Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời

GD&TĐ - “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn quỳnh”. Câu ca về làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu – Nghệ An) phần nào diễn tả được sức học của ngôi làng nổi tiếng khoa bảng nước Nam.

Cổng làng khoa bảng Quỳnh Đôi.
Cổng làng khoa bảng Quỳnh Đôi.

Trong bài tựa cuốn “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhận định: “Làng Quỳnh Đôi là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê trung hưng trở về sau”.

Nhiều gia đình ở Quỳnh Đôi “mai khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa”, song “ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”. Bởi vậy, dân gian có câu: Một nhà ba Trạng nguyên ngồi/Một gương từ mẫu cho đời soi chung.

Học là nghề truyền thống

Theo các tư liệu lịch sử, vào giữa thế kỷ 14 các cụ Hồ Khai, Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi trang”. Sau quá trình mở mang xây dựng trang ấp, bắt đầu từ năm 1378 đời Trần Xương Phù cho đến năm 1528 thời nhà Mạc, Thổ Đôi trang được đổi tên là thôn Quỳnh Đôi.

Theo cụ Phan Hữu Thịnh, năm 1440, những người dựng làng mời ông Dương Văn Khang về dạy chữ. Từ lúc này chuyện học hành mới bắt đầu được chú trọng, và một thời gian sau mới có người dự thi.

Diện tích nhỏ hẹp và dân số thưa nhưng Quỳnh Đôi lại là một trong những làng khoa bảng có nhiều người đỗ đạt nhất. Đặc biệt, Quỳnh Đôi chiếm tới 10% số người đỗ đạt của cả vùng Nghệ Tĩnh rộng lớn.

Quỳnh Đôi có hai hòn lèn (núi) chiếu vào, phía Đông có lèn Bảng gọi là Bảng Canh, phía Tây có lèn Bèo gọi là Hiền Hoa. Có chuyện kể rằng, vào năm 1885 vị Tú tài là Hồ Phi Hội biên soạn cuốn sách “Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên trang”. Trong phần tựa, có kể rằng, đêm nằm mơ thấy một vị thần báo mộng “Giáp canh bảng tại văn tự tại”.

Giấc mộng này nói về sự tồn tại vĩnh viễn và ý nghĩa to lớn của chuyện học hành. Người nay, có thể coi câu chuyện trên chỉ là một giai thoại. Tuy nhiên, có một sự thật phải công nhận là làng Quỳnh Đôi rất khác với các làng lân cận. Người nơi đây coi việc học là “nghề truyền thống”. Mà đã là nghề truyền thống thì phải cha truyền con nối, không để đứt quãng mai một.

Tinh thần chịu khó, khổ học thành tài dường như đã thành dòng chảy đời nối đời của người làng Quỳnh. Người xưa luôn nhắc nhau, rằng: “Bây giờ đi nước mỏi vai/ Mai sau đi hán đi hài mỏi chân”.

Từ năm 1444 đời vua Lê Nhân Tông đến năm 1919 khi bỏ thi cử chữ Hán, làng Quỳnh Đôi có trên 1000 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ. Bình quân mỗi khoa có 8,3 người đỗ (chiếm 10 - 11% của cả Nghệ Tĩnh). Về đại khoa, Quỳnh Đôi có 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 2 Hoàng giáp, 6 tiến sĩ và 4 phó bảng. 

Ba đời đỗ đạt, đỗ cả nhà

Quỳnh Đôi có đến hàng chục Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia phát xuất từ các dòng họ khoa bảng.

Quỳnh Đôi có đến hàng chục Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia phát xuất từ các dòng họ khoa bảng.

Theo GS Nguyễn Thiệu Lâu trong “Quốc sử tạp lục”, thì làng Quỳnh Đôi vốn từ đầu là ba cái gò, là gò Dứa (Ma Lãnh), gò Ngọc và gò Trài. Ba cái gò này tách rời nhau, giáp sông, gần biển, nổi lên giữa một vùng mênh mông sóng nước, hình tựa những cái nồi nên thời đầu gọi là làng Nồi.

Vào năm 1358, vùng đất này đã lọt vào mắt của một người đang đi tìm “đất lành” cho con cháu, đó là cụ Hồ Kha, hậu duệ của Trạng nguyên - Thứ sử Châu Diễn Hồ Hưng Dật.

Với nhận thức và tâm linh thuở ấy, cụ Hồ Kha đã nhận ra đất này là “đinh long dẫn mạch, đinh thủy đáo đường”, con cháu đời đời sẽ khai thác những cảnh vật thiên tạo ấy như là điểm trợ lực về tinh thần để gây dựng sự phấn chấn trong học tập, sự nghiệp…

Theo thống kê chưa đầy đủ, 14 họ ở Quỳnh Đôi thì họ Hồ nhiều người thi đậu hơn cả với 560 người, họ Nguyễn: 177, họ Dương: 156, họ Phan: 84, họ Hoàng: 39…

Bởi vậy, bà con Quỳnh Đôi có câu ca dao: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/Như cây trên núi như diều trên không”. Trong số 19 người đỗ đại khoa của cả huyện Quỳnh Lưu thì Quỳnh Đôi đã chiếm 12 người. Có nhiều gia đình “cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.

