Ngược dốc “xóa mù” nơi vùng cao

GD&TĐ - Con đường đất gồ ghề, quanh co theo những sườn đồi dẫn chúng tôi đến  Khuôn Thống, thôn khó khăn, xa xôi nhất của xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Có những con dốc nếu không phải là người cứng tay lái và có kinh nghiệm thì xe máy rất dễ bốc đầu, hất văng người ngồi sau xuống đường. 

Nhiều lớp xóa mù được mở ở vùng sâu, xa.	Ảnh: T.G
Nhiều lớp xóa mù được mở ở vùng sâu, xa. Ảnh: T.G

Vừa vít ga vừa phải lách qua mấy ổ gà ngang dốc, anh Hoàng Đình Tuân - Bí thư Đoàn xã nói như hét thật to với chúng tôi: “May mắn cho chúng ta là mấy ngày nay trời nắng chứ nếu mưa, anh em mình khó có thể đi xe máy lên đây”. 

Vòng luẩn quẩn

Không chỉ là thôn khó khăn, xa xôi nhất của xã, Khuôn Thống còn là thôn có tỷ lệ người mù chữ khá cao. Toàn thôn có 182 hộ với 956 nhân khẩu thì có đến 172 người mù chữ, trong khi cả xã Tân Lĩnh có đến 716 người mù chữ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện kinh tế khó khăn cộng với một số phong tục, suy nghĩ còn lạc hậu, thanh niên lại ham chơi, lấy vợ, lấy chồng sớm rồi sinh con, nên không đến trường. Có người từng đi học nhưng vì cuộc sống khó khăn nên dở dang và sau khi xây dựng gia đình cuốn vào cuộc sống mưu sinh, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc học. Không biết chữ đồng nghĩa với hạn chế trong giao tiếp, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, hay áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất, phát triển kinh tế. Chính vì thế, tình trạng đói nghèo và mù chữ ở đây cứ như cái vòng tròn luẩn quẩn.

Nhưng giờ đây, những người Dao ở thôn Khuôn Thống đang được xóa mù chữ bởi một lớp học đặc biệt. Ông Phạm Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên cho biết: “Việc mở lớp xóa mù bước đầu mở ra cơ hội để người dân nâng cao hiểu biết. Cùng với đó, khi mọi người, mọi nhà đều biết chữ sẽ giúp cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân. Người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn”.

Một lớp xóa mù chữ ở Yên Bái
 Một lớp xóa mù chữ ở Yên Bái

Kết thúc 1 ngày lao động, chị Bàn Thị Chịu ở thôn Khuôn Thống, xã Tân Lĩnh lại tất bật hoàn thiện những công việc nhà, nấu bữa tối cho các thành viên trong gia đình. Mọi công việc đều hoàn thành trước 18 giờ 30 phút để chị có thời gian đi học xóa mù chữ.

Là người dân tộc Dao, từ bé không được đi học, sau khi xây dựng gia đình chị lại cuốn vào cuộc sống mưu sinh nên cơ hội biết cái chữ với chị quá xa vời. Không biết chữ nên mọi giao tiếp của chị cũng bị hạn chế, nhất là giám sát việc học hành của con cái. Cơ hội đến với chị khi ở thôn có lớp học xóa mù, không giấu dốt, chị quyết tâm đi học chỉ bởi: Đi học biết cái chữ về có thể dạy con học.

Biết chữ cho đỡ khổ

Không chỉ có chị Bàn Thị Chịu mà ở thôn Khuôn Thống có rất nhiều phụ nữ người Dao có hoàn cảnh tương tự, chưa được đi học hoặc có đi học nhưng dở dang nên tái mù chữ. Do vậy, lớp học xóa mù được tổ chức tại thôn vào buổi tối đã thu hút được đông đảo chị em phụ nữ người Dao từ độ tuổi 15 đến 35 tích cực đi học.

Cô giáo Lương Thị Duyên - Trường TH & THCS xã Tân Lĩnh chia sẻ: Để có thể dạy tốt lớp xóa mù chữ bản thân tôi cũng phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những đồng nghiệp từng dạy các lớp xóa mù chữ, lựa chọn những tài liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với đối tượng. Trong lúc giảng dạy phải có những hình ảnh thực tế để họ có thể hiểu một cách nhanh nhất. Các học viên ở đây rất tích cực bởi họ khao khát, mong muốn được biết chữ, buổi học thứ 3 đã có nhiều anh chị có thể ghép vần, có thể viết thậm chí làm các bài toán rất nhanh.

Lúc đầu lớp học có 60 học viên đăng ký nhưng sau vài buổi thêm 25 học viên. Những tiết học xóa mù bắt đầu bằng những chữ cái, âm vần. Mặc dù đã quá tuổi để học nhưng học viên vẫn hăng say học với hy vọng biết cái chữ để đọc, để có thể áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Biết cái chữ, con số cho đỡ khổ. Chị Triệu Thị Độc thật thà chia sẻ: Đi học chữ về để có thể đọc được những thông tin trên bao cám, chai thuốc trừ sâu, giấy thông báo của thôn... từ đó làm theo.

Lớp học do 2 GV Trường TH&THCS xã Tân Lĩnh đứng lớp. Xác định học viên là những người lớn tuổi, quen việc cầm cày, cuốc hơn cầm bút nên việc học và tiếp thu kiến thức rất chậm, dễ sinh chán nản, dẫn đến bỏ học. Vì vậy, ngoài việc vận động các học viên ra lớp, để họ hiểu bài ngoài sự tận tâm, các giáo viên luôn tỏ ra thân thiện, giúp đỡ chia sẻ với các học viên.

Ông An Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, Yên Bái cho biết: Huyện vẫn còn khoảng 8,25% bà con người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ. Những năm qua, công tác xóa mù chữ được chính quyền địa phương quan tâm. Năm 2019 tiếp tục huy động mở 6 lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn như: Tân Lĩnh, Động Quan, Trung Tâm, Phúc Lợi, Tân Lập.

Thông qua các lớp học, nhiều người đã biết đọc, biết viết, tiếp tục học lên các lớp sau xóa mù chữ, tiếp cận được thông tin khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh tế. Hơn nữa các lớp học mang lại nhiều ý nghĩa lớn trong việc thực hiện đề án phổ cập giáo dục, giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao dân trí, hiểu biết và góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện đi lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.