Giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin sử dụng tiếng Việt

GD&TĐ - Những hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường miền núi Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã mang lại chuyển biến tích cực.

Giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin sử dụng tiếng Việt.
Giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin sử dụng tiếng Việt.

Nỗ lực từ cơ sở

Năm học 2024-2025, huyện miền núi Chợ Đồn (Bắc Kạn) có 3.031 trẻ mầm non và 4.286 học sinh tiểu học. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 96%. Vì vậy, một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục huyện Chợ Đồn chú trọng chính là học dạy tiếng Việt cho trẻ.

Tại Trường Tiểu học Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) có 524 học sinh với 100% học sinh là người DTTS. Ban giám hiệu xác định, nếu không được tăng cường tiếng Việt thì các em sẽ tiếp thu bài chậm, rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, nhà trường luôn đa dạng các giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho các em.

Để giúp các em làm quen với tiếng Việt, các phòng học của trường đều được trang trí rất sinh động. Không gian của từng bức tường trong phòng học đều được tận dụng để làm góc trưng bày, góc địa phương với các vật dụng quen thuộc, gần gũi giúp học sinh dễ dàng làm quen và ghi nhớ tiếng Việt.

bb4cf0912a669338ca77-8436.jpg
Trường Tiểu học Xuân Lạc (Chợ Đồn) thường xuyên tổ chức các cuộc thi để tăng khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau.

Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng tập huấn và tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường dự giờ, thao giảng, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Cô Lưu Thị Uyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Lạc cho biết, không chỉ tăng thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh từng khối, giáo viên của trường đều được tập huấn và sử dụng các tài liệu tăng cường tiếng Việt đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động trao đổi với phụ huynh học sinh tăng cường sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày; tổ chức các cuộc thi, làm đồ dùng dạy học giúp các em hiểu và biết cách sử dụng tiếng Việt.

Nhiều phương thức tăng cường dạy tiếng Việt

Những năm qua, thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, huyện Chợ Đồn luôn ưu tiên nguồn lực, tích cực triển khai các chương trình, đề án phát triển giáo dục, trong đó chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Thông qua tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS.

Theo bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn: Hằng năm, Phòng GD&ĐT đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Phòng cũng thường xuyên chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên mầm non tham gia dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ ban hành chính sách đối với GDMN; và các chính sách khác theo quy định.

Các trường đều được bố trí giáo viên có kinh nghiệm trong công tác, có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 là người dân tộc thiểu số trước khi vào năm học mới. Trong suốt năm học, các trường sẽ chủ động tổ chức nhiều hoạt động để học sinh thành thạo tiếng Việt, làm nền tảng để học tốt các môn học khác.

765ddb800177b829e166-8702.jpg
Không gian của từng bức tường trong phòng học đều được tận dụng để làm góc trưng bày, góc địa phương với các vật dụng quen thuộc, gần gũi giúp học sinh dễ dàng làm quen và ghi nhớ tiếng Việt.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn cho biết thêm: Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh chỉ thực hiện lồng ghép vào các tiết học nên các thầy cô giáo cũng phải bố trí thời gian và lựa chọn nội dung để thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học được phù hợp.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Chợ Đồn sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, triển khai đồng bộ, hiệu quả việc dạy học lồng ghép, tích hợp tăng cường tiếng Việt; xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động chuyên đề như ngày hội bé làm quen với tiếng Việt đối với trẻ mầm non.., các điểm văn hóa đọc, ngày hội sách, giao lưu tiếng Việt của học sinh đối với các trường tiểu học.

Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã khích lệ các em mạnh dạn, tự tin và thích đi học; cải thiện kỹ năng nói, giao tiếp bằng tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.