Nguyễn Du & tình thương yêu động vật

GD&TĐ - Cho rằng Nguyễn Du yêu thương loài vật, hẳn có người sẽ không đồng tình. Bởi trong thơ, Nguyễn Du từng nhắc đến chuyện đi săn.

Nguyễn Du thường dùng hình ảnh động vật với cảm hứng triết lý để ẩn dụ cho một minh triết nào đó. Bài “Khổng tước vũ” là triết lý về sự không tương hợp giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong.
Nguyễn Du thường dùng hình ảnh động vật với cảm hứng triết lý để ẩn dụ cho một minh triết nào đó. Bài “Khổng tước vũ” là triết lý về sự không tương hợp giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong.

Nhà thơ lấy các biệt hiệu gắn liền với chuyện đi săn (Hồng Sơn Liệp Hộ), câu cá (Nam Hải Điếu Đồ). Thậm chí, trong bài Hành lạc từ 1, ông còn viết “Có chó cứ làm thịt” (Hữu khuyển thả tu sát). Tuy nhiên, đọc thơ Tố Như, không khó để nhận ra điều ngược lại. Ông không chỉ viết nhiều về động vật, mà còn dành cho chúng tình yêu thương rất lớn.

Động vật trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Du

Động vật trong sáng tác của Nguyễn Du có số lượng rất lớn. Nhà thơ Vương Trọng thống kê được trong Truyện Kiều có đến 49 loài động vật(1). Trong thơ chữ Hán của ông, chúng tôi cũng thống kê được gần 40 loài, trong đó, không ít loài được nhắc đến nhiều lần.

Không chỉ nhiều, động vật trong thơ Nguyễn Du còn hết sức đa dạng. Bên cạnh một số loài trong truyền thuyết (rồng, phượng, loan, chim Tinh Vệ), gắn với điển cố (hạc hĩnh, thố tủy), đại đa số là các loài gần gũi, quen thuộc với con người. Trong đó, thú có chó, trâu, bò, ngựa, lợn, hươu, nai, hổ/hùm, báo, sói, vượn, thỏ, mèo, chuột…; chim có hồng, hạc, nhạn, yến/én, âu, cò, oanh, khổng tước (công), gà, đỗ quyên (cuốc), ác (quạ)…; cá có cá vược, cá kình…; bò sát có rắn, thạch sùng…; lưỡng cư có cóc, nhái, ếch, ễnh ương…; côn trùng có đom đóm, muỗi, ruồi, bướm, ong, mối, mọt, ve, kiến, chuồn…

Cùng với tính đa dạng về loài, động vật trong thơ Nguyễn Du còn được thể hiện vô cùng sinh động. Ở nhiều loài, nhà thơ chú ý đến đặc tính nổi bật của chúng. Ví như, ở gà, Nguyễn Du thường tập trung miêu tả tiếng gáy: Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường; Tiếng gà xao xác gáy mau (Truyện Kiều). Ở vượn, ông chú ý đến tiếng hú gợi buồn vắng: Đề viên triệt dạ bi (Vượn hú buồn cả đêm – Bài Sơn Đường dạ bạc)… Nhiều loài được nhà thơ miêu tả khá cận cảnh, ấn tượng, chẳng hạn: Ngày xuân con én đưa thoi (Truyện Kiều); Sa chủy tàn lô phi bạch lộ/ Lũng đầu lạc nhật ngọa hoàng ngưu (Cò trắng bay trên vạt lau tàn nơi doi cát/ Bò vàng nằm trên gò, dưới ánh Mặt trời lặn – Đồng Lung giang)…

“Chức năng” của các loài động vật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du cũng hết sức linh hoạt. Bên cạnh các loài xuất hiện với tư cách là đối tượng độc lập, nhiều loài được “mượn vai” để so sánh, ẩn dụ cho đối tượng khác, chủ yếu là con người. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du thường ví bọn nịnh thần trong triều là chim oanh, chim yến. “Những phường giá áo túi cơm”, bọn tiểu nhân bỉ ổi nhà thơ ví với ruồi, mối: Bình sinh bất khởi thương dăng niệm/ Kim cổ thủy đồng bạch nghĩ oa (Bình sinh không nảy ý nghĩ của loài ruồi xanh/ Xưa nay ai người sống chung với tổ mối - Tạp ngâm).

