Suy nghĩ táo bạo của người đàn ông khuyết tật
Người đàn ông mà chúng tôi nhắc đến đó chính là anh Lê Văn Tuân (38 tuổi), trú tại thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Được biết, cuộc sống của anh từ nhỏ vốn đã thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, bởi khi vừa lọt lòng anh đã bị mắc dị tật ở chân, sức khoẻ yếu, thường xuyên bị các cơn đau hành hạ, thế nên anh phải thường xuyên lui tới bệnh viện để thăm khám, điều trị. Thậm chí đến năm lớp 11, anh đã phải bỏ học vì bệnh tình quá nghiêm trọng.
Chia sẻ về cái duyên đưa anh đến với việc trồng cây cỏ cú mật, anh Tuân cho hay, bản thân anh có niềm đam mê và luôn muốn tìm tòi, khôi phục lại những nguồn nguyên liệu hiếm có từ xa xưa.
Thế rồi anh nhận thấy cây cỏ cú mặc dù là nỗi ám ảnh của rất nhiều nông dân vì nhanh mọc và khó diệt. Thế nhưng, nó cũng có rất nhiều loại, trong đó loại cú mật lại là một phương thuốc cổ truyền, rất tốt cho sức khỏe.
“Thực ra, cây cỏ cú có rất nhiều loại, có những loại mọc ruộng, bờ sông. Những loại này không có nhiều tác dụng và gần như không có củ. Còn cỏ cú mật có củ màu huyết thẫm, lá dài không có lông măng, rễ đâm sâu xuống đất. Loại củ này có mùi rất thơm và chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe”, anh Tuân chia sẻ.
Thế rồi, qua thời gian dài tìm hiểu và biết rõ về công dụng của cỏ cú mật, anh Tuân đã có một quyết định táo bạo khiến người thân và cả làng bất ngờ đó là đưa loại cây cỏ dại này về trồng tại vườn nhà. Và cũng chính từ việc trồng cây cỏ dại này đã mang lại cho người đàn ông khuyết tật Lê Văn Tuân một nguồn thu nhập khá.
Muốn biến loại cỏ dại thành đặc sản vùng quê
Cũng theo anh Tuân, cây cỏ cú mật cực kỳ dễ trồng và chẳng phải chăm sóc nhiều, bởi loại cỏ dại này phát triển rất mạnh trong tự nhiên. Và đặc biệt trồng trên cát thì sẽ cho củ to và đẹp hơn.
“Mặc dù đã tìm hiểu về cỏ cú mật từ lâu, thế nhưng để chắc chắn thì đến tận năm 2018 mình mới mang về trồng ở vườn nhà với diện tích gần 800m2. Khi mình bắt đầu trồng thì ai cũng tò mò, thậm chí có một số người còn cho rằng mình dở hơi, bởi loài cây này người ta diệt đi còn không được lại đem đi trồng. Thế nhưng, người không tìm hiểu thì rất khó phân biệt cú mật với các loại cỏ cú khác.
Và may mắn thay, trong mùa vụ đầu tiên, mình đã thành công khi thu về gần 1 tạ củ cú mật, sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, phơi khô và bán ra với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, mình thu được 30 triệu đồng. Với một người khuyết tật như mình, đó là một nguồn thu nhập đáng kể”, anh Tuân nói.
Mặc dù, thành công ở ngay vụ trồng đầu tiên, thế nhưng theo anh Tuân sản lượng gần 1 tạ cỏ cú mật mà anh bán ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Anh đã tiếp tục mở rộng diện tích để trồng loại cây này trong những vụ tiếp theo. Và trong vụ trồng năm nay anh đã được thương lái đặt hàng thu mua hết.
Được biết, hiện nay trên thị trường cũng rất nhiều người tìm mua củ cú mật về để đun với nước uống hoặc nghiền thành bột chế biến thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe.
Theo anh Tuân, cây củ cỏ cú có tác dụng làm giảm đau, chống viêm, làm ra mồ hôi và lợi tiểu; dùng để chữa các bệnh trước và sau khi sinh ở phụ nữ; chữa đau dạ dày, ợ hơi, nôn mửa... Ngoài ra, củ cỏ cú còn dùng để sản xuất tinh bột, ngâm rượu và dùng làm nguyên liệu để chế tạo nước hoa.
Thế nên, anh Tuân dự định trong tương lai sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ cú mật, tận dụng loài cây này để sản xuất tinh bột, ngâm rượu và chế biến nước hoa, cố gắng nâng tầm loại cây này thành một đặc sản trên vùng quê của mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Lê Duy - Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh cho biết, mặc dù là một người khuyết tật, sức khỏe yếu nhưng anh Tuân luôn có nghị lực phi thường, chịu khó và táo bạo trong phát triển kinh tế. Mô hình cỏ cú mật của anh Tuân thực sự kỳ lạ nhưng hiệu quả bất ngờ.
Không chỉ có mô hình trồng cỏ cú mật, anh Tuân còn có nhiều mô hình kinh doanh nông nghiệp khác thu lại hiệu quả cao, giúp ích cho bà con nông dân trên địa bàn. Anh cũng là thành viên của Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Quảng Ninh, rất tích cực tham gia các hoạt động nhất là hoạt động từ thiện.