Tìm giải pháp mới cho một đề tài truyền thống
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì và PGS.TS Nguyễn Văn Biên làm chủ nhiệm.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh – Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng ghi nhận những đóng góp tích cực của nhóm nghiên cứu, đồng thời đánh giá đề tài mang tính cấp thiết, thời sự cao, các trích dẫn có độ tin cậy.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Biên chia sẻ: Đề tài nhằm giải quyết 3 mục tiêu: Đánh giá được thực trạng mô hình gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong nhà trường hiện nay; Đề xuất được mô hình gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Đề xuất được hệ thống giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Kết quả nghiên cứu của đề tài: Công bố 7 bài báo trong nước (vượt 2 bài so với yêu cầu); Công bố 1 bài trên tạp chí quốc tế; Đào tạo được 3 Thạc sĩ (vượt 1 ThS so với yêu cầu); Hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh; Có 1 tài liệu tập huấn giáo viên về đạo đức, lối sống cho HSSV; Thực hiện 5 Chương trình bồi dưỡng giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Đề tài đã có 11 sản phẩm được chuyển giao cho các đơn vị giáo dục.
“Đặc điểm chung của các đề tài nghiên cứu trong Chương trình khoa học giáo dục là ngoài phục vụ mục đích khoa học còn phục vụ tư vấn chính sách vĩ mô. Bởi vậy, với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã lưu ý những vấn đề nổi trội, cập nhật để tiếp cận và nghiên cứu, nêu giải pháp. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm luôn bám sát thực tế giáo dục ở các địa phương”, PGS.TS Nguyễn Văn Biên chia sẻ.
Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu, và được Hội đồng cấp cơ sở đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước.
PGS.TS Trần Kiều nhất trí với báo cáo của chủ nhiệm đề tài. Đây là vấn đề được đặt ra từ lâu, nhưng được nhóm nghiên cứu thực hiện theo hướng tiếp cận mới, quan điểm mới, trên cơ sở phát huy được giá trị truyền thống; đồng thời cập nhật bối cảnh hiện nay để đưa ra giải pháp hợp lý.
Trăn trở vì giải pháp trọn vẹn cho vấn đề lớn của GD
Theo TS Phùng Khắc Bình, chuyên gia độc lập: Đề tài đã phân tích khá sâu sắc và có hệ thống về các khái niệm về mô hình. Kết quả nghiên cứu có tính khả thi, phù hợp tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, với tầm vóc của đề tài thì các kết quả cần tiếp tục được nghiên cứu mở rộng. Khảo sát và thử nghiệm mới chủ yếu ở Hà Nội và một số địa phương phía Bắc, chưa có tính vùng miền và mở rộng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Uỷ viên phản biện cho rằng, đây là công trình lớn, bao hàm ý nghĩa lớn, đã thành công về những yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên vấn đề lõi còn một số điểm cần đào sâu hoặc mở rộng để thể hiện được “mô hình” phối hợp theo mục tiêu lớn của đề tài đặt ra. Còn thiếu vắng nhiều nội dung, khái niệm làm nên tinh thần của chung của đề tài. Vai trò của các bên tham gia vào mô hình giáo dục cần được thể hiện rõ hơn…
Ghi nhận các ý kiến của các nhà khoa học, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Đề tài nghiên cứu rộng và ý nghĩa. Mô hình phối hợp vô cùng cần thiết, để xây dựng được mô hình giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, là điều Bộ GD&ĐT cũng như những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục vô cùng quan tâm. Mô hình trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một ví dụ điển hình, đáng ghi nhận.
Với tư cách Uỷ viên Hội đồng, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Đề tài đã bỏ nhiều công sức nhưng nên chọn một điểm nhấn để tạo “đột phá, đúng tầm nhìn”. Nhiệm vụ của đề tài là phải giải quyết vấn đề tương lai chứ không phải giải quyết những việc đã qua.
Trên cơ sở thực tiễn và tham gia nghiên cứu, TS Nguyễn Tùng Lâm hoan nghênh mô hình “động” của nhóm nghiên cứu, đồng thời đặt câu hỏi về mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành tố nên thể hiện như thế nào? Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành tố ra sao? Cơ chế phân vai và trách nhiệm giữa các thành tố cần làm cho rõ để phối hợp tốt.
“Quan niệm mới, yêu cầu mới đối với kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong giai đoạn mới. Một đề tài hoàn thiện cần đánh giá chuyển biến của học trò theo từng năm học, cấp học. Cần gắn tiêu chí về mục đích sống, lý tưởng sồng với chất lượng giáo dục. GD cần tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ bậc phổ thông. Hãy chú trọng lôi cuốn, thay đổi chất lượng GD gia đình, xoá bỏ tình trạng gia đình “phó mặc” việc GD học sinh cho nhà trường. Mô hình phối hợp, với vai trò của các thành tố cần thay đổi theo độ tuổi, cấp học”, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra khuyến nghị.