Dấu ấn xứ Nghệ trong sáng tác của Nguyễn Du

GD&TĐ - Nguyễn Du là người có vốn kiến thức Hán học uyên thâm. Trong Truyện Kiều, nhà thơ sử dụng nhiều chữ Hán, điển cố, ngôn ngữ của Nho giáo, Phật giáo một cách sáng tạo.

Làng quê Nghệ Tĩnh đi vào Truyện Kiều với nhóm từ địa phương mang sắc thái biểu cảm cao.
Làng quê Nghệ Tĩnh đi vào Truyện Kiều với nhóm từ địa phương mang sắc thái biểu cảm cao.

Tinh thông Hán học nhưng nhà thơ thiên tài nhận thức được rằng: Tâm hồn và cuộc sống Việt Nam chỉ có thể biểu hiện chân thực, sinh động sâu sắc qua tiếng nói trong sáng, đẹp đẽ, phong phú của dân tộc. Nguyễn Du rất có ý thức trong việc sử dụng từ địa phương Nghệ Tĩnh để tiếng nói Nghệ Tĩnh đi vào Truyện Kiều dung dị, mộc mạc, tự nhiên mà sâu sắc. 

Mỗi vùng, miền trên đất nước Việt có bản sắc văn hóa riêng, trong đó có tiếng địa phương (phương ngữ). Ngôn ngữ địa phương là một dạng biến thể của ngôn ngữ theo khu vực. Tiếng Nghệ Tĩnh (khu vực gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) là một trong những phương ngữ độc đáo. Với bậc thầy về sử dụng ngôn từ, Nguyễn Du đã khéo léo mang từ ngữ địa phương, tiếng nói của miền quê vào trong kiệt tác Truyện Kiều tạo nên sự giản dị, hài hòa, mộc mạc.

Trong Truyện Kiều, số lượng từ địa phương Nghệ Tĩnh được Nguyễn Du đưa vào không nhiều nhưng nó lại có khả năng biểu đạt nội dung và nghệ thuật cao. Từ địa phương được sử dụng với tần số cao nhất trong Truyện Kiều là từ chi.

Theo khảo sát của chúng tôi từ chi được tác giả sử dụng 63 lần và trong mỗi văn cảnh thì ý nghĩa của nó có sự thay đổi. Chi là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh tương ứng với từ gì trong ngôn ngữ toàn dân thường được sử dụng trong câu hỏi: Phũ phàng chi bấy hóa công/Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha. Hay: Ông tơ ghét bỏ chi nhau/Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi. Và: Cớ gì ngồi nhẫn tàn canh/ Nỗi riêng còn mắc với tình chi đây/Tiểu thư lại thét lấy nàng/Cuộc vui, gảy khúc đoạn trường ấy chi.

Từ chi được sử dụng nhuần nhị xóa tan sự cách biệt giữa ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ bác học. Trong Truyện Kiều, từ chi không chỉ được sử dụng trong câu nghi vấn mà trong một số trường hợp từ chi chủ yếu để biểu lộ sắc thái tình cảm, cảm xúc.

Đó là chút băn khoăn, tiếc nuối, day dứt của Thúy Kiều: Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không. Hay là sự thở than: Ông tơ ghét bỏ chi nhau/Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi. Hoặc tâm trạng buồn bã, thất vọng trong cuộc gặp gỡ với Thúc Sinh: Chúa xuân đã đành có nơi/Ngắn ngày, thôi chớ dài lời làm chi. Và tiếng thở than cho thân phận:

Nghĩ đời mà ngán cho đời/Tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Để miêu tả sự ghê tởm của mụ chủ nhà chứa, Nguyễn Du viết: Thoắt trông nhờn nhợt màu da/Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao. Ăn chi cho thấy sự bòn rút trên sức lao động và cả thể xác của người khác.

Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có từ ả dùng trong xưng gọi. Từ ả trong tiếng Nghệ Tĩnh thường dùng đối với những người phụ nữ đã có gia đình, con cái, cũng có lúc dùng để chỉ người phụ nữ nào đó với ý coi thường.

Khi đưa vào trong Truyện Kiều, từ ả cũng được sử dụng để xưng gọi: Bên thì mấy ả mày ngài. Nhưng ngoài mục đích xưng gọi, từ ả trong Truyện Kiều còn mang nhiều sắc thái ngữ nghĩa. Có lúc từ ả được dùng với thái độ mỉa mai: Bên thì mấy ả mày ngài/Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.

“Truyện Kiều”.

“Truyện Kiều”.

Hoặc đó là sự thân thiết, gần gũi trong xưng hô: Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này, hay biểu lộ thái độ đề cao, trân trọng: Đầu lòng hai ả tố nga và Lại thua ả Lý bán mình hay sao. Như vậy, trong trường hợp này từ địa phương tạo nên các biến thể từ vựng – ngữ nghĩa đối lập với từ toàn dân về sắc thái biểu cảm. Ngoài ra, từ ả còn thể hiện thái độ, quan niệm, tình cảm của chủ thể sáng tạo.

Trong tiếng nói đời sống người dân Nghệ Tĩnh có đại từ mụ. Mụ là từ chỉ người đàn bà đã có tuổi thường hàm ý coi khinh. Tuy nhiên, trong tiếng nói của người dân Nghệ Tĩnh, từ mụ thường được xưng hô trong giao tiếp bình thường.

Chẳng hạn, trong bài thơ Mẹ Suốt, nhà thơ Tố Hữu viết: Coi chừng sóng lớn, gió to/ Màn xanh đây mụ, đắp chi kín mình. Khi đi vào Truyện Kiều, từ mụ thường được Nguyễn Du sử dụng với hàm ý coi khinh. Đó là hình ảnh nhân vật Tú Bà: Mụ nghe nàng nói hay tình/Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên. Hay: Mụ càng tô lục, chuốt hồng/Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.

Ngoài ra trong Truyện Kiều Nguyễn Du còn sử dụng một số các từ địa phương như: Từ nghé trong câu: Khách đà lên ngựa người còn nghé theo, hay từ mặt mo trong Mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào hay từ như dậm, giàm trong câu: Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng…

Trong Truyện Kiều, từ địa phương Nghệ Tĩnh chủ yếu là lớp từ đơn tiết. Từ đơn là lớp từ chủ yếu thuộc vốn từ cơ bản trong các phương ngữ và trong mọi ngôn ngữ thường chỉ sự vật, tính chất, hoạt động… được dùng nhiều quen thuộc. Vì vậy, sự xuất hiện của từ địa phương trong Truyện Kiều chẳng những không cản trở sự tiếp nhận của người đọc mà còn tạo sắc thái biểu cảm, mang tính địa phương, gần gũi, thân mật, giản dị đồng thời vẫn giữ được âm hưởng, giọng điệu, cấu trúc của câu thơ lục bát.

Quãng thời gian Nguyễn Du sống trên mảnh đất Hà Tĩnh không nhiều. Dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền – dòng họ “trâm anh thế phiệt”, nổi tiếng về văn chương, khoa bảng dưới thời Lê Trung Hưng thẩm thấu, nuôi dưỡng tâm hồn Đại thi hào Nguyễn Du.

Hơn thế, những lần tham gia sinh hoạt văn nghệ dân gian với các phường vải, phường thủ công ở Nghệ Tĩnh đã giúp Nguyễn Du lĩnh hội vốn ngôn ngữ địa phương để đưa vào tác phẩm, khai thác khả năng biểu đạt và biểu cảm của vốn từ địa phương. Vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh góp phần giúp Nguyễn Du thành công trong việc khắc họa bức tranh tâm lí, những trải nghiệm hiện sinh và thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.