Đề tài do GS.TS Nguyễn Hữu Đức – ĐH Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao đề tài của nhóm nghiên cứu. Đề tài mang tính cấp thiết, thời sự cao, các trích dẫn có độ tin cậy. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, các đại biểu nhận xét, đề tài đạt kết quả xuất sắc. Thứ trưởng và các đại biểu mong muốn sau khi nghiệm thu, đề tài sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Trước đó, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus và tạp chí quốc tế khác. Ngoài ra, là các báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo trong nước và có đăng ký bản quyền tác giả phần mềm: "Phần mềm và cổng thông tin đối sánh chất lượng đại học Việt Nam".
Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu liên ngành. Những đóng góp về khoa học chủ yếu của đề tài là:
Nghiên cứu tổng kết, nhận diện các đặc trưng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tiếp cận lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đề cao vai trò của các năng lực nhân văn, đạo đức và các hệ giá trị.
Đồng thời nghiên cứu tích hợp lịch sử phát triển đại học thế giới và các cuộc cách mạng công nghiệp để đưa ra nhận diện khoa học về bản chất và đặc điểm của đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đó là đại học thế hệ ba trên nền tảng của các công nghệ mới nổi. Theo cách tiếp cận này, đề tài có đóng góp vào việc điều chỉnh cách phân loại các thế hệ đại học và nhận diện các thách thức của giáo dục đại học Việt Nam.
Mặt khác, đề tài đề xuất mô hình đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo SMARTI với 6 thành tố: Mục tiêu đào tạo với chuẩn đầu ra về năng lực số và khởi nghiệp; Phương thức đào tạo mở, linh hoạt; Đáp ứng nhu cầu cá thể hóa; Chuyển đổi số; Nâng cao năng lực đo lường, đánh giá chất lượng đào tạo và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đề tài cũng khái quát hóa mô hình chuyển đổi số của đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo bằng mô hình V-SMATH cũng với 6 thành tố và hoạt động cơ bản: Tài nguyên số; Học liệu truy cập mở; Môi trường dạy – học số; Đáp ứng nhu cầu học tập cá thể hóa; Phương pháp dạy - học có tương tác và Hạ tầng số, quy tụ trong ba trụ cột: số hóa, đổi mới mô hình dạy-học dựa trên công nghệ số và chuyển đổi số toàn diện từ tư duy đến văn hóa, lãnh đạo, quản lý và điều hành.
Mặt khác, xây dựng được bộ tiêu chuẩn xếp hạng đối sánh UPM kết hợp cả tiếp cận xếp hạng (ranking) và kiểm định chất lượng (rating và audit).
Ngoài ra, đề tài cũng có những đóng góp thực tiễn như: Đề xuất các kiến nghị về nhận diện bản chất của đại học 4.0, mức độ sẵn sàng của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) Việt Nam và một số nhiệm vụ cần triển khai đối với quản lý nhà nước và các CSGDĐH. Báo cáo tư vấn tại các hội thảo của Hội đồng Lý luận Trung ương và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Cùng với đó, tư vấn, đóng góp ý kiến cho các nội dung về đại học định hướng nghiên cứu, phân tầng, xếp hạng và kiểm định chất lượng trong Luật sửa đổi và điều chỉnh Luật Giáo dục đại học và các Nghị định, Quyết định liên quan. Đặc biệt, lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các chỉ số nghiên cứu của nhóm 30 CSGDĐH hàng đầu của Việt Nam (1/2020).
Triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn UPM để xếp hạng đối sánh và gắn sao cho 30 CSGDĐH. Một số sản phẩm của Đề tài đã được Viện đảm bảo chất lượng (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Huế, Trường Đại học Thủy lợi, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tiếp nhận, sử dụng (có xác nhận bằng văn bản về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu).
Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 28/9/2020 xếp loại “Xuất sắc” và được Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước.