Nguyễn Tiến Minh: Nối dài kỳ tích

GD&TĐ - Nếu giành vé đến Nhật Bản vào năm 2020 là kỳ Olympic thứ tư liên tiếp Tiến Minh góp mặt. Lịch sử thể thao Việt Nam chưa có VĐV nào làm được điều này và cũng chưa có VĐV nào đạt đến đẳng cấp thế giới đồng thời trụ lại ở đó lâu như tay vợt số 1 Việt Nam.

Chia tay SEA Games 30 tại Philippines Tiến Minh tập trung săn vé Olympic 2020. Ảnh: ITN
Chia tay SEA Games 30 tại Philippines Tiến Minh tập trung săn vé Olympic 2020. Ảnh: ITN

Vợ chồng cùng săn vé Olympic

Cuối năm 2016, hai ngôi sao cầu lông Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang cùng nhau bước lên xe hoa. Sau ba năm kết hôn, cặp vợ chồng nổi tiếng nhất làng thể thao Việt Nam chưa tính sinh con, nhằm tập trung cao độ giành vé Olympic 2020, như ở kỳ Thế vận hội 2016.

Với kinh nghiệm của một tay vợt từng ba lần dự Olympic và thi đấu nhiều nơi, tay vợt 36 tuổi Tiến Minh đã xây dựng chiến lược săn vé Olympic bài bản cho 2 vợ chồng.

Đó là lựa chọn những giải thuộc cấp độ International Challenge hoặc Series để tích lũy điểm. Những giải này tập hợp hầu hết đấu thủ đều đứng ngoài top 50 thế giới, tổ chức chủ yếu ở các nước xa trung tâm cầu lông, vừa sức để có thể đua tranh các thứ hạng cao.

Như vậy, cặp vợ chồng Minh - Trang chấp nhận mất nhiều tiền hơn, di chuyển xa, vất vả hơn về mọi mặt, để có các tour đấu ở tận… châu Phi. Theo cách này, họ đang giành được những thành quả đầu tiên trên đường đua đến Nhật Bản vào năm 2020. Tiến Minh đã giành chức vô địch đơn nam trên đất Nigeria (Lagos International Classicc 2019), một HCĐ ở Ghana, giải đấu Vũ Thị Trang vô địch đơn nữ.

Theo quy định của Liên đoàn cầu lông thế giới, 38 tay vợt hàng đầu sẽ góp mặt tại Tokyo và mỗi quốc gia chỉ có tối đa hai suất. Tiến Minh đang đứng thứ 58 đơn nam, còn Trang xếp thứ 57 đơn nữ. Nếu duy trì được thứ bậc như hiện tại Tiến Minh gần như chắc chắn có vé đến Nhật Bản, trong khi Vũ Thị Trang sẽ còn phải phấn đấu tăng thêm được 25 bậc nữa mới có hy vọng.

Mới đây, Vũ Thị Trang gây bất ngờ tại giải cầu lông vô địch thế giới tổ chức ở Thụy Sĩ, khi cô đánh bại đối thủ hạt giống xếp số 15 Line Hojmark Kjaersfeldt ở vòng 2. Xét về thứ hạng thế giới, vào thời điểm đó, Vũ Thị Trang đang đứng hạng 74 kém xa so với đối thủ. Vậy nên, trận thắng này có thể sẽ là một bước đột phá để người đẹp cầu lông quê Bắc Giang tăng tốc săn vé Olympic 2020.

Nỗi buồn SEA Games

Chấn thương nặng hơn dự kiến buộc Tiến Minh nói lời chia tay SEA Games 30 tại Philippines. Trước đó, tay vợt số 1 Việt Nam đã bất ngờ bị rách cơ đùi trong lúc tập luyện. Sở hữu nhiều danh hiệu quốc tế, từng vươn lên hạng 4 thế giới và nhiều lần góp mặt trong top 10, nhưng điều tiếc nuối lớn nhất với Tiến Minh vẫn là tấm HCV SEA Games.