Trong Truyện Kiều, động vật cũng xuất hiện thường xuyên với nhiệm vụ đại diện cho một kiểu người nào đó. Ví như, Từ Hải là hùm thiêng (Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn); bọn sai nha là trâu, ngựa (Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi); khách làng chơi là ong, bướm (Biết bao bướm lả ong lơi); nàng Kiều có khi là lươn (Thân lươn bao quản lấm đầu), khi là anh, yến (Quyến anh rủ yến sự này tại ai)…

Nhiều loài trở thành cái được so sánh trong các phép so sánh tu từ của Nguyễn Du, chẳng hạn: Trong như tiếng hạc bay qua (Truyện Kiều); Sinh bình văn thái tàn lung phượng/ Phù thế công danh tẩu hác xà (Văn chương lúc bình sinh [như] phượng trong lồng nát/ Công danh chốn phù thế [như] rắn bò vào hang – Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy); Phù thế công danh khan điểu quá (Công danh trên đời xem như bóng chim vút qua – Mộ xuân mạn hứng). Chính Tố Như cũng mượn loài vật để nói về bản thân mình: Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn/ Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri (Bản tính vốn như chân hạc, làm sao cắt được/ Số mệnh như lông chim hồng, chẳng tự biết sao – Tự thán 1).

Cũng như các loài cây, các loài con giữ vai trò quan trọng trong cảm hứng nghệ thuật của Nguyễn Du. Đọc thơ ông, không khó để nhận ra sự phong phú của thế giới loài vật gắn liền với sự đa dạng trong cảm hứng nghệ thuật của thi nhân. Trong thơ, Nguyễn Du thường dùng hình ảnh động vật với cảm hứng triết lý để ẩn dụ cho một minh triết nào đó. Chẳng hạn, ở bài Khổng tước vũ, mượn hình ảnh đối lập giữa chim công và hạc biển, nhà thơ nêu lên triết lý về sự không tương hợp giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, về sự phô trương và giấu mình, về cách nhìn nhận của người đời và thái độ của chính tác giả:

Khổng tước phủ hoài độc,

Ngộ phục bất khả y.

Ngoại lộ văn chương thể,

Trung tàng sát phạt ky.

Nhân khoa dung chỉ thiện,

Ngã tích vũ mao kỳ.

Hải hạc diệc nội vũ,

Bất dữ thế nhân tri.

(Phủ tạng công chứa độc/ Uống nhầm không thể chữa/ Bên ngoài lộ vẻ sáng đẹp/ Trong lại chứa chất độc chết người/ Người đời khen dáng điệu đẹp của nó/ Ta chỉ tiếc bộ lông lạ/ Hạc biển cũng biết múa/ Nhưng không để người đời biết).

Động vật còn gắn liền với cảm hứng hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Du. Con ngựa đòi ăn vì nạn đói ở Tín Dương (Mã minh tư tự mạt); ngựa xe chạy, gà chó sủa kêu tán loạn vì nạn binh đao ở vùng Hà Nam (Xa mã trì sậu kê khuyển minh); đàn muỗi kêu vo ve trong công quán ở Quế Lâm (Hư trướng tụ văn thanh)… là những chi tiết mang giá trị hiện thực đậm nét mà Tố Như ghi lại trên hành trình đi sứ đất Bắc.

Trong cuộc sống đói nghèo, bệnh tật của thi nhân giữa những tháng ngày gió bụi, hình ảnh động vật, chủ yếu là những con vật bé nhỏ, dơ bẩn, xuất hiện thường xuyên: Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư (Chuột đói leo giường gặm sách của ta – Ngọa bệnh 1); Phế táo tụ hà mô/ Thâm đường xuất khưu dẫn (Bếp hoang ễnh ương tụ lại/ Trời tối giun đất bò ra – Bất mị); Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch/ Hoang trì thủy hạc xuất hà mô (Tường hư dưới trăng sáng thằn lằn bò quanh/ Ao hoang nước cạn, ễnh ương bò ra – U cư 2).

Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh minh họa (nguồn IT)
Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh minh họa (nguồn IT)

Động vật trong cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du

Đặc biệt, phần lớn các con vật trong thơ Nguyễn Du gắn liền với cảm hứng nhân đạo. Ở đó, nhiều loài vật được nhà thơ nói đến với tấm lòng yêu thương sâu sắc.

Trong các sáng tác, Nguyễn Du thường dành nhiều tình yêu thương cho các loài động vật. Ông yêu quý nhiều loài vật và miêu tả chúng một cách đẹp nhất. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều, con ngựa của chàng Kim trong buổi Kim Kiều tương ngộ được nhà thơ miêu tả thật lộng lẫy: Tuyết in sắc ngựa câu giòn. Còn chú ngựa mùa thu mà ông nói đến trong bài Đại nhân hí bút lại thật kiêu kỳ, quý phái: Mục túc thu kiêu kim lặc mã (Mùa thu, ngựa đeo dàm vàng kiêu hãnh ăn mục túc).

