Mới đây, chia sẻ trên trang cá nhân về vấn đề giới trẻ đi xin việc của chuyên gia tư vấn truyền thông Nguyễn Bá Ngọc thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.
Theo tác giả bài viết, nhiều bạn nghèo nhưng đi xin việc lại quá "chảnh", ảo tưởng về bản thân. Không ít bạn đón nhận góp ý phải đi dần dần, làm những việc phù hợp năng lực trước thì giãy nẩy, đòi xin nghỉ việc.
Bằng cấp chưa hoàn toàn khẳng định bản thân
Đồng tình với quan điểm của nhà truyền thông, Nguyễn Khánh Vân - nữ du học sinh từng nhận nhiều học bổng danh giá tại Mỹ - khẳng định: “Theo cá nhân mình, phản ánh của chuyên gia Nguyễn Bá Ngọc khá chính xác”.
Khánh Vân cho rằng, mọi người đều phải bắt đầu từ vị trí thấp để đi lên. |
Cô gái sinh năm 1997 phân tích, bất kể ai cũng đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp để đi lên, trau dồi những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân. Việc học cao, học tốt không thể đánh giá được bản thân đã tốt hay chưa. Theo 9X, một người giỏi thực sự sẽ không quan trọng việc bắt đầu từ đâu. Điều thiết yếu sẽ là mình có thể vươn lên từ điểm nào.
Bản thân vẫn trong quá trình học tập, song Khánh Vân từng chứng kiến một số trường hợp bạn bè gặp những thất bại đầu đời vì lựa chọn “cành cao” trong quá trình khởi nghiệp, thay vì từng bước đi lên.
“Hay đơn giản như việc xin học bổng du học. Việc đầu tiên cần chú trọng là tìm một ngôi trường phù hợp với trình độ của bản thân. Nhiều bạn thường với cao quá, dẫn đến việc trượt bởi quá sức mình. Mình luôn nghĩ, dù trường có danh tiếng hay không, nhưng chỉ cần học thật chăm chỉ, mình đảm bảo các bạn vẫn sẽ đạt được những điều bản thân thực sự mong muốn” – nữ du học sinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, thế hệ đi trước cũng để lại cho Khánh Vân nhiều suy nghĩ. Nữ sinh cho hay, nhiều du học sinh sau khi về nước nhận được lời mời làm việc từ một số công ty tuyển dụng. Họ hầu hết đều có chế độ ưu đãi cho người mới làm, song đó chỉ là một phần không đáng kể. Điều này khiến một bộ phận người trẻ cảm thấy không xứng đáng với bằng cấp họ đang có. Sau một thời gian rất ngắn, họ chán nản và tự rút lui dù công việc phù hợp với năng lực bản thân.
Áp lực xuất phát từ gia đình
Với Vũ Lê Ngọc Anh (Hoa khôi Đại học Ngoại thương Hà Nội 2015), nữ sinh khẳng định có một bộ phận thường tỏ ra ảo tưởng về bản thân. Song việc phán xét, quy chụp giới trẻ đều như vậy là không đúng.
Theo Ngọc Anh, bản thân mỗi người hẳn sẽ tự mang trong mình những “ảo tưởng” theo nhiều nghĩa. Ảo tưởng được tạo ra bởi năm tháng cấp 3, bởi đại học, bởi bố mẹ hay bởi những câu chuyện về số nhỏ những người đã thành công. Bởi vậy, có lẽ mỗi người đều mang trong mình những ảo tưởng rồi sẽ thành công. Nhưng cuộc sống hay thực tế rồi dần dần sẽ dập tắt những ảo tưởng đấy.
Đây cũng là ý kiến của Nguyễn Cát Nhiên (du học sinh trường ĐH The West of England, Vương quốc Anh).
Cát Nhiên chia sẻ, trước hết, phải xét đến 2 vấn đề gây ra sự ảo tưởng của một bộ phận lớp trẻ. Ở nhiều gia đình thường áp dụng phong cách sống cùng cụm từ “hội chứng bé siêu nhân của mẹ” - ám chỉ những phụ huynh luôn cho con mình là giỏi nhất, là toàn diện và hoàn hảo. Ngày bé, nếu chúng ta vấp ngã, ông bà cha mẹ sẽ xúm lại dỗ dành, đồng thời đánh cửa, đập ghế “vì nó mà con đau” khiến trẻ em vô thức cho rằng, mọi lỗi lầm gây ra đều không xuất phát từ bản thân.
Mặt khác, nhiều bạn trẻ hẳn rất quen thuộc với điệp khúc “con nhà người ta”. Không ít người, thay vì phấn đấu hoàn thiện bản thân, họ căng sức ra đầu tư vào những lĩnh vực sở đoản của mình, đơn giản chỉ để không thua kém bất kể ai.
Hai điều trên vô hình chung dẫn tới tình trạng nhiều bạn trẻ không cam lòng ở vị trí thấp nhất khi đi xin việc. Sự không hài lòng dần biến thành bất mãn khi họ nhìn xung quanh. Đến một lúc nào đó, họ sẽ thốt lên “họ có gì hơn mình mà chức cao, lương nhiều hơn”. Sự hơn thua trong suy nghĩ khi tới đỉnh điểm sẽ là tấm đơn xin nghỉ việc vì lý do “em không thích/công việc không phù hợp với em”.