Trong quá khứ, thành tích tốt nhất của anh chỉ là 3 HCĐ đơn nam (2007, 2013, 2017), 1 HCĐ đồng đội (2005). “Bản thân tôi cảm thấy khá tiếc nuối vì không thể tham dự SEA Games. Tôi thi đấu nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ lại gặp chấn thương ngay thời điểm quan trọng như vậy. Hiện tại tôi phải cố gắng điều trị thật tốt để tiếp tục chạy đua giành vé tham dự Olympic 2020”, Tiến Minh chia sẻ.

Một lần nữa, người ta cảm nhận được nỗi buồn của Tiến Minh. Anh là một trường hợp độc và lạ của cầu lông thế giới. Khởi đầu chỉ là một vận động viên phong trào, từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cực cao, tinh thần vượt khó phi thường trong suốt một thời gian dài, Tiến Minh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới. Thế nhưng, khi đã vươn lên tầm thế giới, Tiến Minh phải đối diện với nghịch lý, không HLV trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn cho anh và vấn đề kinh phí.

Tiến Minh phải chấp nhận cảnh tập chay không giáo án chuyên biệt. Để giữ vị trí trên bảng tổng sắp thế giới, mỗi năm Tiến Minh phải xuất ngoại, đánh trung bình khoảng 15 giải lớn nhỏ. Và anh hầu hết phải đi một mình, vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước chỉ đủ để hỗ trợ cho một suất của Tiến Minh.

“Mỗi lần đi thi đấu nước ngoài là một lần tôi thấy buồn tủi. VĐV các nước khác hễ bước ra khỏi sân là có hẳn một ekip chăm sóc tỉ mỉ, từ HLV cho đến bác sĩ riêng, săn sóc viên. Về đến nơi nghỉ, họ sẽ được hưởng chế độ phục hồi bài bản và chế độ dinh dưỡng thịnh soạn. Còn mình thì lủi thủi đi về phòng ngủ” - Tiến Minh từng chia sẻ.

Nhưng tủi thân mãi cũng thành quen. Đặc biệt, từ Olympic 2016, Tiến Minh đã có một người đa năng bên cạnh, từ chỉ đạo chuyên môn, săn sóc viên đến chuyên gia tâm lý. Hình ảnh tay vợt Vũ Thị Trang sắm vai HLV “bất đắc dĩ”, chỉ đạo bạn trai Tiến Minh lội ngược dòng đánh bại Vladimir Malkov ở Olympic Rio đã chứng minh thực tế chua xót của thể thao Việt Nam.

“Tiến Minh sẽ làm gì ngay sau khi tìm được chiến thắng đầu tiên ở một kỳ Olympic?” Câu trả lời là sau khi lội ngược dòng đánh bại Vladimir Malkov của Nga, Tiến Minh lập tức xách vợt sang sân phụ để tập cho bạn gái Vũ Thị Trang. Hình ảnh Tiến Minh và Vũ Thị Trang thay nhau “lúc làm HLV, lúc làm VĐV” đã thực sự khiến khán giả Việt xúc động vì đó như một câu chuyện tình lãng mạn ở sân chơi Olympic.

Ở tuổi 36, tay vợt số 1 của Việt Nam bất ngờ đoạt tấm HCĐ giải vô địch châu Á 2019 một cách đầy may mắn mà cũng rất xứng đáng. Với Tiến Minh lúc này, khi đã qua thời đỉnh cao, niềm đam mê cháy bỏng và tình cảm của khán giả là những động lực lớn nhất để anh thi đấu tiếp. Sau khi lập kỷ lục 3 lần liên tiếp tham dự Olympic, Tiến Minh đang nỗ lực nối dài kỳ tích bằng suất đến Nhật Bản vào năm 2020.

Bằng tài năng và ý chí sắt đá, Tiến Minh từng vươn lên thứ năm thế giới, và trụ lại top 10 thế giới trong suốt hơn 2 năm (từ 1/2010 – 3/2012). Tuy nhiên, thời điểm Tiến Minh nằm trong top 10 là lúc cầu lông Đông Nam Á thống trị thế giới với hai tên tuổi là Lee Chong Wei (Malaysia) và Boonsak Ponsana (Thái Lan). Chính vì thế, Tiến Minh luôn kém duyên với SEA Games, dù trong sự nghiệp anh sở hữu đến 16 danh hiệu vô địch cùng tấm HCĐ thế giới năm 2013.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