Chú chó săn trong bài Hành lạc từ 1 cũng thật rạng rỡ: Tuấn khuyển hoàng bạch mao/ Kim linh hệ tú cảnh (Chó khỏe lông vàng, trắng/ Cổ đẹp đeo chuông vàng). Nhiều loài còn được miêu tả ở trạng thái tự do, phóng khoáng, yên bình: Ngư miết du khâu lăng (Cá giải bơi đùa nơi cồn cỏ – Lang giang); Thủy điểu sa cầm hiệp bất phi (Chim nước, chim bãi dạn người không bay đi – Chu hành tức sự); Chi đầu điểu do túc (Đầu cành chim còn ngủ – Lý gia trại tảo phát); Phù âu tĩnh túc noãn sa tân (Chim âu ngủ yên trên bãi cát ấm – Dạ hành); Thâm sơn mi lộc du (Núi sâu hươu nai dạo chơi – Biệt Nguyễn Đại Lang 1).

Trong thơ, Nguyễn Du luôn mang niềm u uất bởi sự câu thúc, ràng buộc. Ông xem cái nghèo, bệnh tật, những tháng năm gió bụi, những ngày ra làm quan “không bệnh mà phải khom lưng” (Vô bệnh cố câu câu), rộng hơn là những bất công, phi lí của cuộc đời chính là nguyên nhân lấy đi “hùng tâm tráng chí”, sự tự do, phóng khoáng của mình. Bởi đó, nhà thơ ngưỡng mộ sự tự tại, vô cầu của loài vật và nhiều lần ao ước được như chúng. Ông mong muốn được làm bạn với hươu, lợn: Vô tử chung tầm thỉ lộc minh (Không chết thì cuối cùng sẽ tìm lợn, hươu kết bạn – Ký hữu). Nhà thơ ngưỡng mộ và khao khát được như chim âu sống một đời tự do, thuận theo tự nhiên: Tiện nhĩ dã âu tùy thủy khứ (Thèm được như chim âu ngoài đồng nội thuận theo dòng nước chảy – Đồng Lung giang).

Không chỉ ngưỡng mộ, Nguyễn Du còn đồng cảm, thấu hiểu được nhiều loài vật. Bằng trái tim đầy trắc ẩn, thi nhân như cảm nhận được ngôn ngữ, tâm trạng của nhiều loài vật. Nhà thơ nghe trong tiếng ve điệu sầu thương sâu thẳm: Kỳ trung tự hữu thanh thương điệu/ Bất thị sầu nhân bất hứa tri (Trong đó [tức tiếng ve] vốn có điệu buồn thanh thương/ Không phải kẻ u sầu thì không thể biết – Sơ thu cảm hứng 2). Trong một tiếng kêu của chim hồng bay về trong đêm, thi nhân nghe ra cả niềm bi thương như lay cả đất trời: Quy hồng bi động thiên hà thủy (Chim hồng bay về, tiếng bi thương xáo động cả sông Ngân Hà – Trệ khách).

Yêu quý động vật, Nguyễn Du dành sự xót thương cho những con vật bất hạnh, đói khổ. Chứng kiến nạn đói ở Tín Dương, nhà thơ xót xa trước cảnh người dân phải ăn cơm trộn cám, thương cả con ngựa đói lâu ngày cứ mãi hí đòi ăn: Mã minh tư tự mạt/ Dân thực bán bỉ khang (Ngựa hí đòi rơm thóc/ Dân ăn cơm độn đến nửa phần cám – Tín Dương tức sự). Trên đường qua Hà Nam nắng nóng, một tiếng ngựa hí vì mệt mỏi cũng làm nhà thơ xót lòng: Đồ trường tê quyện mã (Đường dài ngựa mỏi hí vang – Hàn Nam đạo trung khốc thử). Nguyễn Du là người rất thương ngựa. Trong thơ ông, ngựa xuất hiện rất nhiều lần.

Bên cạnh những chú ngựa đẹp đẽ, ông còn quan tâm đến những con ngựa đói mệt, thương cảm những con ngựa già yếu bị ruồng bỏ. Gặp con ngựa già bị bỏ bơi dưới chân thành, nhà thơ đau xót: Thùy gia lão mã khí thành âm/ Mao ám bì can sấu bất câm (Ngựa già nhà ai bị bỏ dưới chân thành/ Lông sạm, da khô, gầy quá đỗi). Xót thương cho lão ngựa tội nghiệp nhưng nhà thơ vẫn hết sức khâm phục khí khái của con vật trung nghĩa này: Cơ lai bất tác cầu nhân thái/ Lão khứ chung hoài báo quốc tâm (Bụng đói vẫn không tỏ ý xin người/ Già rồi vẫn ôm lòng báo quốc – Thành hạ khí mã). Có lẽ, không bởi hết lòng thương yêu loài vật, Tố Như đã không yêu quý, thấu hiểu, trân trọng loài vật đến thế…

