉ có hơn 4 đại đội thủy quân đánh bộ.

Quân triều đình có 6.200 binh lính phòng thủ thành Nam Định, do Tổng đốc Võ Trọng Bình và Bố chính Đồng Sĩ Vịnh thúc quân trong thành chống trả. Khoảng 600 quân Cờ Đen từ Bắc Ninh xuống tham chiến cùng quân triều đình. Đề đốc Lê Văn Điếm và Án sát Hồ Bá Ôn kéo quân từ trong thành ra giao chiến và tử nạn.

Chết vì nước là chết vinh

Lăng mộ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tại thôn Cổ Nông, xã Bình Minh (Nam Trực).

Lăng mộ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tại thôn Cổ Nông, xã Bình Minh (Nam Trực).

Thương biện Vũ Hữu Lợi lĩnh một đội quân đóng ở phía Nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc. Trong khi đó, Kinh lược sứ Nguyễn Chính đóng đại quân ở Đặng Xá cách thành Nam Định chỉ vài cây số nhưng không tiếp viện.

Sau khi hạ thành, quân Pháp chiếm được 98 cỗ đại bác, trong đó có cả năm khẩu pháo 30mm mà Pháp trao cho phía Việt Nam sau hòa ước 1874. Vì thành Nam Định chỉ nhỏ hơn thành Hà Nội ở Bắc Kỳ thời đó, và dù bị một số hư hại trong cuộc pháo kích, vẫn có giá trị phòng thủ, nên Pháp quyết định đóng giữ thành này.

Viên chỉ huy tiểu đoàn Badens được cử làm quan trấn thủ thành Nam Định với 440 lính và hai pháo thuyền. Badens nhanh chóng tái lập trật tự, tổ chức lại hội đồng hành chính.

Sau cuộc chiến bảo vệ thành Nam Định thất bại, những người tham gia bị vua Tự Đức xét tội. Vũ Hữu Lợi chán nản bỏ quan về quê lập trường dạy học, nhưng không nguôi lý tưởng tái chiếm lại thành.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần hàng nghìn nghĩa binh, mở xưởng rèn, đúc vũ khí. Sĩ phu yêu nước quanh vùng đến tham gia, và chủ động tấn công quân Pháp ở nhiều nơi.

Khi Đồng Khánh lên ngôi, triều đình nhà Nguyễn ra lệnh giải tán các đội quân Cần Vương, nghĩa quân của Vũ Hữu Lợi cũng phải giải tán. Tuy nhiên lúc này, ông thực hiện xây dựng lực lượng bí mật chống Pháp, cử người tham gia phong trào Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên để học thêm kỹ thuật đánh du kích.

Đồng thời, Vũ Hữu Lợi còn cử em ruột là Vũ Ngọc Thụy và một số người đưa cánh quân nhỏ vào Thanh Hóa giúp Đinh Công Tráng xây dựng chiến lũy Ba Đình, và cử người đi học kỹ thuật đúc súng của phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

Những hoạt động chống Pháp của Vũ Hữu Lợi khó bị phát hiện nếu không có người bạn đồng khoa là Vũ Văn Báo làm tay sai cho Pháp phát hiện. Vũ Văn Báo đỗ Phó bảng, làm đến Án sát Nam Định. Chính họ Vũ đích thân về Giao Cù “vấn an lão mẫu” Vũ Hữu Lợi và ra sức thuyết phục ông về làm cho người Pháp nhưng bị thẳng thừng từ chối.

Lúc vãng cảnh chùa Như, làng Tây Lạc (nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực), Vũ Hữu Lợi đọc hai câu thơ cảm tác: Hoang thôn hoa thảo thiên thuỳ lệ/ Cố quốc lâu đài địa khởi lân (Cây cỏ tan hoang, trời nhỏ lệ/ Lâu đài nước cũ đất xanh rêu). Nghe thơ, Vũ Văn Báo biết khó lay chuyển được ông nên thừa cơ lệnh bắt giam vào ngục.

Khi bị bắt, Pháp đã dùng mọi cách dụ hàng nhưng không thành. Đêm 30 Tết năm Đinh Hợi (đầu năm 1887), Vũ Hữu Lợi bị đem ra xử chém tại chợ Nam Định.

