Ngay từ trước khi cả nước thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, số đông người tiêu dùng đã tích cực tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến sau đó nhận hàng tại nhà thay vì dạo chợ, đi mua sắm tại siêu thị hay các trung tâm thương mại… Điều này khiến cho lượng đơn hàng mà các shipper nhận được cũng tăng lên đáng kể.
Anh Nguyễn Lại Định (Q. Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Mình làm nhân viên giao hàng từ năm 2018. Với công việc này, sau khi trừ các chi phí như tiền xăng xe, tiền điện thoại… thì mỗi nhân viên cũng có thể kiếm được khoảng 450 - 500 ngàn đồng một ngày. Trong mùa dịch Covid lượng đơn hàng có tăng hơn so với ngày thường nhưng chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm”.
Là nhân viên giao đồ ăn trên địa bàn Q. Cầu Giấy anh Đoàn Nguyên cho biết: “Đặc thù của shipper giao đồ ăn là yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian và khâu vận chuyển nhưng bù lại, người giao hàng có được mức thu nhập ổn định hơn so với chạy xe ôm công nghệ. Có rất nhiều người bạn của mình cũng làm nghề này”.
“Từ khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường, hàng quán cũng đóng cửa thì nhu cầu giao đồ ăn thức uống tận nhà tăng lên thu hút thêm nhiều người làm thời vụ”, anh Nguyên thông tin.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng người tham gia vận chuyển hàng hóa trên địa bàn Tp Hà Nội, thế nhưng trên các tuyến phố đều không khó để có thể nhận ra đội ngũ nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực này. Việc shipper phải di chuyển giữa nhiều địa bàn, tiếp xúc với nhiều người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, thiếu an toàn trong mùa dịch.
Để phòng chống lây nhiễm Covid-19 với đội ngũ nhân viên giao hàng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng… lập danh sách các shipper đến nhận hàng, vận chuyển hàng hóa của cửa hàng để có thông tin liên lạc khi cần thiết.
Danh sách bao gồm các thông tin về họ tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và các đơn vị phải thường xuyên cập nhật. Các đơn vị này cũng cần tổ chức giám sát, không cho phép các shipper có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp như sốt, ho vào nhận hàng; thực hiện các biện pháp để quản lý nhân sự, quá trình làm việc của các shipper, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng khi cần xác minh thông tin, lịch trình di chuyển của shipper.
Bên cạnh đó, nhân viên giao hàng cũng cần phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn để phòng chống dịch bệnh. Theo kinh nghiệm của anh Định thì: “Ngoài việc bắt buộc phải trang bị khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn khi đi làm thì mỗi người cũng cần thường xuyên theo dõi thông tin đế nắm được khu vực nào, tuyến phố nào hiện đang phải thực hiện cách ly, theo dõi để tránh không đi vào, cũng như thục hiện giao hàng tại các địa chỉ đó”.
Trao đổi với PV, anh Định và anh Nguyên đều đồng tình: “Dù ở nước ta dịch bệnh được kiểm soát tốt ngay từ đầu nhưng không vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch. Nhân viên giao hàng nên chủ động thực hiện khuyến cáo giữ khoảng cách 2m với người nhận hàng, trang bị thêm găng tay và nếu được thì khách hàng nên thực hiện phương thức thanh toán chuyển khoản”.