Đặc biệt, chứng kiến cái chết của động vật, Nguyễn Du nhiều lần tỏ ra xót thương, thậm chí ngưỡng vọng. Chẳng hạn, trong bài Điệu khuyển, ông thương chú chó săn vì ham tiến mà bỏ mình nơi núi lạnh (Tham tiến bất tri chỉ/ Vẫn thân hàn sơn trung), trân trọng xem nó là bậc tài danh, cái chết của nó là kỳ tử, cũng như tuấn mã không chết già, liệt nữ không chết yên ổn (Tuấn mã bất lão tử/ Liệt nữ vô thiện chung). Ở bài Điệp tử thư trung, thương con bướm chết trong sách, nhà thơ còn ngưỡng mộ cái chết thật đẹp của con vật biết yêu cái thanh cao này: Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch/ …/ Văn đạo dã ưng cam nhất tử/ Dâm thư do thắng vị hoa mang (Mệnh mỏng nhưng có duyên nên được lưu lại trong sách/ Nghe đạo cũng cam cho một lần chết/ Mê sách hơn bận lòng vì hoa).

Có thể thấy, trừ những loài vật được mượn làm hình ảnh ẩn dụ, đa số loài vật được nhắc đến trong thơ Nguyễn Du với thái độ yêu quý, ngưỡng mộ, cảm thông, xót thương. Vậy, tại sao thi nhân lại nhắc đến chuyện đi săn, thậm chí nói đến việc làm thịt chó (Hữu khuyển thả tu sát), đến cái ngon ngọt của thịt nai (Nam sơn đa hương mi/ Huyết nhục cam thả phì) như trong bài Hành lạc từ 1? Phải chăng nhà thơ tự mâu thuẫn giữa tình cảm và hành động, giữa cuộc đời và văn chương của mình?

Chúng tôi cho rằng, Nguyễn Du không hề tự mâu thuẫn và Hành lạc từ 1 là một trường hợp khá đặc biệt trong thơ ông. Trước hết, không khó để nhận ra tinh thần hiếu sinh bàng bạc trong thơ Tố Như. Hơn nữa, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng chúng sinh bình đẳng của nhà Phật(2), Nguyễn Du yêu quý, tôn trọng muôn loài. Ông luôn xem loài vật như bạn: Nhược ngộ sơn trung mi lộc hữu (Nhược bằng gặp bạn hươu nai trong núi – Ngẫu hứng 1); gọi chúng là láng giềng: Viên hạc hà tòng nhận cựu lân (Vượn, hạc làm sao nhận ra người hàng xóm cũ). B

ởi đó, dù chỉ đôi lần nói đến cảnh đi săn, nhà thơ cũng không hề miêu tả cảnh bắn giết, làm thịt thú rừng. Ông chỉ nói “Núi Nam có nhiều nai hương thịt ngon” và giả định “Có chó cứ làm thịt/ Có rượu cứ nghiêng bầu”. Đây chỉ là cái cớ để nhà thơ minh triết về thú hành lạc của người đời và của bản thân ông. Hành lạc từ 1 không phải là bài từ về thú đi săn. Đây là một tuyên ngôn về thái độ sống của nhà thơ: Nhân sinh vô bách tải/ Hành lạc đương cập kỳ/…/ Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận/ Hà sự mang mang thân hậu danh (Đời người chẳng ai trăm tuổi/ Vui chơi nên kịp thì/ Được mất trước mắt còn khó biết/ Việc gì cứ bận lòng cái danh sau khi chết).

Tóm lại, Nguyễn Du vĩ đại trước hết bởi tấm lòng yêu thương rộng khắp mà ông dành cho muôn loài. Thơ ông vĩ đại trước hết bởi tinh thần nhân đạo thấm đượm trên từng câu chữ. Không chỉ đồng cảm, xót thương với những đấng tài hoa bạc mệnh, những mảnh đời bất hạnh lầm than hay những cô hồn lang thang vất vưởng, Nguyễn Du còn dành sự yêu thương, trân trọng đối với nhiều loài động vật. Chỉ một phương diện này thôi cũng đủ nói lên chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc trong sáng tác của Nguyễn Du, nhà thơ “có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân).

_________________________________________________

(1) Vương Trọng (2015), “Sinh vật trong Truyện Kiều”, đăng trên vanhoanghean.vn, ngày 11/10/2015.

(2) Trong bài “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, Nguyễn Du cho biết bản thân đã đọc kinh “Kim Cương cả ngàn lần (Ngã độc Kim Cương thiên biến linh)”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