Dung dị, mộc mạc và chân chất như “hơi thở” cuộc sống là những điều đặc trưng nhất của loại hình nghệ thuật này.
Bẻ tre làm đạo cụ
Theo tài liệu nghiên cứu từ Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Điện Biên, dân tộc Khơ Mú ở đây có trên 22.000 người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh. Họ chủ yếu sống tập trung thành những nhóm dân cư nhỏ, nằm rải rác ở 8/10 huyện, thị xã, thành phố.
“Người Xá (Khơ Mú) ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây mù...” là cách mà đồng bào Tây Bắc thường hay nói để chỉ về địa lí phân bố tự nhiên của các dân tộc.
Theo ông Quàng Văn Cá, người chủ trì các lễ hội truyền thống trong cộng đồng Khơ Mú bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) thì chính bởi tập quán sinh hoạt này nên tre, nứa và các nguyên liệu sẵn có từ rừng được người Khơ Mú sử dụng rất nhiều trong đời sống.
Theo ông Cá, trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khơ Mú, múa là phần không thể thiếu. Nó gắn liền với các nghi thức, lễ hội: Cúng bản, cầu mưa, cầu mùa, mừng cơm mới, cũng như trong mỗi cuộc vui. Và chính những đạo cụ, nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa đã làm nên nét đặc trưng riêng cho những điệu múa Khơ Mú.
Có thể kể đến là Đao – loại nhạc cụ phổ biến nhất, được làm từ những ống nứa. Khi gõ, sẽ tạo thành chuỗi âm kép rung vọng, lúc thầm thì, lúc vang xa. Đạo cụ này bắt nguồn từ dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt. Hoặc như Tót, Pí Tơm là các loại sáo, được chế tác từ những đoạn tre, nhưng thiết kế khác nhau nên tạo ra âm thanh riêng biệt.
“Xưa kia cuộc sống ông bà, tổ tiên chúng tôi đơn giản lắm. Cứ thiếu vật dụng, đồ dùng gì là lên rừng bẻ tre, bẻ nứa về làm. Rồi trong quá trình làm, cầm thân cây gõ, thổi… thấy tạo thành âm thanh hay, vui tai thì mang vào sử dụng trong các điệu múa. Lâu dần, dựa theo nhu cầu, cảm thụ của mỗi người mà chỉnh sửa, chế tác rồi mới hình thành các loại nhạc cụ, đạo cụ như bây giờ”, ông Cá kể.
Còn theo bà Lường Thị Nên, thành viên đội văn nghệ Khơ Mú tại bản Ten, xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ), cái hay là các loại đạo cụ này có thể biến tấu theo nhu cầu người sử dụng, chứ không nhất nhất theo khuôn khổ. Một số sản phẩm được sử dụng trực tiếp trong múa như là đạo cụ. Song cũng có thể được coi là nhạc cụ tạo ra âm nhạc để dẫn dắt người múa theo nhịp điệu, tiết tấu riêng.
“Chẳng hạn như trong điệu múa Dỗ ống (tăng bẳng tăng bu), thì các ống tre được gõ xuống nền nhà sàn hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu. Múa Tăm đao cũng vậy, trên thân của Đao có những lỗ để điều chỉnh âm thanh. Nếu người múa biết sử dụng thì các lỗ như nốt nhạc tạo ra nhịp điệu, còn không thì chỉ sử dụng đơn thuần là đạo cụ”, bà Nên cho hay.
Muốn múa phải khỏe
Là một trong những thành viên “hạt nhân” của đội múa bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) nên bà Tòng Thị Mau hiểu rõ từng làn điệu và những yêu cầu trong múa Khơ Mú.
Bà Mau chia sẻ: Theo quan niệm của người Khơ Mú thì một trong những sự kiện quan trong nhất trong năm là lễ tra hạt, để cầu mong mùa màng bội thu. Múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon) được xem là linh hồn của buổi lễ. Riêng đối với điệu múa này đòi hỏi sự tham gia của cả nam và nữ, tượng trưng cho sự giao hòa giữa âm – dương, đất – trời, khiến cho hạt giống nảy mầm, cây cối sinh sôi, phát triển.
“Động tác múa được thực hiện một cách nhịp nhàng, dứt khoát, khỏe khoắn. Những người tham gia múa vừa phải tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu và giữ nhịp cho đều như thuật lại các động tác chọc lỗ, tra hạt thường ngày. Qua đó mới thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó và ước mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy”, bà Mau tâm sự.
