Bảo tồn tiếng nói, chữ viết để giữ gìn bản sắc dân tộc Dao ở Phú Thọ

GD&TĐ - Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Dao tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các học viên xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập học tập với tài liệu chữ Nôm Dao. (Ảnh: Tất Thắng)
Các học viên xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập học tập với tài liệu chữ Nôm Dao. (Ảnh: Tất Thắng)

Đời sống văn hóa tinh thần phong phú

Yên Lập là huyện miền núi của Phú Thọ với diện tích tự nhiên khoảng 438,2km2, dân số trên 97.000 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80% (người Mường chiếm trên 74%, dân tộc Dao chiếm trên 4,2%).

Với 32 dân tộc anh em cùng chung sống, trên địa bàn huyện hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Mường, Dao, Mông với các làn điệu hát Ví, hát Giang, múa Mỡi, múa Trống đu, múa Sênh Tiền, Tết nhảy, lễ Lập Tĩnh… được hình thành và sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất, giữ đất, giữ làng, tạo nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Yên Lập chủ yếu là người Dao quần chẹt. Họ luôn duy trì được các lễ, Tết quan trọng của dân tộc mình như: Lễ Cấp sắc (chẩu đàng, quả tăng) dành cho người trưởng thành, lễ Tết nhảy tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, lễ Tạ mộ tổ (chảy ông cổ chấu) và các lễ Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hạ điền, Rằm tháng bảy... đều tổ chức cúng lễ tại nhà Tổ nhằm tập hợp con cháu trong dòng tộc, đại gia đình và nhiều nghi thức thờ cúng khác.

Người Dao nói chung và người Dao ở Yên Lập nói riêng có kho tàng văn hóa rất đa dạng, phong phú, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và đóng góp lớn vào việc khẳng định bản sắc văn hóa tộc người; mang tính nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao, hướng tới lối sống thiện lương, nhân bản. Trong quá trình di cư và tụ cư, người Dao nơi đây luôn có ý thức bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc mình để trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Người Dao ở Yên Lập có tiếng nói, chữ viết riêng. Tuy nhiên, hiện nay tiếng nói và chữ viết đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, do vậy, việc duy trì, phát huy chữ Nôm Dao trong đời sống của đồng bào là cách làm hiệu quả nhằm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

2-nghe-nhan-mo-lop-3816.png
Ông Phùng Sinh Thịnh, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập mở lớp dạy chữ Nôm Dao tại nhà cho các học viên đến học. (Ảnh: Hồng Vân)

Giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao

Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; nhiều cá nhân tự nguyện truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao.

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Phùng Sinh Thịnh người dân tộc Dao ở xã Xuân Thủy (Yên Lập) vẫn miệt mài để truyền dạy chữ Nôm Dao cho người dân trong bản.

"Chữ Nôm Dao chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, kết nối tâm linh, trong đó chứa đựng những giá trị văn hoá, đạo đức. Tôi luôn trăn trở khi chữ của dân tộc Dao ngày càng ít người biết và có nguy cơ mai một, thì sẽ mất đi những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Chính vì thế tôi mở lớp học này để mong muốn sẽ truyền dạy được những gì mà mình biết cho thế hệ sau này”, ông Thịnh nói.

Bằng tâm huyết của người thầy cao tuổi, hàng trăm cán bộ và người dân trong xã đã đọc, viết cơ bản và nhận biết được mặt chữ. Những khởi đầu tốt đẹp đó đang gieo niềm hy vọng việc dạy chữ Nôm Dao sẽ phần nào giúp giới trẻ Dao tiếp cận các lịch sử, khoa học, giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của dân tộc mình thông qua việc đọc được những cuốn sách cổ do cha ông để lại, đồng thời bảo tồn được một nét văn hóa đặc sắc của người Dao.

Những năm qua, huyện Yên Lập đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn du khách.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn Phú Thọ, Sở VHTTDL Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Yên Lập tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho 40 học viên là người dân tộc Dao đang sinh sống tại 2 xã Nga Hoàng và Xuân Thủy, huyện Yên Lập.

Lớp tập huấn được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 9/2024. Các học viên tham gia sẽ được hai nghệ nhân Phùng Sinh Huyện và Phùng Sinh Thịnh là người có uy tín và kinh nghiệm truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao trên địa bàn huyện Yên Lập.

Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Dao trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và động viên đồng bào người Dao chủ động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ thiết lập các mối quan hệ giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp để góp phần bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tại địa phương.

Cùng với chính sách từ tỉnh Phú Thọ đến các cấp, ngành, huyện Yên Lập sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Dao tham gia hiệu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống, đặc trưng của dân tộc mình để trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