Năm Đinh Mão (1807), toàn tỉnh Nghệ An có 8 người đỗ cử nhân, riêng làng Quỳnh Đôi 3 người có tên trên bảng. Có lúc 3 khoa liền, làng Quỳnh có 3 người đỗ thủ khoa trường Nghệ.

Đó là Dương Quế Phổ đỗ đầu khoa Mậu Dần (1878) Nguyễn Quý Yêm đỗ đầu khoa Nhâm Ngọ (1882) và Phan Đình Phát đỗ đầu khoa Giáp Thân (1884) đúng như câu: “Kinh Kỳ dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời”.

Không chỉ học rộng đỗ cao, làng Quỳnh Đôi cũng tập hợp những tên tuổi danh sĩ nổi tiếng nước Nam, như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Phan Hữu Tính, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Dương Thúc Hạp, Hoàng Mậu, Phan Duy Phổ…

Tiếp nối truyền thống khoa cử của ông cha, trong thời đại mới, làng Quỳnh có rất nhiều người đỗ đạt, thành danh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, làng Quỳnh có trên 100 người có trình độ trên đại học, trên 800 người trình độ đại học.

Trong số này có 2 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư, 55 tiến sĩ; 2 ủy viên Bộ Chính trị, 3 ủy viên Trung ương Đảng, 9 đại biểu Quốc hội, 11 Bộ trưởng và Thứ trưởng, 11 Bí thư và Phó Bí thư Khu ủy và Tỉnh ủy…

Đất phát đế vương

Quỳnh Đôi còn là quê hương cội rễ của Hoàng đế Quang Trung.

Quỳnh Đôi còn là quê hương cội rễ của Hoàng đế Quang Trung.

Đã là làng khoa bảng thì trước hết phải nói đến sự học. Miền quê nghèo khó đất chật người đông này từ xưa đã coi học và dạy học như một nghề mưu sinh. Những cậu con trai làng lớn lên đều được hướng vào việc học. Học để đi thi làm quan, học để kiếm sống, chí ít cũng phải biết được ít chữ thánh hiền để không hổ thẹn với xóm làng.

Tấm gương tiêu biểu được truyền tụng nhiều nhất là Quận công Hồ Sĩ Dương. Ông 3 lần thi hương đều trúng thủ khoa. Tháng 10/1659, ông đỗ khoa Đông các. Trong đời làm quan, ông từng giữ 4 chức Thượng thư ở các bộ: Binh, Hình, Công, Hộ.

Ông được phong các tước: Tử, Bá, Hầu, Quận công, Thiếu bảo. Ông lập nhiều chiến công khi dẹp giặc và cả thành tích về ngoại giao trong các cuộc đàm phán với ngoại bang.

Mồ côi cha, mẹ mò cua bắt ốc nuôi ông ăn học, bản thân Hồ Sĩ Dương cũng phải phụ mẹ đi gánh nước thuê hoặc xách ấm bán nước dạo ở chợ Nồi, chợ của làng. Không có nhà, mẹ con phải mắc võng tá túc trong đình chợ qua đêm. Trong cảnh nghèo khó đó, cậu học trò tự trào: “Ngày thời việc nước đảm đang/ Tối thời võng giá nghênh ngang đình Nồi”.

Không chỉ là vùng đất học, Quỳnh Đôi còn được mệnh danh là đất phát tích đế vương. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Hồ Quý Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ… đều có gốc tích từ tổ tiên làng Quỳnh.

Theo truyền thuyết địa phương, tổ tiên Nguyễn Huệ vào Nam không phải do nhà Nguyễn bắt tù binh hay do bị bốc hốt, mà chính do bị bắt cóc theo kiểu “ông ba bị”.

Một số trẻ họ Hồ bị bắt bán vào Nam và được đưa về sống ở ấp Tây Sơn (làng Phù Ly gần An Khê, Bình Định). Số trẻ ấy phải mang một họ mới là họ Nguyễn. Chính tổ tiên Nguyễn Huệ là một trong số những trẻ bị đem về nuôi ở Phù Ly. Cha Nguyễn Huệ không thể không nhắc lại cho con cháu nghe để nhận biết quê hương tổ quán.

Phả hệ dòng dõi Hồ Sĩ Anh nêu rõ vị trí của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Hồ Xuân Hương đều thuộc đời 12 kể từ Hồ Hân là đời số 1. Hồ Phi Huyền hay còn gọi là Hồ Phi Thống (nhạc phụ nhà văn Đặng Thai Mai) thuộc đời 14.

Không chỉ là đất phát tích đế vương, học giả Hoàng Xuân Hãn còn nhận định Quỳnh Đôi là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê trung hưng trở về sau. Trong số đó phải kể đến bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Có thể nói, học hành là nghề - một nét văn hóa đặc biệt của người Quỳnh Đôi. Nhờ học hành mà người Quỳnh Đôi đã tiếp thu và truyền bá được những kiến thức cần thiết, có vai trò động lực thúc đẩy mọi hoạt động của làng, từ mở mang ngành nghề, làm quan, làm thầy học, thầy thuốc, đến làm văn chương, học thuật, buôn bán…

Làng Quỳnh Đôi nhờ đó mà vượt qua đói nghèo trở nên một làng văn hóa nổi tiếng xưa nay, đóng góp đáng kể nhân tài nhiều mặt cho đất nước. Đó là đỉnh cao được nhiều thời thừa nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.