Theo bà Nên, động tác trong múa Khơ Mú thường gắn với các hoạt động trong sinh hoạt đời thường. Đơn cử múa Ong eo là lắc hông, uốn eo, mô phỏng theo các động tác, cử chỉ như: Gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ. Múa cá lượn vào dịp vui, lễ sửa nhà, với những động tác mô phỏng quẫy đuôi, chuyển động của loài cá…
“Bên cạnh những động tác múa đơn giản như múa vòng (múa tập thể, múa cộng đồng) thì còn có những động tác múa phức tạp đòi hỏi người tham gia phải linh hoạt, cảm thụ âm nhạc tốt, có độ mềm dẻo nhất định. Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người đều rung lên thể hiện sức sống dồi dào nên người múa phải thật khỏe”, bà Nên bộc bạch.
Vì thể hiện cuộc sống lao động sản xuất, nên ông Cá cho rằng rất dễ hiểu khi các động tác múa thường nhanh, mạnh, toát lên sự khỏe khoắn. Trong múa thường sử dụng chiêng, trống, khi chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa dỗ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí rạo rực, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa.
“Với chúng tôi, khi tổ chức lễ hội, nghi thức thường kéo dài trong nhiều ngày. Vì thế, người tham gia múa, nhất là những điệu múa mang tính cộng đồng cao (Xòe, vòng) thì cần phải có sức khỏe. Qua đó, vừa thể hiện đời sống vui tươi, phấn khởi, vừa thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương và yêu lao động sản xuất”, ông Cá nói.
Tiếp “lửa” cho múa thăng hoa
Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn múa Khơ Mú tại địa phương. Hiện nay, nghệ thuật này đang được thực hành, gìn giữ và phát huy tại 66 bản, thuộc 32 xã, thị trấn trên địa bàn.
Chị Lường Thị Tiên, đội múa bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tâm sự: Ngay từ khi còn nhỏ, thế hệ như chị đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy, hướng dẫn các động tác múa. Mặc dù chưa bài bản, nhưng múa đã ngấm trong đời sống, tâm thức của mỗi người.
“Nhiều năm qua, cuộc sống hội nhập có nhiều niềm vui khác nên không ít bạn trẻ đã không còn để tâm đến múa. Việc được công nhận là di sản cấp quốc gia, không chỉ là vinh dự với chúng tôi, cho thấy giá trị thực sự của nghệ thuật này mà còn tạo động lực để đồng bào Khơ Mú tiếp tục gìn giữ, phát huy mãi về sau”, chị Tiên bộc bạch.
Chị Tiên cho biết thêm, hiện nay ở nhiều bản có đồng bào Khơ Mú sinh sống tập trung đã thành lập được các đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Tại bản Hua Ca, nhiều năm qua, người dân không phải chờ đến các ngày hội, lễ Tết mà mỗi dịp cuối tuần đều được thưởng thức những điệu múa truyền thống.
Đội múa do bà Quàng Thị Hinh là người truyền dạy chính. Bà vừa là người lớn tuổi, am hiểu về dân tộc Khơ Mú, lại yêu văn hóa, văn nghệ. Đội không chọn người biết múa, mà ai chăm chỉ, có nguyện vọng đều có thể tham gia. Người biết múa, thổi nhạc cụ… thì dạy lại cho người chưa biết và đều tham gia trên tinh thần tự nguyện.
“Tôi tham gia để có nhiều cơ hội múa cho bà con xem. Nhưng quan trọng hơn là muốn các con cháu trong bản cũng yêu thích múa hát như mình. Tôi có dạy truyền cho các cháu. Cháu bé cũng tập hát, múa rồi, có nhiều cái chưa biết nhưng dần rồi cũng quen. Khó khăn bây giờ là không có vốn, nên tự tạo tự làm thôi”, bà Hinh bộc bạch.
Theo lãnh đạo ngành Văn hóa địa phương, để gìn giữ, phát huy hơn nữa nghệ thuật độc đáo này, những năm qua, ngành đã tổ chức phục dựng, bảo tồn nhiều lễ hội của đồng bào Khơ Mú tại các địa phương, gắn liền với múa. Qua những hoạt động này, vừa là để gìn giữ, song đồng thời cũng là quảng bá, phổ biến rộng rãi hơn.
“Mỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật, hội thi, hội diễn của tỉnh, ngành, chúng tôi đều khuyến khích cộng đồng người Khơ Mú tích cực tham gia. Đặc biệt, việc được công nhận là di sản văn hóa sẽ giúp bà con thay đổi nhận thức, ý thức với loại hình này. Từ đó, sẽ có thêm nhiều sự quan tâm, đầu tư cho việc gìn giữ, phát huy giá trị để nghệ thuật múa thăng hoa hơn nữa”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Điện Biên cho hay.