Vượt lên chính mình
Ngô Xa Mạ, sinh năm 1998, trong gia đình 6 anh chị em nghèo khó tại thôn Nậm Kéng xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, Lào Cai). Em không may mắn khi chào đời với đôi chân khuyết tật, khó đi lại bình thường. Thế nhưng bù lại Ngô Xa Mạ luôn nghị lực, quyết tâm chiến thắng khuyết tật bản thân để học tập như bạn bè cùng trang lứa. Ngoài những lúc gia đình giúp đỡ, em luôn nỗ lực tập đứng, đi với đôi chân tập tễnh. Đến nay dù đi lại khó khăn nhưng Mạ có thể tự di chuyển trong cự ly ngắn và hoàn toàn tự chủ cuộc sống cá nhân.
Nói tới Mạ, bạn bè, thầy cô đều vô cùng cảm phục, quý mến bởi từ khi học tiểu học em đã luôn đạt thành thích tốt trong học tập. Nhà nghèo, không có xe đạp tới trường thì Mạ đi bộ. Những giờ thể dục, ra chơi em chỉ lặng thầm quan sát mà không thể tập và chơi cùng bạn.
Vào THPT và học Sư phạm Cao Đẳng Lào Cai, nữ sinh dân tộc gần như chỉ ở trường. Có khi một vài tháng mới về nếu bố mẹ, anh em đến đón. Đáng nói, do bố mẹ làm nông, đông con, gia đình khó khăn nên để có thêm tiền sinh hoạt trong thời gian học tập, Mạ nhận dạy gia sư tiếng Anh cho học sinh tiểu học gần trường. Việc đi lại hoàn toàn phải chủ động.
Biết bao khó nhọc trên hành trình trang học tập, có đôi khi chạnh lòng bởi khuyết tật, kém may mắn của bản thân và từng nghĩ đến thôi học… nhưng cuối cùng nghị lực sống và trên hết là mong ước trở thành giáo viên đã giúp Mạ chiến thắng. Em là người con duy nhất trong số 6 anh em của gia đình học lên cao đẳng và hiện tại đang tiếp tục học hoàn thiện đại học.
Tâm huyết cùng nghề giáo
Năm 2019, Ngô Xa Mạ tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư phạm Lào Cai. Năm 2020 về dạy tại học tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Cao Sơn (Mường Khương). Trở thành cô giáo dạy tiếng Anh ở vùng cao cùng đôi chân khuyết tật nên những khó khăn cũng song hành.
Năm 2021, Mạ chuyển về dạy tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phình (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) cho tới nay.
Trao đổi về việc dạy học của mình, cô giáo trẻ chia sẻ: “Đa số học sinh là người Mông, Dao, nhiều em nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên việc học tiếng Anh không tránh khỏi trở ngại. Với thực tế này, giáo viên phải chọn phương pháp dạy học trò từ những gì đơn giản, gần gũi, dạy đi dạy lại nhiều lần để các em dễ nhớ, dễ học. Mặt khác, cũng là người dân tộc nên Mạ hiểu và rút ra kinh nghiệm đó là phải kiên trì, thật gần gũi để chia sẻ và động viên học trò cố gắng học tập. Học sinh dân tộc tình cảm, ngoan nhưng nếu bị nói nặng lời hoặc mắng mỏ các em sẽ tự ái và có thể bỏ học…”.
Có thể nói, điều kiện sinh hoạt, dạy học ở vùng cao hiện nay dù đã có thay đổi đầu tư nhiều nhưng vẫn tồn tại những khó khăn với giáo viên, đặc biệt có hoàn cảnh như Mạ. Đôi khi khó di chuyển Mạ nhờ đồng nghiệp đưa tới trường, có lúc cô phải đi bộ. Thế nhưng vẫn Mạ chịu đựng và vượt qua và hơn thế “học sinh toàn ở thôn, bản xa còn chịu khó lặn lội tới trường học tập…” đã giúp cô giáo trẻ nỗ lực vượt, tự vượt lên chính mình, vì học trò để dạy học thật tốt…”, Mạ chia sẻ.
Hiện tại, cô giáo trẻ Ngô Xa Mạ đang đảm đương 27 tiết Tiếng Anh/tuần bởi dạy liên trường tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phình 12 tiết/tuần và Trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình 15 tiết/tuần. Điều đó đồng nghĩa việc di chuyển của đôi chân và thời gian dạy học tương đương như những đồng nghiệp khác. Nhưng sự nỗ lực và vượt khó phải tăng lên gấp bội để hoàn thành công việc được giao.
Trực tiếp quản lý nhà trường và cô giáo Ngô Xa Mạ, cô Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phình trao đổi: Mạ thiệt thòi về sức khỏe nhưng em luôn hoành thành công việc được giao. Đáng nói cô giáo trẻ còn có ý chí vươn lên trong công việc và cuộc sống. Về phía nhà trường đã hỗ trợ, tạo điều kiện để cô được dạy ở những điểm trường thuận lợi nhất. Tuy nhiên, với đặc thù trường học vùng cao nên Mạ không tránh khỏi những khó khăn và phải nỗ lực để hoàn thành công việc…