Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Danh Thị Tươi (PTDTNT THCS) được thành lập theo Quyết định số 1415 ngày 12/9/2014 của tỉnh Cà Mau. Trường hiện tọa lạc tại ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - một trong 2 xã đảo của tỉnh Cà Mau và cũng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống
Nằm ở địa bàn vùng sâu, xa, những ngày đầu thành lập, Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, cũng như cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện tại, Trường đã được đầu tư khang trang, không thua kém các trường cùng cấp trên địa bàn.
Năm học 2024 - 2025, trường có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn, 178 học sinh, trong đó có 165 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Khmer.
Hiện tại, trường có 6 phòng học, 4 phòng chức năng, 8 phòng hành chính quản trị; 1 phòng hỗ trợ học tập, 13 phòng ở nội trú đều đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tháng 8/2024 vừa qua, trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi vinh dự đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Kể từ khi thành lập đến nay, Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho con em người dân tộc Khmer tại địa phương, mà còn là nơi dạy tiếng nói, chữ viết nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
“Nhà trường rất quan tâm việc dạy ngôn ngữ dân tộc cho học sinh.Tất cả khẩu hiệu, bảng hiệu, băng rôn... trong trường đều sử dụng song ngữ Việt – Khmer.
Trường tổ chức dạy tiếng dân tộc cho học sinh 3 buổi/lớp. Giáo viên được lựa chọn dạy tiếng dân tộc phải là người có chuyên môn và là người dân tộc, am hiểu văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc để có thể truyền tải kiến thức cho học sinh một cách tốt nhất”, thầy Đoàn Văn Lạc, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Nguyễn Yến Vy, học sinh lớp 7 của trường chia sẻ, học tiếng dân tộc lúc đầu khó nhưng em rất thích học để biết nhiều hơn về văn hóa dân tộc mình. Hiện tại em đã biết nói và đọc, viết một số câu căn bản. Em sẽ cố gắng luyện tập thêm, hy vọng sau khi tốt nghiệp THCS em sẽ biết rành về ngôn ngữ Khmer.
“Em nghĩ là người dân tộc Khmer mà không biết nói tiếng của dân tộc mình là một thiếu sót và thiệt thòi lớn, vì thế em sẽ cố gắng học. Giữ gìn tiếng nói, chữ viết cũng là cách em giữ gìn giá trị truyền thống dân tộc mình”, Bùi Văn Bình, học sinh lớp 8, Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi nói.
Nhiều khó khăn dạy chữ dân tộc
Thầy Tăng Quốc Đạt (quê Sóc Trăng) đã có 9 năm về trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi công tác, hiện phụ trách dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường. Thầy Đạt cho biết, đa phần học sinh ở đây là người dân tộc Khmer nhưng ít biết tiếng dân tộc mình.
Ở nhà, gia đình đều giao tiếp với các em bằng tiếng Việt nên việc dạy tiếng dân tộc cho các em gặp nhiều khó khăn.
“Mới bắt đầu dạy, mình phải giao tiếp với các em bằng song ngữ, đồng thời kết hợp với việc sử dụng hình thể, minh họa sinh động bằng hình ảnh để giúp các em dễ tiếp thu. Những em chịu khó học, chịu khó giao tiếp thường xuyên sẽ mau biết tiếng dân tộc.
Ngoài dạy chữ, tôi còn quan tâm dạy các em hiểu, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc mình” thầy Đạt nói.
Gắn bó với Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi được 14 năm, cô Lý Hòa Ly – giáo viên dạy Toán, cũng là người dân tộc Khmer cho biết: những năm qua, nhờ được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân do điều kiện khó khăn nên chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em mình, đặc biệt là học chữ khmer. Phần đông học sinh dân tộc thiểu số ở trường đều có cha, mẹ đi làm ăn xa nhà, gửi cho ông bà, người thân chăm sóc. Ông bà lớn tuổi nên ít quan tâm đến việc học của các em, cứ phó thác cho giáo viên.
Hiện còn nhiều em nhà xa nhưng không được vào ở nội trú do gia đình bắt buộc các em sau khi đi học phải về nhà phụ giúp công việc gia đình, nên các em ít có điều kiện trao đổi, học thêm tiếng dân tộc. Một số gia đình vẫn còn tư tưởng cho con nghỉ học sớm để lao động, nếu không được nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện sẽ không cho con đến trường.
“Thấy các em hoàn cảnh khó khăn tôi rất thương. Ở đây ngoài dạy kiến thức, tôi cũng giáo dục các em về đạo đức làm người, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Dù không dạy tiếng dân tộc nhưng do biết nói tiếng Khmer nên trong các tiết dạy tôi cũng thường xuyên trao đổi với các em bằng song ngữ, giúp các em có thể gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình.”, cô Ly chia sẻ.
“Trường luôn nỗ lực dạy tiếng dân tộc cho nhiều học sinh đồng bào dân tộc trên địa bàn, làm sau giúp cho học sinh của trường khi tốt nghiệp THCS đều biết tiếng dân tộc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của trường hiện tại là công tác tuyển sinh đầu cấp. Số học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trần Văn Thời tuy đông nhưng 3 năm gần đây trường đều tuyển không đạt chỉ tiêu, do số đối tượng con em người dân tộc nằm trong khu vực được tuyển sinh theo thông tư 04/2023 của Bộ GD&ĐT rất ít. Việc này ảnh hưởng lớn đến phát triển mạng lưới, quy mô trường lớp của trường, đồng thời ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng dân tộc trên địa bàn”, Thầy Đoàn Văn Lạc, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nói.