Huy động tối đa người mù chữ ra lớp
Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong năm học 2018-2019, cả nước đã huy động được đã huy động được 26.694 người ra học xóa mù chữ (XMC), trong đó có 16.893 người tham gia học lớp xóa mù chữ và 9.801 người học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Theo số liệu báo cáo của các Sở GD&ĐT hiện tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 97,64%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi này là 93,43%.
Tại các địa phương, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Lào Cai, tính đến tháng 6 năm 2019, Lào Cai huy động được 1784 học viên ra lớp, nâng tổng số huy động học viên cả giai đoạn lên 12.215 học viên; đã xóa mù chữ cho 10.531 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (gồm cả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ) đạt 84,2% so với mục tiêu kế hoạch đề án giai đoạn 2015-2020, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi đạt 93.89%.
Trong đó có tỷ lệ người dân tộc biết chữ trong độ tuổi là 92%; nữ dân tộc biết chữ là 48%.
Dự kiến năm 2019 và 2020 toàn tỉnh huy động XMC và GD tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC) khoảng 13.200 người (vượt mục tiêu của đề án). Số xã đạt chuẩn mức độ 1 là 10 xã, mức độ 2 là 154 xã, phường, thị trấn; số huyện đạt chuẩn mức độ 1 là 2 huyện, mức độ 2 là 7 huyện, thành phố.
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với dân số 68 vạn người, dân tộc thiểu số chiếm 64,9%; trong đó dân tộc Mông chiếm 23,78%, dân tộc Tày chiếm 15,84%, dân tộc Dao chiếm 14,05%, dân tộc Giáy 4,7%, dân tộc Hà Nhì 0,83% ..
Ảnh minh họa/nguồn internet |
Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện, TP đã chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các ban, ngành địa phương, các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức điều tra thống kê, khảo sát người mù chữ trên địa bàn, nắm rõ địa chỉ, thông tin cụ thể của từng cá nhân, từng hộ gia đình làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ nhằm huy động tối đa người mù chữ ra lớp.
100% xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Long về việc mở lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ của huyện Tam Bình. Đây là huyện có dân số 155.476 người, ở nông thôn là 150.316 người, chiếm tỷ lệ 96,68%, chủ yếu là người Kinh. Còn lại là người Khmer có 5.311 người, chiếm tỷ lệ 3,41% chủ yếu sống ở xã Loan Mỹ. Do đó việc học tập của con em ở nông thôn và ở vùng dân tộc Khmer còn gặp khó khăn.
Từ năm 1991, đến năm 1997, công tác chống mù chữ ở huyện Tam Bình có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ. Kết quả chống mù chữ của huyện luôn duy trì bền vững và phát triển cho đến nay.
Thực hiện theo chương trình XMC và GDTTSKBC ban hành theo quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” tỉnh Vĩnh Long.
Kết quả huyện đã duy trì được hoạt động mở lớp XMC và GDTTSKBC nhiều năm liền (từ năm 2009 đến nay đã mở 111 lớp với 891 HV trong đó 445 nữ và 72 HV người dân tộc Khmer). Kinh phí 1,692,028, 926 đồng.
Trong năm 2019 Trung tâm HTCĐ xã Loan Mỹ đăng ký khai giảng hai lớp 5 XMC trong tháng 7/2019 dự kiến 15 học viên, trong đó có 15 học viên dân tộc Khmer.
Với những kết quả tích cực đã đạt được ở các địa phương, công tác XMC ở trên cả nước sẽ tiếp tục duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo.