Gần 40 năm qua, ông Hùng chưa bao giờ thôi nhiệt huyết với trò diễn độc nhất ở đất hai vua.
Báu vật của người xứ Thanh
Hiện vật bằng gỗ mô tả động tác của điệu múa Ngô Quốc được NNƯT Bùi Văn Hùng tạc lại. |
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng cho biết, điểm đặc sắc của trò Xuân Phả đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, lời ca, các điệu múa và phục trang độc đáo. Những điệu múa của trò Xuân Phả đều rất phóng khoáng, động tác vừa mềm mại, uyển chuyển vừa khỏe khoắn, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu”.
Vào những ngày hè nóng nực, người dân Xuân Trường (Thọ Xuân) vẫn miệt mài cặm cụi với ruộng đồng. Nhưng khi nhắc đến trò Xuân Phả, ai cũng tỏ tường và hào hứng, cũng bởi những điệu múa dân gian này được dân làng Xuân Phả lưu truyền lại từ ngàn xưa. Trong số những nghệ nhân được vinh danh của làng, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng được biết đến là người tâm huyết với trò diễn độc nhất vô nhị này.
Ở độ tuổi “lục tuần”, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng đã dành gần 40 năm cùng dân làng làm sống lại và bảo tồn di sản của quê hương. Ông Hùng kể, trò Xuân Phả được dân làng tin rằng đã có từ thế kỷ thứ IX, gắn với tích Thần hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Khi đất nước thanh bình, để báo đáp công ơn của Thần hoàng làng Xuân Phả, nhà vua đã tổ chức lễ hội ăn mừng ngay tại miếu thờ. Đồng thời, phong cho Thần hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân.
Tại buổi lễ ăn mừng, các nước lân bang cũng mang lễ vật cùng các điệu múa đến để chúc mừng nhà vua nước Việt. Trong đó, có điệu múa của Ai Lao (Lào); Chiêm Thành (vương quốc của người Chăm ở phía Nam); Ngô Quốc (bộ tộc ở đảo Hải Nam Trung Quốc); Lục Hồn Nhung còn gọi là Tú Huần (bộ tộc ở phía Bắc) và Hoa Lang (bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên).
Sau buổi lễ chúc mừng hôm ấy, nhà vua đã ban 5 điệu múa này cho dân làng Xuân Phả. Đồng thời, sai người dạy lại các điệu múa cho dân làng nơi đây. Kể từ đó, điệu múa Xuân Phả được dân làng lưu truyền lại từ đời này qua đời khác, cho đến ngày nay.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, vào thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, đất nước xảy ra chiến tranh ác liệt, thanh niên trai tráng trong làng đều lên đường nhập ngũ. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội diễn trò Xuân Phả rất khó khăn, chủ yếu do các làng tự tổ chức.
Đến những năm 1990, khi Nhà nước có chính sách phục hưng văn hóa dân tộc, chính quyền và dân làng Xuân Phả đã quyết tâm khôi phục lại các điệu múa dân gian này. Lúc này, toàn xã chỉ còn 5 - 6 cụ cao niên từng tham gia trực tiếp vào các điệu múa Xuân Phả nên việc truyền dạy được triển khai rất khẩn trương và gặp nhiều khó khăn.
“Lúc ấy, tôi đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã và là một trong 20 người đầu tiên được các cụ truyền dạy lại các điệu múa Xuân Phả. Tuy nhiên, việc khôi phục lại những điệu múa dân gian cũng không hề đơn giản, trong đó khó khăn nhất vẫn là phục trang. Thật may, trong làng khi ấy có người là Giám đốc Công ty Thương nghiệp Thọ Xuân đã cung cấp vải thô để may trang phục”, ông Hùng nhớ lại.
Vì mỗi điệu múa đều có trang phục mang màu sắc riêng biệt nên khi may xong, người dân làng Xuân Phả lại nhuộm theo sắc phục của từng điệu múa. “Sau mỗi lần tập diễn, phẩm màu từ trang phục thấm cả lên người, có khi tắm cả tuần vẫn chưa hết. Tuy nhiên, tôi đã thổi vào họ tình yêu, niềm tự hào về điệu múa của quê hương nên ai cũng phấn khởi, từng bước khắc phục khó khăn”, nghệ nhân Hùng chia sẻ.
Các nghệ nhân biểu diễn trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022. |
Ngoài học lại điệu múa từ các cụ cao niên trong làng, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng còn dành thời gian hỏi thêm người dân về các điệu múa rồi ghi chép một cách tỉ mỉ. Những thông tin này đã giúp ích cho việc khôi phục lại lễ hội truyền thống làng Xuân Phả từ năm 2001.
Hàng năm, cứ đến ngày 9 - 10/2 Âm lịch, người dân làng Xuân Phả lại tụ họp ở Nghè Xuân Phả - nơi thờ Thần hoàng làng, cùng nhau trình diễn các điệu múa dân gian. Ngày nay, lễ hội làng Xuân Phả không chỉ có sức ảnh hưởng trong làng, mà còn lan tỏa khắp vùng Thọ Xuân và cả xứ Thanh, với hàng nghìn du khách và người dân tham dự.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa trò Xuân Phả vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa. Nghè Xuân Phả cũng trở thành không gian văn hóa tâm linh gắn liền với việc bảo tồn các điệu múa Xuân Phả của người dân xứ Thanh.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng (xã Xuân Trường, Thọ Xuân) bên những hiện vật bằng gỗ mô tả lại động tác của các điệu múa Xuân Phả. |
Lưu giữ, trao truyền cho thế hệ sau
Chứng nhận trò Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ tại Nghè Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân). |
Trong 5 điệu múa Xuân Phả, có 3 điệu múa người diễn phải đeo mặt nạ gồm Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Phục trang và đạo cụ của mỗi điệu múa cũng khác nhau, thời gian biểu diễn cũng tùy từng điệu múa, trung bình từ 3 - 7 phút.
