Nghề têm trầu cánh phượng

Nghề têm trầu cánh phượng

(GD&TĐ) - Nếu trầu cau có triết lý của nó thì bà Bốn đang âm thầm tô đẹp cái triết lý ấy. Còn với người trong vùng, hơn 60 năm qua, bà là người “đưa chuyện” cần mẫn, tô thắm cho biết bao đôi uyên ương hồ điệp… 

Nghề gia truyền

Sau cơn mưa bất thường cuối mùa hạ oi bức, buổi chợ chiều ở “Thành Đồ Bàn” (trung tâm thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn – Bình Định) sầm sập tối. Buổi chợ vãn sớm hơn mọi hôm, thế nhưng ở một góc chợ ướt át, một cụ bà vẫn còn ngồi miệt mài têm nốt những miếng trầu cho đám cưới sẽ diễn ra vào ngày mai.

Hai tay thoăn thoắt quệt vôi, cuộn những lá trầu, cụ bà Huỳnh Thị Bốn (74 tuổi) ở thị trấn Bình Định móm mém kể: Tôi tiếp nhận cái nghề têm trầu này từ bà ngoại và mẹ tôi như một cái nghề gia truyền. Đời tôi là đời thứ ba gắn bó với những lá trầu, quả cau. Lúc mới 13 tuổi, tôi đã lon ton chạy theo gánh trầu của mẹ đi về những buổi chợ đêm được họp trong cửa Đông của Thành Đồ Bàn (còn gọi làThành Hoàng Đế, Thành Bình Định) để giúp mẹ bày biện những mẹt trầu, cau. Nhà ai trong vùng có đám cưới cũng đều tìm đến hàng trầu của mẹ để thuê mẹ têm trầu, chẻ cau cho sính lễ. Nhìn mẹ làm, tôi ngấm ngầm bắt chước. Têm trầu không có gì là khó, nhưng lúc ấy, mẹ không cho tôi làm công việc này, bởi tôi chưa đủ tuổi. Mẹ bảo, têm trầu phải là người lớn tuổi, đã có đôi có cặp và gia đình phải hòa thuận, hạnh phúc thì miếng trầu sính lễ mới mang lại điềm lành cho đôi tân hôn. Những người bán hàng trầu mà đã bị “lẻ đôi” thì không ai đến nhờ têm trầu cho những lễ hỏi, đám cưới, họ e ngại đôi tân hôn sẽ mắc điềm xấu trong đời sống lứa đôi.

Mẹ tôi là người mát tay, lại sống vào thời phụ nữ chớm có tuổi là đã biết ăn trầu nên bạn hàng của mẹ tôi nhiều lắm, hết têm trầu cho đám cưới lại mua mua, bán bán liền tay. Khi ấy đang thời buổi chiến tranh, mua bán rất cơ cực, người bán kẻ mua đông đảo nhưng rất lặng lẽ dưới ánh sáng leo lét của những chiếc đèn dầu phộng. Trong mỗi lều chợ đều có đào một cái hầm trú ẩn, mỗi khi nghe có tiếng máy bay của Pháp gầm rú trên trời là ai nấy đều lập tức tắt phụt đèn, chui xuống hầm trú ẩn. Xong lại chui lên đốt đèn, bày mẹt bán tiếp. Đến khoảng 10 giờ đêm thì chợ tan, mẹ con gồng gánh, người xách đèn dắt díu nhau về nhà”.

Miếng trầu cánh én
Miếng trầu cánh én

Qua thời niên thiếu, lớn lên có gia đình ra ở riêng, bà Bốn lại sắm cho mình một gánh trầu riêng và chính thức theo nghề gia truyền tại chợ Bình Định. Đến lúc này thì đa số phụ nữ đã bỏ dần thói quen ăn trầu. Chỉ còn các cụ bà đã nghiện cái vị đăng đắng của lá trầu, vị nồng nồng của vôi và vị chát chát của quả cau mới còn tìm đến hàng trầu của bà Bốn. Thế nhưng, cái nghề têm trầu và gánh hàng trầu của bà Bốn vẫn còn đất sống nhờ vào các mâm lễ cúng ngày rằm, cúng vọng trang Bà hoặc mâm cúng ngày tết và đặc biệt là hàng đặt cho những đám ăn hỏi, đám cưới. 

