Nghị lực mùa thi: Nam sinh ung thư xương mơ thành kỹ sư tin học

GD&TĐ - Dù bị mất một chân từ năm 9 tuổi vì bệnh ung thư xương, nhưng Phạm Đình Đức vẫn luôn lạc quan và quyết tâm phấn đấu trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Nghị lực mùa thi: Nam sinh ung thư xương mơ thành kỹ sư tin học
Phạm Đình Đức đến trường trên đôi nạng
 
Phạm Đình Đức đến trường trên đôi nạng
“Cứ cắt chân con đi, con sống được với mẹ là tốt rồi”

Phạm Đình Đức (19 tuổi), học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hồng Bàng, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng, có vẻ ngoài đẹp trai, thư sinh. Em kể lại chuyện mất một chân từ năm 9 tuổi: “Hôm ấy, em đang chơi đùa với bạn thì đột nhiên ngã quỵ và không đứng dậy nổi vì chân trái đau mãi. Mẹ em đưa đi khám thì bác sĩ bảo bị khớp. Chữa một thời gian không hết, mẹ đưa lên Hà Nội khám lại và phát hiện em bị ung thư xương. 1 tháng sau, bác sĩ bảo phải cắt chân mới sống được”.

Khi nghe tin phải cắt chân, mẹ Đức khóc như mưa, nhưng em vẫn kiên cường: “Mẹ cứ để bác sĩ cắt chân con đi, con sống được với mẹ là tốt rồi”. 1 năm sau khi chân trái bị cắt đến trên đầu gối, mẹ phải cõng Đức mỗi khi di chuyển, sau khi vết thương lành hẳn em mới tập chống nạng đi được. “Em ở Hà Nội điều trị hơn 1 năm. Mẹ phải xin nghỉ hưu non để chăm em”, Đức bồi hồi nhớ lại.

Nói về lần đầu tiên gặp Đức, cô Ngô Thị San, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, Trường THPT Hồng Bàng, xúc động: “Năm ấy, thấy Đức chỉ có một chân, tôi đã xin nhà trường cho chuyển phòng học từ tầng 3 xuống tầng 1 để em đi lại đỡ vất vả. Tôi cũng phân công một số bạn trong lớp đến đưa đón Đức đi học, trong đó em Đào Quang Hưng là nhiệt tình nhất. Hưng đã đưa đón Đức từ nhà đến trường suốt 3 năm trời”.

Đức cùng cô giáo chủ nhiệm Ngô Thị San

Mong thành kỹ sư lập trình giỏi

Khi gặp bà Phạm Thị Mùi (mẹ của Đức) và biết được hoàn cảnh gia đình em, cô San càng yêu thương cậu học trò của mình hơn. Mẹ Đức vốn là công nhân một công ty giày ở Hải Phòng, sau khi nghỉ hưu, lương tháng của bà chỉ được hơn 2 triệu đồng. Bố Đức mất từ năm 2004 vì ung thư dạ dày. Đức còn một người anh trai đang đi nghĩa vụ quân sự, gánh nặng trong nhà đè nặng trên vai mẹ.

“Lần đầu gặp mẹ Đức, chị ấy nói với tôi: người ta nuôi con mong con lớn khôn để cậy nhờ tuổi già, em nuôi con mà không biết ngày nào con em mất, vì bệnh ung thư xương của Đức có thể tái phát. Thương chị ấy, tôi chỉ biết khuyên là phải tin vào khoa học, tin là Đức sẽ mạnh khỏe”, cô San nói mà vẫn rưng rưng nước mắt.

Nhà Đức ở P.Sở Dầu (Q.Hồng Bàng), một căn nhà nhỏ với vài thứ đồ đạc không có gì đáng tiền. Buổi sáng bà Mùi đi phụ việc ở một hàng bánh đa cua, chiều thì đi dọn dẹp nhà thuê.

“Sức khỏe Đức mấy năm gần đây đã ổn, nhưng vẫn phải đi khám định kỳ vì bệnh này không thể coi thường, nên khá tốn kém, trong khi tiền chạy chữa những lần trước vẫn nợ chưa trả được. Đức rất ham học, muốn học lên đại học nhưng không biết tôi có lo cho nó được không. Ngay cả cái chân giả tôi cũng chưa mua được cho con”, bà Mùi ngậm ngùi nói.

Sau nhiều năm gắn bó với đôi nạng, Đức muốn có chiếc chân giả để đi lại nhưng gia đình chưa có điều kiện. “Mấy tháng trước, tôi đưa Đức lên Hà Nội hỏi mua chân giả. Khi được báo giá ít nhất cũng phải 50 triệu đồng, Đức toát hết mồ hôi vội bảo mẹ đi về. Với mẹ con tôi, số tiền ấy lớn quá”, bà Mùi tâm sự. May sao, ngoài sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm và bạn bè, Đức còn được Trường THPT Hồng Bàng miễn mọi chi phí và tặng thêm học bổng 10 triệu đồng/năm.

Không phụ công mẹ, thầy cô và bạn bè, Đức học ngày càng tiến bộ. Năm lớp 10 cậu là học sinh trung bình nhưng năm lớp 11 đã vươn lên thành học sinh khá. Đến năm lớp 12, Đức đã là học sinh giỏi. “Em sẽ cố gắng học để trở thành kỹ sư lập trình, có thể tự nuôi mình và lo cho mẹ”, Đức tâm sự. Dù mơ ước trở thành kỹ sư tin học, nhưng đến nay cậu vẫn chưa thể có cho mình một chiếc máy tính.

Đức đã làm hồ sơ đăng ký vào ĐH Hàng hải VN (Hải Phòng) để nếu trúng tuyển thì có thể được học gần nhà. Mong rằng ước mơ sẽ sớm trở thành hiện thực với cậu học trò giàu nghị lực này.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.