Nghề tuyển dụng: Cơ hội song hành thử thách

GD&TĐ - Tuyển dụng là một bộ phận hành chính không thể thiếu của một doanh nghiệp hay tổ chức bất kỳ vì đó là khâu quan trọng để xét duyệt nguồn lực đầu vào. Vị trí nhân viên tuyển dụng thường được đào tạo chuyên môn liên tục, có tương lai nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá, song cũng gặp phải nhiều thách thức trong thời đại 4.0.

Nghề tuyển dụng: Cơ hội song hành thử thách

Nghề hot vì nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam, sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2019. Thông qua một khảo sát của VietnamWorks thì có 74% nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%, trong đó 15% sẽ tăng từ 30 - 40%; 15% tăng từ 40 - 50% và 3% tăng đến trên 50%.

Danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/đầu tư - bán hàng - hành chính/thư ký - kế toán - IT/phần mềm - marketing - chăm sóc khách hàng - kiểm toán - Internet/online media và xây dựng. Đặc biệt, hình thức tuyển dụng số lượng theo dự án (RPO) hoặc hình thức “tuyển dụng trọn gói cho doanh nghiệp mới” (one stop - recruiting) cũng sẽ được các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp nước ngoài đưa vào Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự đáp ứng rất lớn từ nguồn nhân sự làm công tác tuyển dụng.

Cách đây 5 năm, chỉ qua email và điện thoại, việc chuyên viên tuyển dụng tìm kiếm ứng viên rất khó khăn. Bây giờ công việc đã dễ dàng hơn khi có thể xem tài khoản mạng xã hội và những giao tiếp của ứng viên trên mạng. Một chuyên viên tuyển dụng trong thời đại 4.0 thường hay theo dõi trang cá nhân, một số nhóm trên facebook và vào LinkedIn để xem lịch sử công tác và thành tích của ứng viên.

Người làm nghề tuyển dụng có thể xuất thân từ những chuyên môn khác nhau như tài chính, luật, xã hội học, sư phạm, truyền thông, marketing… chứ không nhất thiết phải tốt nghiệp chuyên ngành nhân sự. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công việc ở vị trí này, đòi hỏi họ phải thuần thục các kỹ năng “research” - tìm kiếm, tra cứu, phân tích, đánh giá.

Nhân viên mới tiếp nhận công tác tuyển dụng thường nhận được mức lương khởi điểm từ 6-8 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm làm việc liên tục ở vị trí này, người lao động có thể chuyển đổi sang công việc tương tự với quy mô lớn hơn, hưởng mức lương gần gấp đôi. Nếu thành thạo Anh ngữ, các vị trí tuyển dụng nội bộ, tuyển dụng khu vực của các tổ chức nước ngoài sẽ đem đến cho họ mức lương trên 1.000 USD.

Những cơ hội và thách thức

Đầu tiên, việc tìm kiếm ứng viên trở nên dễ dàng hơn do thông tin cá nhân được công bố trên mạng xã hội đa dạng hơn trước. Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, chuyên viên tuyển dụng có thể kết nối với các ứng viên tiềm năng từ rất lâu trước khi có nhu cầu tuyển dụng. Các ứng dụng trên mạng xã hội giúp họ lập danh sách ứng viên, giới thiệu nhu cầu tuyển dụng trên các fanpage, các nhóm hoặc những từ khóa chủ đề mà ứng viên quan tâm.

Sự ra đời của các startup làm dịch vụ tuyển dụng giúp cho hệ sinh thái tuyển dụng đa dạng hơn. Những công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), trí thông minh nhân tạo (AI), hệ thống CRM… tạo ra nền tảng cho chuyên viên tuyển dụng quản trị hồ sơ, trả lời ứng viên, gia tăng hiệu suất làm việc.

Bên cạnh những thuận lợi, công nghệ cũng tạo ra không ít khó khăn cho công tác tuyển dụng cũng như quản trị nhân sự. Trong thời đại 4.0, rào cản giữa doanh nghiệp và môi trường bên ngoài gần như bị xóa nhòa, nhân viên của doanh nghiệp có khả năng tương tác rộng và nắm bắt nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Họ sẽ so sánh các tiêu chí của các doanh nghiệp và quyết định… nhảy việc. Như vậy, sự biến động nhân sự tăng lên rất nhiều lần. Khả năng mất việc của chuyên viên tuyển dụng còn cao hơn khi các ứng dụng và nền tảng mới kết hợp để thay thế một phần hay toàn bộ công tác tuyển dụng.

Công nghệ cũng khiến quy trình tuyển dụng rút ngắn với tốc độ chóng mặt, đòi hỏi chuyên viên tuyển dụng phải cập nhật thông tin liên tục để “săn” về cho doanh nghiệp những ứng viên sáng giá. Sự cạnh tranh này còn nghiệt ngã hơn khi các doanh nghiệp sử dụng nguồn thuê ngoài (out-soucering) thay vì duy trì đội ngũ tuyển dụng cơ hữu. Điều này có nghĩa là các chuyên viên tuyển dụng làm việc trong một doanh nghiệp chuyên sâu về công tác tuyển dụng, với những áp lực cạnh tranh khá lớn nhằm tìm kiếm nhân sự về cho khách hàng của mình.

Đường thăng tiến rõ ràng

Quá trình thăng tiến của nghề tuyển dụng có thể theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Ví dụ, theo chiều dọc là từ một chuyên viên tuyển dụng lên trưởng phòng tuyển dụng, rồi giám đốc nhân sự. Theo chiều ngang là một trưởng phòng tuyển dụng có thể kiêm nhiệm hoặc được điều phối sang làm trưởng phòng đào tạo và phát triển...

Các chuyên gia cho rằng, có 3 bước chính để dẫn đến thành công của một chuyên viên tuyển dụng theo cấp độ từ thấp đến cao: hành chính, quản trị, chiến lược. Các công việc hành chính như: quản lý hồ sơ, trợ lý tuyển dụng, đào tạo... cũng chính là một phần của công tác nhân sự. Ở mức chuyên nghiệp như quản trị hay chiến lược còn bao gồm cả việc xây dựng văn hóa công ty, xây dựng giá trị cốt lõi và triết lý doanh nghiệp... Bộ phận nhân sự có các phòng ban chính: Recruitment (tuyển dụng), T&D (đào tạo và phát triển), C&B (lương và phúc lợi). Ở một số công ty lớn, một chuyên viên tuyển dụng “cứng” sẽ phụ trách toàn diện các vấn đề nhân sự của một bộ phận kinh doanh.

Để thành công trong nghề này, cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt cách nhìn của người lao động, các vấn đề liên quan đến đời sống công sở, nghệ thuật giao tế... Đó là lý do vì sao nhiều người làm công tác tuyển dụng tích cực tham gia “cộng đồng ảo” để tìm hiểu “đời sống thực” của ứng viên. Nghệ thuật quản lý, những tuyệt chiêu của nhà tuyển dụng, lý do nhân viên nghỉ việc… là những vấn đề đang được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn nghề nghiệp.

Để chuẩn bị tốt cho nghề, chuyên viên tuyển dụng có thể tham khảo các trang web như: Humanresources.about.com, Yorku.ca/hr/... hay những quyển sách như: Nhà quản trị một phút của Kenneth Blanchard và Spence Johnson; Quản lý tình huống: Giữ hiệu quả công việc khi gặp khó khăn của Karl E.Weick và Kathleen M.Sutcliffe; Thu hút và giữ chân nhân tài của Richard Luecke; Quản lý nhân sự của Robert L.Mathis và John H.Jackson...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