Tương truyền, khi bước tới cột hành hình, Vũ Hữu Lợi ung dung đọc hai câu: Vạn tử quyền nhi sinh, sinh tại tặc sào, sinh bất ngẫu/ Nhất sinh đãi nhi tử, tử ư quốc sự, tử vi vinh (Trong muôn chết gượng sống chờ, sống ở hang thù, sống sao đặng/ Dù một chết bên sống đợi, chết về việc nước, chết là vinh).

Dân tôn làm thánh

Bia tiến sĩ vinh danh nhà khoa bảng Vũ Hữu Lợi tại Thánh Miếu Huế.

Bia tiến sĩ vinh danh nhà khoa bảng Vũ Hữu Lợi tại Thánh Miếu Huế.

Có nguồn sử liệu nói rằng, một học trò cũ của Vũ Hữu Lợi tên là Đinh Quang Nhường đã dẫn đầu các bạn đồng môn, tổ chức vây bắt được Vũ Văn Báo rồi đem đi thiêu sống. Ngày nay, tên của danh nhân Vũ Hữu Lợi được chọn đặt cho một con đường ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tại TP Nam Định, cũng có một con phố mang tên ông.

Năm 1905 kể lại việc này, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã viết trong “Việt Nam vong quốc sử”: “Báo là bạn đồng niên của (Vũ Hữu) Lợi. Lợi tin, Báo dẫn quân Pháp vào đồn, Lợi bèn bị bắt. Bấy giờ Bắc Kỳ chưa yên, Pháp muốn đưa Lợi làm quan để thu phục nhân tâm, ông trước sau không chịu khuất, giặc bèn đem chém bêu đầu ở chợ thành Nam đúng hôm trừ tịch cuối năm”.

Cái chết của nhà giáo Vũ Hữu Lợi đã gây xúc động lớn trong giới sĩ phu đương thời. Huấn đạo Trần Công Dương - thầy dạy của Vũ Hữu Lợi ca ngợi người học trò của mình: Nước Đại Nam ta, đời vua Hàm Nghi/ Thương thay, thành quách mười phần khác hẳn/ Đêm trừ tịch năm qua, Người đi đi mãi/ Từ đêm trừ tịch ấy, để lại cho ta nỗi đau buồn/ Chút tình thầy trò, than ôi thế là hết!/ Còn nghĩa lớn vua tôi rồi sẽ thế nào đây?/ Rót một chén rượu nhờ gió đưa viếng/ Chẳng khóc thương Người, thì còn khóc thương ai?.

Sau khi mất, các học trò đã đưa thi hài nhà giáo Vũ Hữu Lợi về chôn ở thôn bên cạnh Cổ Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, để tránh sự nhòm ngó của thực dân Pháp. Tránh việc khủng bố và triệt hạ di tích, người dân địa phương không xây dựng đền mới mà đưa bài vị của ông vào thờ chung với thần Thiên lôi tại đền Giao Cù.

Đền Giao Cù quay hướng Tây, được xây theo kiểu chữ đinh. Ngôi đền được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1990. Trong đền có câu đối ghi ghi danh về người anh hùng: Khoa hoạn quốc nhiếp lưu Việt sử/ Anh thanh từ vũ chốn Nam thiên. Tạm dịch: Công danh sự nghiệp luôn lưu truyền trong sử Việt/ Tiếng thơm nơi đền sở chấn động cả trời Nam.

Cùng với đó là câu đối: Tiến sĩ khai khoa quyết khởi binh đao trừ Pháp tặc/ Giao Cù linh khí tuy công tư đức phụng trung thần (Bậc tiến sĩ khai khoa quyết dấy binh đao trừ giặc Pháp/ Ngài là khí thiêng đất Giao Cù dân ghi nhớ thờ phụng như một bậc trung thần).

Hơn một trăm năm nay, đền Giao Cù vẫn ngày ngày hương khói thể hiện nghĩa tình và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngày nay ngôi đền ấy chính thức trở thành đền thờ Vũ Hữu Lợi, là nơi để bao thế hệ người dân Nam Định tỏ lòng tri ân công đức đối với một nhà giáo, một nhà khoa bảng lớn của dân tộc. Đồng thời, cũng là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống quật cường của cha ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