Người lính cứu hỏa với kỳ tích lặn sông cứu người

GD&TĐ - Một phụ nữ bị mắc kẹt trong chiếc sà lan tải trọng 499 tấn chìm giữa dòng sông Hậu suốt 5 giờ. Bằng sự dũng cảm, quyết đoán, Thượng sĩ Lê Hoàng Khang lặn xuống độ sâu 5m trong dòng nước xiết để giải cứu

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang nhận Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Thượng sĩ Lê Hoàng Khang nhận Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

7 phút giành giật mạng sống dưới lòng sông

Một trong những chiến sĩ trực tiếp cứu hộ là Thượng sĩ Lê Hoàng Khang (sinh năm 1996), công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Sóc Trăng. Thượng sĩ Lê Hoàng Khang là 1 trong 17 cá nhân của tỉnh Sóc Trăng, đại biểu duy nhất của lực lượng Công an Sóc Trăng tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 9/12.

Trước đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/2, ông Trần Vĩnh Xuyên (38 tuổi, thuyền trưởng), ngụ tại ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) điều khiển sà lan có tải trọng 499 tấn chở cát từ hướng Cần Thơ về Sóc Trăng. Trên sà lan có bà Nguyễn Ngọc Lành (vợ ông Xuyên, 32 tuổi) cùng 3 người con. Khi đến ngã ba sông, đoạn đầu Cù Lao Dung giáp ranh giữa huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thì bị sự cố khiến sà lan lật. Thấy nguy hiểm, ông Xuyên kêu to cho vợ con nhảy khỏi sà lan. Lúc đó, ông Xuyên cùng 1 người con nhảy xuống sông và được người dân cứu sống. Còn bà Lành cùng 2 người con chạy nhưng không may bị ngã nên hai cháu nhỏ tuột khỏi tay mẹ, cùng lúc sà lan chìm hẳn xuống dòng sông.

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Sóc Trăng điều phương tiện chuyên dụng cùng 13 chiến sĩ (trong đó có Thượng sĩ Lê Hoàng Khang) đến hiện trường. Đến nơi, các chiến sĩ phát hiện có người đang cầu cứu bên trong sà lan.

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang nhận được lệnh của chỉ huy, lập tức lặn xuống nước ở độ sâu khoảng 5m để khảo sát. Mặc dù dòng nước chảy xiết rất nguy hiểm nhưng qua mô tả, lần dò theo 8 nấc thang để tới khoang có người kêu cứu. Lúc này chị Lành đang nắm vào một thanh sắt đu người nhưng nước đã ngập tới cổ. 

Anh Khang kể: “Ngay lập tức tôi lặn trở ra báo cáo chỉ huy để có phương án cứu chị Lành. Sau đó tôi và một đồng đội mang thiết bị cùng ống thở, nước uống cho chị Lành rồi cùng lặn xuống thực hiện nhiệm vụ. Khi vào trong khoang, tiếp cận chị Lành, chúng tôi hướng dẫn chị cách thở bằng ống thở rồi nhanh chóng đưa ra khỏi khoang sà lan để lên mặt nước trong sự mừng rỡ của mọi người. Lúc đó là 18 giờ 21 phút, thời gian để đưa chị Lành thoát khỏi sà lan là 7 phút”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Út, Chỉ huy Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, kể lại giây phút đặc biệt đó: “Khi đó tại hiện trường có rất đông người, ai cũng lo lắng, hồi hộp vì lặn xuống độ sâu 5m trong điều kiện sóng to, gió lớn vô cùng nguy hiểm. Ai cũng gần như nín thở, không chớp mắt nhìn xuống dòng nước nơi chiếc sà lan bị chìm. Khi thấy hai đồng chí đưa được chị Lành lên khỏi mặt nước, tất cả cùng vỗ tay, reo hò, ôm chầm lấy nhau. Mừng cho sự an toàn của nạn nhân. Mừng cho chiến công của các đồng chí cứu hộ cứu nạn của đơn vị mình đã giành nạn nhân từ miệng hà bá”. Tính từ lúc sà lan bị chìm đến lúc cứu hộ thành công chị Lành là 5 giờ đồng hồ. 

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội.
Thượng sĩ Lê Hoàng Khang dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội.

Nghe tiếng kêu cứu là không chần chừ

Khi hỏi lúc lặn xuống sông có thấy nguy hiểm không, Thượng sĩ Khang chia sẻ: “Nguy hiểm chắc chắn là có rồi. Bởi lúc đó trời đã tối, nước sâu, dòng chảy mạnh. Gió mạnh, sóng to, chỉ cần một sự tác động của dòng nước thì sà lan có thể sẽ bị lật, nguy hiểm cho cả nạn nhân và người cứu nạn. Nhưng tôi đã xác định trách nhiệm của mình là cứu người, nhất là khi nghe tiếng gõ từ bên trong khoang sà lan vọng lên đã thôi thúc tôi phải nhanh chóng hành động, không chần chừ”. 

Với trách nhiệm của chiến sĩ cứu hộ cứu nạn, Thượng sĩ Khang không băn khoăn gì khi xuống dòng nước dữ cứu chị Lành. Theo Thượng sĩ Khang, cứu sống chị Lành là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người chiến sĩ cứu nạn cứu hộ. “Tôi nghĩ, ở vào vị trí của mình, ai cũng hành động như vậy. Tôi rất vinh dự khi được trở thành người chiến sĩ cứu nạn cứu hộ, việc cứu người bị nạn là trách nhiệm, nên tkhông có chút do dự khi thực hiện nhiệm vụ”. 

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang cũng chia sẻ rằng, đã xác định là lính cứu nạn cứu hộ thì dù có gian khổ, vất vả hay nguy hiểm cũng phải vượt qua. Để xứng đáng với truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nói riêng. Cứu người bị nạn, đem lại sự bình yên cho người dân, đó là nhiệm vụ và cũng là động lực của các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ.

“Tôi rất vui và vinh dự được tham dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc. Đây là vinh dự của bản thân nhưng cũng là niềm vinh dự của lực lượng công an tỉnh. Tôi sẽ tiếp tục công tác tốt hơn nữa để phục vụ nhân dân, phụng sự cho đất nước”, Thượng sĩ Lê Hoàng Khang chia sẻ.

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân từ năm 2016. Đến tháng 2/2020 chính thức vào biên chế công an, công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Sóc Trăng. Trong thời gian công tác, Thượng sĩ Khang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia thành công nhiều vụ cứu nạn cứu hộ, được nhận Giấy khen đột xuất của Giám đốc Công an tỉnh; danh hiệu Đảng viên trẻ tiêu biểu; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Điều đáng trân trọng hơn, Thượng sĩ Lê Hoàng Khang là thanh niên đầu tiên của tuổi trẻ lực lượng Công an Sóc Trăng nói riêng, tuổi trẻ Sóc Trăng nói chung được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.