Nghêu chết trắng đồng Gò Công (Tiền Giang)

Nghêu chết trắng đồng Gò Công (Tiền Giang)

(GD&TĐ) - Một lần nữa tai họa đã thực sự ập lên bà con nuôi nghêu vùng biển Gò Công (Tiền Giang), khi đầu tháng 3/2011 nghêu nuôi chỉ chết rải rác trên diện tích 62 hecta thì hiện nay (đúng 1 tháng sau) diện tích nghêu bị thiệt hại đã lên tới trên 158 hecta và tiếp tục có xu hướng lan rộng. Trong khi hiện nay, các cơ quan chức năng và nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây chết nghêu và có biện pháp hạn chế thiệt hại. 

Lại một mùa nghêu “trắng tay”

Những ngày này, vùng biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) trở nên vắng lặng lạ thường, xa xa là từng chồi canh nghêu chỏng trơ giữa bãi biển mênh mông, bên này lác đác vài người tranh thủ thu hoạch lượng nghêu tới kỳ thu hoạch còn sót lại. Khác hẳn với không khi thu hoạch khẩn trương, từng đoàn lên tới hàng trăm người lũ lượt kéo nhau đi cào nghêu vào thời điểm cách đây 2 năm. Bởi hiện nay, nghêu nuôi ở vùng biển này đang “chết trắng” cả bãi biển

Đây là tai họa lần thứ 2 liên tiếp khi mà chỉ mới năm rồi đây, khu vực nuôi nghêu này đã thiệt hại trên 900 hecta và đã làm cho gần 260 tỷ đồng của bà con nông dân trôi theo bọt biển. Vì vậy mà nhiều bà con nuôi nghêu đứng ngồi không yên, lo lắng đến tột cùng.

Ông Trần Văn Năm - một chủ sân nghêu ở xã Tân Thành với bộ dạng thẩn thờ, đôi mắt trắng dã vì không ngủ nhiều đêm giãy bày: “Năm ngoái, con nghêu đã làm tôi “lãi âm” gần 500 triệu đồng vì sân nghêu hơn 4 hecta coi như mất trắng. Tháng 8/2010, tôi gom góp toàn bộ số vốn còn lại trong gia đình cộng với vay mượn hai bên nội ngoại mấy đứa trẻ được gần 400 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào sân nghêu này. Vậy mà hơn tháng nay, cứ mỗi con nước lên xuống là nghêu lại chết nhiều thêm với tỷ lệ thiệt hại hiện nay lên đến 60% và còn có thể nặng thêm”.

Hàng ngàn người sống bằng nghề cào nghêu bị ảnh hưởng bởi nghêu chết
Hàng ngàn người sống bằng nghề cào nghêu bị ảnh hưởng bởi nghêu chết

Theo ông Ngô Phi Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Thành, đến giữa tháng 3/2011, đã có 160 hecta sân nghêu chết hàng loạt với tỷ lệ chết bình quân từ 30% đến 60%. Tuy nhiên, hiện nay số liệu thiệt hại chính thức chưa thống kê được, bởi hầu như dân báo nghêu chết trên khắp 900 ha sân nghêu của xã.

“Nghe nghêu chết rải rác nhiều nơi nhưng sân nghêu của tôi vẫn bình thường, tưởng đâu thoát nạn, ai ngờ đâu mới sáng nay tôi ra thăm thì thấy nghêu chết trắng sân rồi. Giờ tôi phải làm sao để cứu mấy con nghêu còn lại để mong lấy vốn đây, nhờ các anh giúp dùm cho dân nhờ”, ông Nguyễn Văn Minh - ấp Cầu Muống - nạn nhân mới của đợt nghêu chết năm nay uể oải báo với UBND xã Tân Thành.

Dựa vào kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi nghêu của mình, cộng với những theo dõi sát tình hình nghêu chết trong thời gian qua, ông Minh cho biết, hiện tượng nghêu chết năm nay giống hệt như năm rồi với những biểu hiện môi trường như: độ mặn và nhiệt độ cao, gió chướng thổi mạnh. Tuy vậy, họ cũng đành bất lực nhìn nghêu chết vì không biết xử lý thế nào.  

Tình hình nghêu chết nhiều và trên diện rộng như hiện nay, có thể dự đoán trước một kết quả “đắng cay” của của các chủ sân nghêu. Bởi hiện nay, đa số các sân nghêu chỉ mới thả giống được 6-8 tháng (thời gian nuôi trung bình từ 1-1,5 năm) nên chưa đến cỡ thu hoạch. Giá nghêu cũng đã giảm từ 30.000 đồng/kg (loại 40 con/kg) xuống 22.000 - 23.000 đồng/kg, nhưng các thương lái cũng kiếm đủ lý do để ép giá nông dân.

