Michaela Armer, đến từ Preston, Lancashire (Anh) đã mất giọng địa phương của mình sau một đêm. Kể từ đó, Michaela không thể đoán trước được mỗi ngày mình sẽ mở miệng nói giọng gì, từ giọng Trung Quốc, Filipino, Bắc Phi, Ý, đến Ba Lan hay Pháp...
Theo lời của cô Armer, hội chứng này không những ảnh hưởng đến giọng nói của cô mà còn khiến cô phải nghỉ việc vì cô bị buộc phải ngồi xe lăn và chịu đựng những cơn co giật. Bên cạnh đó, cô cũng nhận được những lời nói ác ý khi đi siêu thị và những cuộc gọi điện trêu chọc vì giọng nói của mình.
Michaela Armer là một trong số 150 người duy nhất trên thế giới bị mắc “hội chứng nói giọng nước ngoài” – một kiểu rối loạn ngôn ngữ có thể làm thay đổi đột ngột đến cách nói của người bệnh đến nỗi như thể họ đang nói giọng ngoại quốc.
Hội chứng hiếm gặp này được cho là bị gây ra bởi tổn thương phần não mà kiểm soát ngôn ngữ. Đa phần các trường hợp có nguyên nhân là do bị đột quỵ hoặc bị chấn thương não, ngoài ra còn có thể do đa xơ màng cứng, rối loạn chuyển dạng.
Cô Armer chia sẻ: “Tôi đã luôn luôn phải chịu những lời châm chọc trong mấy năm gần đây".
Theo Dailymail, sau một đợt chụp cộng hưởng từ (MRI) vào tháng 5/2015, cô Armer đã thay đổi cách nói của mình. Cô thậm chí còn gặp khó khăn trong việc nói tên của mình. Phải nhờ có việc hát bài Witch Doctor từ năm 1998 như một liệu pháp chữa trị giúp cô tập nói những nguyên âm mới khiến cô có thể lấy lại giọng nói vốn có của mình.
Cô Armer nói rằng: “Hai tuần sau khi chụp cộng hưởng từ tôi bắt đầu nhận thấy mình bắt đầu nói năng lộn xộn. Thay vì nói những từ như ‘túi trà’ tôi lại nói nhầm thành ‘trà túi’. Hai tuần tiếp theo tôi đã không thể nói được tên của mình. Tôi phải luyện nói bằng việc hát câu "Ooh Eeh Ooh Ah Aah Ting Tang Walla Walla Bing Bang. Một số người cười tôi hoặc chế nhạo tôi dù đó không phải là lỗi của tôi. Rất khó khăn, tôi cảm thấy như là mình đã đánh mất một phần nhân dạng của mình vậy.” Tôi nói với mọi người tôi đến từ Preston nhưng họ không tin tôi. Tôi nói tôi đi học ở Preston, tôi sống ở Preston, tôi đến từ Preston nhưng chẳng ai tin tôi cả".
Cô Armer đã phải ra vào bệnh viện nhiều lần trong vòng hai năm qua và đang chuẩn bị đi gặp các chuyên gia tại Edinburgh với niềm hy vọng tìm kiếm câu trả lời và để lấy lại giọng địa phương của mình.
Theo lời Armer, cô không thể đi bộ đường dài và cũng không thể lái xe tự lái được. Hội chứng kì lạ cũng làm trầm trọng thêm bệnh đau nửa đầu mạn tính của mình.
Cô đã phải từ bỏ chiếc xe Audi A4 của mình vì không thể lái được nữa. Bên cạnh đó, cô còn phải nghỉ làm vì chứng bệnh này. Chứng bệnh cũng ảnh hưởng những phần khác của cơ thể.
Dù vậy cô Armer vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tình của mình. “Tôi cố gắng sống mỗi ngày tốt nhất có thể - tôi tỉnh dậy, sửa soạn quần áo, và giữ nụ cười tươi – đó là cách mà tôi có thể sống qua ngày. Tôi sẽ rất phấn khởi nếu tôi có thể lấy lại giọng điệu Lancaster vốn có của mình vĩnh viễn. Thật là bực mình khi cứ tỉnh dậy và chẳng biết mình sẽ nói như thế nào".