Nghệ nhân diều

Nghệ nhân diều

(GD&TĐ) - 62 tuổi đời, ông đã có 55 năm lăn lộn với thú chơi diều, đồng thời cố giữ lại những nét văn hóa diều Việt cho giới trẻ. Ông là Nguyễn Thanh Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Phượng Hoàng ở quận 8, TP.HCM, người đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở bộ môn Diều nghệ thuật. Ông Vân cũng đã ghi tên mình vào danh sách những kỷ lục gia Việt Nam năm 2006 với mẫu diều rồng độc đáo.

Từ cánh diều tuổi thơ 

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Vân sinh năm 1950 tại TP.HCM. Nhiều người cho rằng cuộc đời của ông gắn với những cánh diều cũng không ngoa chút nào, bởi hiện đã lên chức ông nội, ông ngoại, mái tóc lốm đốm bạc nhưng ông vẫn còn niềm vui “trẻ thơ” với diều. Ông Vân nhớ lại: “Hồi ấy, mấy anh em tôi ai cũng mê chơi diều. Lên bảy tuổi, tôi đã theo các anh đi thả diều ở các khu đất trống gần nhà. Có lần con diều của tôi bị đứt dây, bay mất, tôi đã khóc hết nước mắt. Sau đó, tôi năn nỉ người anh làm cho một con diều khác nhưng chờ mãi vẫn không có. Tức quá, tôi tự lấy dao đi vót tre, cắt giấy làm diều. Do làm không quen, bị tre đâm rách tay, chảy máu nhưng tôi vẫn không nản mà quyết tâm làm cho bằng được. Cặm cụi gần một tuần, tôi cũng làm được một con diều bé xíu. Tôi rất yêu quý con diều mình làm ra, sau mỗi buổi thả, tôi đem về cất ở đầu giường mình ngủ. Từ đó về sau, tôi luôn tự mình làm diều để chơi, cũng như làm theo yêu cầu của bạn bè hàng xóm. Riết rồi gắn bó với nó cho tới bây giờ, không thể rứt ra được…”

Ông Vân và con diều rồng dài 100m
Ông Vân và con diều rồng dài 100m

Khi đã trở thành một thợ điện tại Chợ Lớn, dù rất bận rộn nhưng ông Vân vẫn không quên thú thả diều. Ông bắt đầu mày mò làm ra những con diều với kích thước, hình dáng khác nhau. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, lưới điện giăng dày đặc, nhà cao tầng mọc lên san sát, cái khoảng không gian dành cho việc thả diều bị thu hẹp lại, nhưng không vì thế mà cái “máu” mê diều trong ông ngừng chảy. Ông tiếp tục tìm đến các vùng ven, vùng ngoại thành để tiếp tục theo đuổi thú vui của mình. Rồi như có duyên số, năm 2000, ông cùng một số bạn chơi diều thành lập CLB diều Phượng Hoàng do Trung tâm Văn hóa Thông tin Q.8 làm chủ quản. Từ đó, ông có nơi để “đi về”. Cái tên Đồng Diều mà người ta đặt cho một địa danh ở địa bàn này cũng xuất phát từ thú chơi diều của ông Vân và những người trong CLB. Theo ông, đi mua một con diều rồi tìm bãi đất trống thả thì chẳng có gì thú vị, chơi diều là phải tự biết làm diều, phải biết tự sáng tạo ra con diều theo ý mình. Ông Vân chia sẻ: “Thả diều, chơi diều không chỉ là một trò chơi dân gian, mà thực sự là một bộ môn thể thao mang tính nghệ thuật cao, có sức cuốn hút kỳ lạ. Khi thả diều, không những người ta phải vận động toàn thân mà tinh thần cũng thư thái lạ kỳ. Đừng nghĩ có tiền là có thể chơi diều được, bỏ tiền ra mua nhưng không biết được điểm yếu, điểm mạnh của con diều, không biết lựa hướng gió để thả thì coi như diều ‘gãy cánh’…”

Cũng theo ông Vân, để có được một con diều sặc sỡ tung bay trên bầu trời cao, người chơi phải trải qua nhiều công đoạn khó khăn, vất vả. Từ việc chọn mua các loại tre từ miền Trung, rồi vót, chuốt sao cho đều để cánh diều không bị nghiêng khi được thả, rồi đến dán vải dù và vẽ, tô điểm các màu sắc cho con diều được đẹp hơn. Và nét độc đáo nhất chỉ có ở diều Việt Nam mà không diều nước nào có, đó là sáo được gắn trên thân diều, khi diều bay lên tạo ra những âm thanh trầm bổng nghe rất vui tai và thích thú. 

Đến những giải thưởng lớn 

Hơn 50 năm trong nghề, ông Vân đã tham gia không biết bao nhiêu Festival, hội thi diều trong nước, quốc tế và giành rất nhiều giải thưởng 

Tính đến nay, ông đã chế tác trên 200 mẫu diều khác nhau, từ diều sáo, diều hình chim, cá, rồng, phụng, đại bàng đến diều hình cờ Tổ quốc, hoa lá, rùa…Đặc biệt, mẫu diều mang hình lá cờ Tổ quốc của ông đã tạo ấn tượng đặc biệt với hàng vạn du khách lẫn khán giả truyền hình cả nước tại Liên hoan Những cánh bay Việt Nam trong khuôn khổ Festival Huế 2006. Tại Festival biển Vũng Tàu cũng năm 2006, con diều mang hình rồng, dài 100m, chiều ngang 1,70m, đầu rồng dài hơn 1m, đã được xác lập kỷ lục là diều lớn nhất Việt Nam. Ông nói: “Việc ra đời của mẫu diều hình con rồng xuất phát từ ý tưởng tôn vinh giá trị văn hóa nòi giống con Rồng cháu Tiên, khẳng định niềm tự hào dân tộc lớn lao”. 