Vẫn “mù” nguyên nhân

Quả thật nghề nuôi nghêu là cứu cánh của người dân vùng biển, chính con nghêu đã đem lại khá giả cho nhiều nông dân, bởi từ khi nghề nuôi nghêu phát triển ở vùng này thì nhiều nông dân đã thoát nghèo vươn lên khá giả. Từ đây cũng đã sản sinh ra những “đại gia nghêu” như “Chín Nhịn”, “Bảy Vinh”, “Sáu Mánh”,… với hàng chục hecta nuôi nghêu thương phẩm với lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng.  

Tuy nhiên, hai năm nay con nghêu lại trở thành “của nợ” do đây là lần thứ hai liên tiếp nghêu chết nhiều và thiệt hại nặng, nhưng chưa rõ nguyên nhân và cũng chưa có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Hiện nay, người nuôi nghêu rất lo lắng, hoang mang và khẩn thiết yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan chức năng sớm xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp hữu hiệu để hạn chế thiệt hại. Ông Lê Văn Tám – có bãi nghêu ở ấp Bà Canh, xã Tân Thành khẩn thiết: “Giờ tôi chỉ mong sao các nhà khoa học và các cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp nhanh chóng hướng dẫn nông dân chúng tôi cách nào để nghêu không tiếp tục chết, cách nào để hạn chế thiệt hại. Chứ kiểu này chắc người nuôi nghêu chúng tôi trở lại “thuở cơ hàn”.

Nghêu chết trắng đồng
Nghêu chết trắng đồng

Về nguyên nhân nghêu chết năm nay, một cán bộ xã Tân Thành đồng thời cũng là người nuôi nghêu nhận định: gió chướng thổi mạnh bất thường và kéo dài, độ mặn lên cao, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm làm cho con nghêu bị “sốc” và chết.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Công Minh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang (người trực tiếp phụ trách lĩnh vực thủy sản) thì: Kết quả quan trắc môi trường ở vùng nuôi nghêu Tân Thành chưa thấy xuất hiện yếu tố gây bất lợi cho con nghêu. Các yếu tố như: độ mặn, nhiệt độ và môi trường nước vẫn bình thường. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đã gửi mẫu nghêu chết đến Viện nghiên cứu Thủy sản 2 để xét nghiệm nhằm tìm nguyên nhân gây chết nghêu, nhưng chưa có kết quả.

Để hạn chế thiệt hại trên nghêu, theo một cán bộ ngành nông nghiệp, đối với những hộ có điều kiện cần di chuyển nghêu đến một nơi an toàn. Còn đối với những hộ khác thì cần san thưa hoặc khẩn trương thu hoạch. Cần thu gom những con nghêu chết, tránh làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con nghêu còn sống sót. Song song đó, nông dân cần làm vệ sinh sạch sẽ các bãi nghêu bị chết để tránh ảnh hưởng về sau.

Nghêu chết, người nuôi nghêu bị thiệt hại đã đành, những người lao động nghèo sống bằng nghề cao nghêu cũng bị ảnh hưởng. Theo UBND xã Tân Thành, có gần 2.000 lao động ở trong xã và các địa phương lân cận sống nhờ vào con nghêu, với hơn 300 nghìn ngày công lao động/năm. Làm nghề cào nghêu, những thanh niên có sức khỏe có thể kiếm được thu nhập trên 100.000 đồng/ngày; người già, phụ nữ cũng kiếm thu nhập hơn 60.000 đồng/ngày.

Năm 2010, nghêu nuôi thiệt hại nặng, nghề nuôi nghêu Tiền Giang chưa kịp phục hồi thì nay lại tiếp tục bị một đòn chí mạng, người nuôi nghêu điêu đứng. Không những thế, nghêu chết còn kéo theo hàng loạt các hệ lụy khác như: lao động mất việc làm, thiếu nguyên liệu cho chế biến và có thể làm kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 không đạt kế hoạch, đúng là “Phước bất trùng lai; Họa vô đơn chí”.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của chúng tôi vào ngày 05/4, diện tích nghêu chết là trên 300 hecta, tỷ lệ thiệt hại từ 15-80% và khu vực xảy ra nghêu chết từ cầu Du lịch (cổng khu du lịch biển Tân Thành) trải dài đến sân nghêu của Ban quản lý Cồn Bãi (đơn vị được UBND huyện Gò Công Đông giao quản lý 320 hecta sân nghêu của huyện). Và theo phản ánh của bà con nông dân, có điều lạ là nghêu chỉ chết từ nửa sân trở vào bờ.

Công Bằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.