Một số trường hợp khác, áp lực từ gia đình cũng phần nào dẫn đến việc thiếu kiên nhẫn trong quá trình leo từng nấc trong quá trình phấn đấu. Những câu nói như “Ba mẹ quần quật làm nuôi con ăn học, để rồi bây giờ con làm cái công việc lương ba cọc ba đồng như vậy sao, xứng với hy sinh của ba mẹ sao” phần nào chi phối tư tưởng của giới trẻ.
Xét trên phương diện một du học sinh có nhiều năm theo học tại nước ngoài, Cát Nhiên nhận định, nhiều sinh viên Việt Nam còn chưa chủ động tham gia các hoạt động ngoại khoá, trang bị bản thân những kỹ năng mềm cần thiết trong môi trường làm việc tương lai. Bởi vậy, khi tốt nghiệp, họ buộc phải trải qua giai đoạn thực tập - hay học nghề những kỹ năng cơ bản.
Những công việc cơ bản có phần nhàm chán, kèm với mức lương không được “hậu hĩnh” dễ dàng làm nản lòng những sinh viên đang hừng hực hoài bão làm giàu hay thể hiện bản thân. Nhất là trong thời cuộc "những người kia cùng độ tuổi với mình, sao họ thành công đến thế".
"Bởi vậy, thay vì khiển trách các bạn trẻ, tại sao không hướng họ tới một lối sống năng động, tích lũy kinh nghiệm sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường" là câu hỏi của nữ du học sinh đưa ra về vấn đề này.
Nguyễn Cát Nhiên hiện theo học ngành Kế toán Tài chính, ĐH West of England, Anh. |
Nên phân biệt tự tin và ảo tưởng
Suy cho cùng, những bạn trẻ mới ra trường có thể muốn tìm làm những việc mình thích, muốn ở trên nóc nhưng hẳn các bạn sẽ thất bại, sẽ nhận ra sai lầm và tự mình đi xuống, để từng bước nhỏ đi lên. Vì chúng ta còn trẻ và dễ mắc sai lầm nhưng rồi sẽ đến lúc phải lớn lên.
Người ta vẫn nói thất bại là mẹ của thành công. Tự đại sẽ rút ra được bài học để từ đó mà khiêm tốn. Bởi vậy, theo Hoa khôi Đại học Ngoại thương, không thể lấy một vài trường hợp mà đánh giá toàn bộ các bạn trẻ. Hãy cho giới trẻ cơ hội để tiếp cận cuộc sống và thời gian để họ tìm cho mình vị trí và hiểu hơn về cuộc sống.
Bất kể ai cũng đều có thời gian đầu định hình hướng đi, thậm chí có người mất phương hướng ở giai đoạn "mới ra trường". Ngày nay sinh viên càng trở nên năng động, tự tin, dám làm chủ hơn, và chúng ta một phần nào đó nên thừa nhận mặt tích cực của việc ấy.
"Sống cùng đam mê" đâu hẳn là sai. Mình chỉ thấy rằng cái gì cũng có tích cực và tiêu cực. Có một bộ phận thất bại vì sự tự tin thái quá. Nhưng cũng đừng quên rất nhiều người trẻ đã thực sự thành công từ cái “ảo tưởng” của bản thân họ" - nữ sinh nhấn mạnh.
Ngân Búng cho rằng nhiều bạn trẻ tự đứng trên đôi chân của mình vì họ tự tin. |
Hay như nhận định của hot girl Ngân Búng - tốt nghiệp loại Giỏi Đại học Ngoại thương Hà Nội. "Việc nhiều bạn trẻ tự đứng trên đôi chân của mình vì họ tin vào năng lực của bản thân. Họ biết họ là ai, đang làm gì và họ cũng biết cách đề phòng cũng như chấp nhận rủi ro bản thân gây ra".
Là người thành công trong học tập cũng như kinh doanh từ khi còn trẻ tuổi, Ngân Búng cho rằng, thay vì chê trách lớp trẻ ảo tưởng với bản thân, hãy thay đổi suy nghĩ rằng, người trẻ thời đại mới tự tin, năng động và dám khẳng định mình trước xã hội rộng lớn. "Đây không phải định hướng của thầy cô từ khi chúng ta còn nhỏ hay sao" - hot girl bày tỏ.
"Hãy cứ đam mê, kiên trì theo đuổi ước mơ và phấn đấu thật nhiều để khẳng định được bản thân mình. Hãy đề ra cho mình những thần tượng của bản thân để học hỏi. Biết đâu, dù chật vật nhưng bạn lại gặp may và nhận được nhiều cơ hội mới để trở thành Steve Job, Mark Zukerberg..." là lời khuyên của Vũ Nam Phương - du học sinh đang theo học tại một trong những Trung tâm nghiên cứu ung thư lớn nhất thế giới của Mỹ.