Không chỉ tham gia hầu hết các buổi giao lưu, biểu diễn diều cùng các CLB, đội nhóm trong cả nước, ông Vân còn mang diều gia nhập các sân chơi quốc tế. Tại Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2009 tổ chức tại Trung Quốc, con diều sáo sải cánh 4m, dài 3m đã mang về cho ông giải bạc. Tại Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2010, tổ chức tại Ấn Độ với sự góp mặt của 47 quốc gia, con diều hình chim phượng hoàng (sải cánh 6m, dài 12m) của ông Vân đã đoạt giải nhất. Ông cũng đã góp vào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội con diều liên hoàn, được kết nối từ 320 con diều rô với đủ 7 sắc cầu vồng, có tên gọi “Việt Nam bay cao”. “Hiện, tôi đang thực hiện các mẫu diều phóng tác từ hình dáng những mô hình gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng của những vùng, miền như: Lăng Bác Hồ, chợ Bến Thành, bến cảng Nhà Rồng, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Cột cờ Hà Nội…” – ông Vân bật mí.

Ông Vân đang nghiên cứu mẫu diều
Ông Vân đang nghiên cứu mẫu diều

Đưa diều vào trường học

Với mong muốn gìn giữ thú vui tao nhã, ông đã lập kế hoạch Đưa diều vào trường học và đã có được những thành công ban đầu, khi kết hợp với các trường để dạy các em làm diều trong môn kỹ thuật. Nhìn các cháu nhỏ chạy quanh sân trường kéo những con diều tự tay làm được ông sung sướng nói: “ Như vậy là tụi nhỏ vẫn còn thích, vẫn mê chơi diều, điều đó chứng tỏ vẫn sẽ có những lớp kế cận cái thú vui tao nhã này”. 

Mỗi năm vào dịp hè, CLB của ông Vân cùng Trung tâm Văn hóa quận 8 đều kết hợp với các trường mở các lớp dạy làm diều, chơi diều để tạo sân chơi bổ ích cho các em, đồng thời giúp các em phát huy những kỹ năng, năng khiếu của mình. Hiệu quả của hoạt động này đã thấy rõ nhưng ông Vân vẫn còn băn khoăn, khi sân chơi cho thú vui này gần như không có, mà trẻ thơ thì thích thực hành hơn là học lý thuyết, đưa đi thả diều vài lần là mê ngay. Điều đó khiến ông luôn ước ao có những khoảng đất trống để ông và các em cháu được thỏa thích chạy nhảy, ngắm nhìn những cánh diều vút cao, xa thẳm. 

Không chỉ băn khoăn điều đó, ông Vân còn lo lắng lớp trẻ đô thị sẽ không còn biết diều là gì nên gần hai năm qua, ông tập trung vào viết sách. Ông cho biết sẽ có một cuốn giáo trình chuyên về diều, dày gần 200 trang ra mắt bạn đọc trong thời gian gần nhất. “Thật sự là cho đến nay, chưa có một tài liệu nào viết về kỹ thuật làm diều, chơi diều, cũng như tác dụng của nó đến đời sống trẻ thơ. Tôi viết quyển sách này từ kinh nghiệm và niềm đam mê của bản thân, như một thứ cẩm nang dành cho lớp trẻ” –ông Vân bộc bạch 

Mối tình… diều 

Tuy nhiên, có một điều mà ít ai biết được, người đứng sau niềm đam mê diều, cùng những thành công của ông chính là bà Trần Thị Thu Thủy, vợ ông. Diều là một thú chơi khá tốn kém. Nhưng sau mỗi đợt liên hoan, lễ hội, festival, cái ông Vân mang về nhà chỉ là những tấm bằng khen, giấy chứng nhận các giải thưởng, còn tiền thưởng chỉ tượng trưng, đa phần bị… lỗ, nhưng cả ông bà đều rất vui. Từ ngày được vinh danh là nghệ nhân, kỷ lục gia, được các nơi mời làm diều thả vào các dịp lễ hội, ông Vân dường như chẳng còn thời gian làm gì cho gia đình ngoài… diều. Nhưng bà Thủy luôn cảm thông, chia sẻ với ông, giúp ông cáng đáng mọi việc trong nhà. Bà và ông ở cùng xóm, cùng thích điều và trở thành đôi bạn thả diều từ thời thơ ấu. Sau này lớn lên, ông và bà cũng yêu nhau trên đồng diều rồi cưới nhau. Tuy cuộc sống không mấy khá giả nhưng ông bà rất hạnh phúc. Mỗi khi thử nghiệm mẫu diều mới, bà Thủy thường sánh đôi cùng ông trên đồng diều, không khác gì thời còn son trẻ.

Đại Nghĩa – Công Luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