Ở trò Hoa Lang, nghệ nhân biểu diễn sẽ mặc áo dài 5 thân màu xanh dương, áo chúa thêu rồng trước ngực, áo quân đôi nhất thêu Hồ phù trước ngực, các đôi còn lại thêu bông tròn và cành hoa. Mặt nạ đeo bằng da bò, khăn chích đầu màu hồng, đạo cụ là quạt giấy hoặc quạt vải.
Trò Lục Hồn Nhung tái hiện sinh động cuộc sống của một gia đình, có người già và trẻ nhỏ, có mẹ và con. Nghệ nhân biểu diễn đeo mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ và những người con theo thứ tự từ già đến trẻ. Mũ trò Lục Hồn Nhung bằng tre, buộc tóc bằng loóng tre. Trang phục màu xanh lam, áo bà cố và mẹ thêu bông tròn trước ngực và lưng.
Trò Ai Lao, trang phục của quân màu trắng, áo chúa rộng có ống tay thụng, mũ cánh chuồn, chân đi ủng màu đen. Mũ ở trò Ai Lao may bằng vải màu xanh, buộc rễ cây si lên chóp, xõa xung quanh làm tóc…
“Ngoài sự đa dạng, độc đáo về phục trang… trò Xuân Phả còn mang tính văn hóa cộng đồng rất cao, thể hiện sự đoàn kết và niềm tự hào của người dân làng Xuân Phả”, NNƯT Bùi Văn Hùng chia sẻ.
Ngoài biểu diễn tại lễ hội của làng, nhiều thập kỷ qua, các nghệ nhân múa trò Xuân Phả cũng lưu diễn ở nhiều nơi. Tham dự chương trình chuyển giao thiên niên kỷ tại Nhà hát Lớn Hà Nội; biểu diễn tại Festival Huế, Quảng Nam… Đặc biệt, trò Xuân Phả còn được biểu diễn tại Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, hiện ở Xuân Trường có khoảng 20 nghệ nhân đóng góp vào việc bảo tồn các điệu múa Xuân Phả. Trong đó, có 1 nghệ nhân nhân dân và 15 nghệ nhân ưu tú. Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân là cụ ông Đỗ Đình Tạ đã bước sang tuổi 88.
Cụ ông Đỗ Đình Tạ được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân với đóng góp trong việc giữ gìn trò Xuân Phả. |
Cụ Đỗ Đình Tạ và Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng là những người còn lại của làng có thể gõ được trống. Việc gõ được trống có vai trò quan trọng, bởi người gõ trống phải thuộc các điệu múa. Không chỉ vậy, còn phải là người có năng khiếu và tâm huyết nắm được hồn của các điệu múa thì gõ trống mới có hồn, người múa mới bắt được nhịp.
Xuất phát từ tình yêu với trò Xuân Phả, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng đã nảy sinh ý tưởng lưu lại những điệu múa Xuân Phả cho thế hệ sau bằng chữ viết và hiện vật. Kế hoạch này đã được ông Hùng triển khai nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Trong căn nhà của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng đang lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng gỗ mô tả lại những điệu múa Xuân Phả. Mỗi hiện vật được chạm khắc tinh tế sát với động tác của các điệu múa.
Ngoài hiện vật, nghệ nhân Hùng còn soạn thảo chi tiết về các điệu múa để truyền lại cho thế hệ mai sau. “Tôi làm điều này vì muốn bảo tồn giá trị của điệu múa Xuân Phả và trao truyền lại cho thế hệ sau. Tôi cũng mơ ước có thể làm một phòng truyền thống nho nhỏ về trò Xuân Phả”, ông Hùng chia sẻ.
Nghè Xuân Phả - nơi thờ tự Thần hoàng làng Xuân Phả. Nơi đây không chỉ là không gian văn hóa tâm linh, mà còn gắn với bảo tồn giá trị của trò Xuân Phả. |
Ngoài lưu lại bằng hiện vật, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng cho biết, hàng năm các nghệ nhân còn tổ chức truyền dạy cho học sinh THCS trên địa bàn và người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Vân (xã Xuân Trường) tự hào cho biết: “Với người dân quê tôi, lễ hội làng Xuân Phả là truyền thống của quê hương. Dù công việc bận rộn nhưng đến ngày hội làng ai cũng phấn khởi tụ họp về Nghè Xuân Phả cùng nhau biểu diễn những điệu múa dân gian”.
Ông Lê Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, cho biết: “Trò Xuân Phả là linh hồn của lễ hội Xuân Phả. Mỗi khi đến ngày hội, người dân địa phương lại nô nức chuẩn bị tập các điệu múa chuẩn bị cho lễ hội.
Có thể nói, trò Xuân Phả có ý nghĩa rất lớn để lan tỏa tinh thần đoàn kết của nhân dân. Hàng năm, UBND huyện Thọ Xuân cũng quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị của trò Xuân Phả. Đặc biệt, mỗi thôn đều xây dựng quỹ làng để duy trì việc tập luyện các điệu múa”.