“Thấy lòng ấm áp”

Bà Bốn nói: “Ông bà xưa có câu ‘Miếng trầu là đầu câu chuyện’. Vì vậy, dù là người tân thời đến mấy thì trong những đám cưới hỏi cũng cần phải có mâm trầu cau nên tôi có việc làm hoài hoài. Nếu một cái lễ, họ đàng trai đi 2 cặp trà cặp rượu thì sẽ kèm theo 2 hộp trầu gồm 12 miếng trầu têm và 12 miếng cau. Gia đình khá giả sẽ đặt làm hẳn những mâm trầu gồm cau nguyên buồng (thường là 105 trái) và những lá trầu được xếp quyện vào buồng cau tượng trưng cho sự gắn kết”.

Nghe bà Bốn kể chuyện, hóa ra cái nghề têm trầu cũng phải biết cải tiến. Ngày xưa, miếng trầu têm rất đơn giản, quệt vôi lên lá trầu, xếp hai bên lại rồi cuộn tròn như đầu ngón tay cái là xong. Bây giờ miếng trầu têm phải có hình cánh én. Bà Bốn lấy trên mẹt một lá trầu minh họa cho chúng tôi xem. Rất gọn gàng, bà dùng chiếc dao nhỏ cắt 2 bên đuôi lá trầu thành hai chiếc cánh én thì dừng lại rồi dùng đầu cây bút bi chọc thủng giữa miếng trầu, gặm cuống lá trầu vào đó để giữ không cho miếng trầu bung ra. Loáng chốc bà Bốn đã hoàn thành một miếng trầu cánh én. Chẻ cau cũng vậy. Ngày xưa quả cau chỉ cần gọt bóc hết lớp vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành 6 miếng rồi gắn lại như những ngón tay đan vào nhau thì nay phải biết chẻ quả cau thành hình bông sen thì mới ăn khách.

Bà Huỳnh Thị Bốn
Bà Huỳnh Thị Bốn

Cũng là cái nghề mưu sinh nhưng cái gánh hàng trầu và công việc têm trầu đám cưới của bà Bốn cho thu nhập chẳng là mấy. Trong năm, chỉ từ tháng 4 đến tháng 6 Âm lịch là công việc khấm khá đôi chút vì những tháng này nhiều ngày tốt, đám cưới nhiều. Thế nhưng dù đắt hàng đến mấy, mỗi ngày bà Bốn cũng chỉ têm được 10 hộp trầu, mỗi hộp chỉ được trả công có 5.000 đồng. Nếu ai đặt mâm cau buồng thì kiếm khá hơn, từ 200.000 – 300.000 đồng nhưng thảng hoặc mới có một mối như vậy. Những tháng kia thì mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn là đã mừng. Bà Bốn tâm sự: “Ông bà cho cái nghề nào thì giữ nghề ấy chứ mưu sinh bằng những lá trầu, miếng cau thì chỉ cầu đủ kiếm gạo chạy bữa. Vào mùa (từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch) thì một quả cau chỉ bán có 200 đồng, hết mùa mới tăng giá được 1.000 đồng/quả. Còn trầu thì luôn chỉ giữ giá 200 đồng/lá. Lắm lúc nhiều ngày liền bán không hết, trầu héo, cau úa thì đành chịu lỗ vốn. Thế nhưng bỏ nghề thì tôi quyết không bỏ - bởi làm cái nghề này cũng có cái vui. Nhiều cặp vợ chồng trong ấm ngoài êm, họ tin là nhờ miếng trầu tôi têm “vầy” được duyên nên thỉnh thoảng đến thăm tặng quà thưởng công cho tôi. Dù không có gì to tát nhưng tôi thấy lòng ấm áp lắm!”.

Sau câu chuyện đầy hào hứng, bỗng dưng bà Bốn trầm buồn rồi nói thêm: “Không biết qua cái đời của tôi rồi có còn ai làm cái nghề này nữa không. Ngay cả 2 đứa con gái tôi giờ cũng đã không màng đến cái nghề “nghèo nàn” của gia đình 3 đời mẹ truyền con nối thì tôi chắc sẽ không còn ai màng đến công việc này”. Thực tế đang cho thấy như vậy. Cả một cái chợ khá lớn như chợ Bình Định mà chỉ có một hàng trầu của bà Bốn, mà năm nay bà đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi”… 

Vũ Đình – Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.