Trình độ dân trí của đồng bào được nâng lên rõ rệt thông qua chất lượng và hiệu quả GD-ĐT, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào ngày càng được nâng cao. Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS&MN được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học.
Hiện toàn vùng có hơn 5.700 trường mầm non, 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; sổ lượng trẻ được ăn bán trú đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 5%.
Đến nay, giáo dục vùng DTTS các tỉnh đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn gần 100%, tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn 100%.
Toàn quốc có gần 7,8 triệu học sinh tiểu học, trong đó học sinh DTTS chiếm 17,5%. Đến tháng 6/2010 cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và đến tháng 12/2016 có 100% tỉnh và huyện đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là gần 90%.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS tiếp tục được duy trì, củng cố. Đây là những thành tựu nổi bật được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS cho học sinh trong các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ.
Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khơ Me, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) ở 22 tỉnh thành trong cả nước với quy mô 715 trường, hơn 4.800 lớp, hơn 13 nghìn học sinh.
Các địa phương tổ chức dạy 18 thứ tiếng dân tộc tại 17 tỉnh, có 66 lớp học được mở với hơn 3 nghìn học viên theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Công tác xóa mù chữ, tải mù chữ cho đồng bào DTTS có chuyển biến quan trọng. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi mù chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ; 25 nghìn người đã được công nhận biết chữ và những người đang học dở lớp 4, 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp sau khi biết chữ.
Theo số liệu thống kê của các địa phương (tính đến 30/5/2018), tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-35 của toàn quốc là 98,7%, đã đạt yêu cầu so với mục tiêu của Đề án xóa mù chữ đến năm 2020.