Vượt qua bệnh tật
Đó là anh Nguyễn Trai, 58 tuổi, bị teo cơ từ nhỏ do di chứng chất độc da cam từ người cha vốn là bộ đội.Khi anh Trai học lớp 9, một ngày trên đường đi học về, thấy hai đầu gối trở nên bất lực và anh ngã khuỵu xuống đường. Kể từ lúc đó, anh không đi đứng được, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào sự giúp đỡ của người thân. Gia đình đưa anh đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng vô vọng. Bằng ý chí và nghị lực, anh Trai đã nỗ lực tập bò, tập ngồi… dần dần anh ngồi được, đứng dậy được và… biết đi!
Thị trấn Phú Đa vốn là một trong những địa phương nghèo nhất của huyện Phú Vang, số trẻ em thất học chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Năm 1987, anh Trai tham gia dạy lớp xóa mù ở địa phương. Đến năm 1990, thấy nhiều em trong xóm làng vẫn còn mù chữ, suốt ngày chơi bời lêu lổng hoặc lam lũ ngoài đồng ruộng, anh nảy sinh ý định tự mình đứng ra mở lớp dạy học miễn phí cho các em.
Lúc đầu chỉ có vài ba trẻ trong xóm đến học, rồi tiếng lành đồn xa, dần dần trẻ em trong 8 thôn của xã đều đến xin “thụ giáo” với thầy Trai, số học sinh nhanh chóng tăng lên vài chục em. Thuở đó, anh Trai sống chung với bố mẹ già yếu, gia đình đông anh em nên không có chỗ để dạy, thế là anh mượn cái chòi giữ vườn của hàng xóm để mở lớp. Nhiều em sau khi học với anh Trai, đã được vào học tại trường tiểu học ở xã Phú Đa.
Lớp học của thầy Trai là lớp ghép (từ lớp 1 đến lớp 5), thầy phải lê từng bước chân đến bên từng em để hướng dẫn, sửa bài hoặc uốn nắn chữ viết. Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ của thầy ở Thanh Lam vẫn vang lên tiếng bi bô đọc bài của con trẻ, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Để chia sẻ với thầy giáo tật nguyền, nhiều phụ huynh đến giúp thầy một ngày công lao động như làm vườn, cuốc đất hoặc sửa lại chuồng gà, xây chái bếp…, có phụ huynh trả công thầy bằng mấy chục cân gạo, mớ khoai, bao sắn…
Năm 2004, một mạnh thường quân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ra Huế, tình cờ nhìn thấy và thương cảm cảnh lớp học chỉ che được nắng không tránh được mưa của thầy Trai, đã hỗ trợ 30 triệu đồng để xây một phòng học khang trang. Bàn ghế (hỏng) thì thầy xin từ Trường Tiểu học Phú Đa, thuê thợ mộc sửa chữa.
Ngoài việc mở lớp xóa mù, thầy Trai tranh thủ nuôi gà cải thiện đời sống |
30 năm trao gửi yêu thương
Suốt 30 năm qua, công việc trồng người của thầy Trai vẫn diễn ra âm thầm, lặng lẽ trong căn phòng 24m2 khuất dưới những tán phi lao, bạch đàn rậm rịt. Trong ngần ấy thời gian, thầy đã giúp hàng trăm em học sinh nghèo ở đây thoát mù chữ, trong số đó có nhiều em trở thành giáo viên, cán bộ xã, huyện. Điển hình là các em Nguyễn Thị Sứ, Lê Thị Bê (giáo viên Trường mầm non Phú Đa); em Trần Nhân Đông (giáo viên dạy tiếng Nhật ở TPHCM); em Hồ Văn Long (cán bộ xã Phú Đa); em Nguyễn Văn Rin (cán bộ huyện Phú Vang)…
Đến nay, lớp thầy Trai có 16 em với độ tuổi từ 6 - 14 tuổi, chia làm 2 lớp; một lớp học vào thứ 2, 4, 6 và một lớp học vào thứ 3, 5, 7. Trong đó có những em bị khuyết tật, bố mẹ li hôn, hoặc có cha tật nguyền... Thương các em vừa thiếu thốn vật chất, vừa thiếu tình thương của gia đình, người thân, thầy Trai đã trích từ số tiền trợ cấp tật nguyền (405.000đ/tháng) của mình để mua sách, vở, viết, phấn… cho các em.
Năm 2004, thương cảm và nể phục anh Trai, chị Đặng Thị Ánh, người cùng xóm tình nguyện về “góp gạo thổi cơm chung” với anh. Từ khi tìm được nửa cuộc đời của mình, anh Trai như được truyền thêm sức mạnh để vượt qua mọi trở lực trong cuộc sống, toàn tâm, toàn ý chăm lo dạy dỗ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2012, Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên - Huế (TRT) thực hiện phóng sự về “Lớp học tình thương” của thầy Trai. Thầy được Sở LĐ, TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế mời dự tọa đàm “Hội nghị những người yêu trẻ” và tặng Giấy khen. Năm 2014, thầy được chương trình truyền hình Quân đội làm phóng sự “Nghị lực của người thầy tật nguyền” và sau đó phóng sự này được phát sóng trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.