Phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du sắp ra rạp

GD&TĐ - Bộ phim tài liệu về Đại thi hào Nguyễn Du đã được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép phổ biến rộng rãi.

Phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du.
Phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du.

Có thể đối với nhiều người dân Việt Nam cái tên "Truyện Kiều" hay "Đại thi hào Nguyễn Du" không còn xa lạ gì, tuy nhiên để nhiều người có thể hiểu hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp của ông cũng như sự ra đời của "Truyện Kiều" hay các nhân vật quen thuộc như Thuý Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải, Tú Bà, Hoạn Thư… thì không phải ai cũng biết rõ.

Mới đây, 3 phần trọn vẹn của phim Đại thi hào Nguyễn Du đã được Cục điện ảnh cấp phép ra rạp và dự kiến phát hành thời gian tới. Tác phẩm là tâm huyết của ê kíp có niềm đam mê lớn với Truyện Kiều cũng như ngưỡng mộ tài năng và đức độ của Đại thi hào Nguyễn Du.

Bộ phim là những lát cắt về cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du từ khi sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) năm 1765, cho đến giai đoạn ông làm quan giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ, dưới thời vua Gia Long và mất tại Huế, vào năm 1820.

Tuy là bộ phim tài liệu lịch sử văn hoá nhưng với cách dàn dựng mới lạ, công phu, tỉ mỉ và chân thực, phim "Đại thi hào Nguyễn Du" sống động, dễ dàng đi vào lòng người xem bởi tính giáo dục sâu sắc về giá trị văn hoá thuần Việt. 

Theo thông tin từ nhà sản xuất (Công ty CP không gian văn hóa Việt Media), bộ phim được làm theo hình thức phim tài liệu nghệ thuật. So với dự kiến ban đầu có 3 phần (2 tập/phần), hiện nay phim chỉ giữ lại cấu trúc 3 phần với thời lượng 180 phút.

Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình quay bộ phim này đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết: "Một trong những khó khăn khi quay bộ phim này là vấn đề bối cảnh. Các bối cảnh (Bích Câu - Thăng Long, Tiên Điền - Nghi Xuân- Hà Tĩnh, Từ Sơn - Bắc Ninh, Quỳnh Côi – Thái Bình - Huế…) nơi cụ Nguyễn Du sinh ra, làm việc, rồi mất không còn như xưa, do đó đoàn phim phải phục dựng lại hầu hết. 

Hơn nữa, thời gian trong phim trải qua ba triều đại: Cuối thời kỳ Lê - Trịnh, thời kỳ Tây Sơn và đầu thời kỳ nhà Nguyễn, nhưng cơ bản phục trang vẫn gần như là của thời kỳ cuối Lê - Trịnh. Theo một số tư liệu đáng tin cậy, đoàn phim đã căn cứ vào các dữ liệu lịch sử lúc bấy giờ để chọn trang phục đảm bảo tính lịch sử cao.

Một khó khăn nữa đó là về thời tiết và dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất phim.

Nhưng bên cạnh đó Đoàn làm phim chúng tôi cũng có những thuận lợi cơ bản như được sự ủng hộ rất lớn cả vật chất và tinh thần của các cấp lãnh đạo và nhân dân tại các bối cảnh quay như: Hà Tĩnh – quê cha; Bắc Ninh – quê mẹ; Thái Bình – quê vợ; Thành phố Huế - nơi Nguyễn Du làm quan trong triều đình và một số địa phương khác... 

Tất cả những người tham gia đoàn làm phim từ các nghệ sĩ đến các bộ phận sản xuất đều làm việc hết mình vì tình yêu mến, kính trọng Đại thi hào Nguyễn Du. 

Nhân dân tại các bối cảnh quay cũng nhiệt tình ủng hộ đoàn làm phim và mong mỏi sẽ được xem một bộ phim tài liệu lịch sử tái hiện lại bằng câu chuyện có hình ảnh kể về cuộc đời Đại thi hào và tác phẩm Truyện Kiều".

Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng, đại diện ê-kíp sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” cũng cho biết, sau khi làm hậu kỳ đã trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim ngắn xét duyệt. Phim trải qua hai lần chỉnh sửa, được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến.

Bộ phim dự kiến phát hành rộng rãi vào tháng 7/2021 và sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, dự kiến tổ chức từ ngày 12 - 16/9/2021, tại TP Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