Nghề giáo cần bao dung và lắng nghe để gắn bó

GD&TĐ - Nghề giáo không phải lựa chọn đầu tiên của cô Chính Phương khi học phổ thông nhưng 23 năm gắn bó đã dạy cô kiên nhẫn, bao dung, lắng nghe, yêu nghề.

Cô Lưu Thị Chính Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cùng học trò của mình. Ảnh ĐD
Cô Lưu Thị Chính Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cùng học trò của mình. Ảnh ĐD

Nghề chọn người!

Những ngày cuối thu, khi ngoài kia gió đang đưa hương hoa sữa ngập tràn khắp các con phố Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện cùng cô Lưu Thị Chính Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Cô tâm sự cũng mùa này cách đây gần 24 năm, cô bước chân vào nghề giáo.

Những ngày đầu mới đi dạy bỡ ngỡ, lo lắng, áp lực thậm chí nhiều đêm cô thao thức không biết liệu mình có thể vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu của nghề để gắn bó lâu dài không?

Trước đó, những năm học phổ thông cô Phương đặt mục tiêu trở thành luật sư để được giúp đỡ những người yếu thế đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thế nhưng, khi kết quả thi đại học của cô lại đủ điều kiện đỗ các trường Sư phạm còn trường Luật lại thiếu. Gác lại ước mơ trở thành luật sư, cô Phương quyết định theo học ngành Sư phạm tiểu học.

“Trượt ngành Luật, tôi rất buồn nhưng rồi được gia đình động viên con gái học sư phạm là phù hợp. Đến khi đi làm, tôi được tiếp xúc với học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh ngẫm ra rằng nghề chọn người rồi. Và rồi, tôi không biết mình đã yêu cái nghề trồng người khi nào không hay, chỉ biết mỗi khi đứng trên bục giảng phải dạy hết mình, truyền hết năng lượng để cho trò hiểu bài”, cô Phương trải lòng.

Ngay sau khi ra trường vào năm 2001, cô Phương xin vào dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) và được phân về dạy điểm trường ở làng Thanh Am cách trường chính 2km. Thời điểm đó, cô được phân công dạy lớp 1.

“Học sinh lớp 1 khá nhỏ, nhiều em dạy mãi các con vẫn không hiểu bài. Bù lại, các em hồn nhiên, đáng yêu và rất nghe lời, đó chính là lí do khiến tôi có thêm động lực gắn bó với nghề dù hành trình khởi nghiệp chẳng lấy làm dễ dàng”, cô Phương nhớ lại và cho biết thêm, tôi nhớ mãi cái Tết đầu tiên khi mới đi dạy, trước lúc nghỉ Tết tôi dặn học trò của mình phải giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, trang trí nhà cửa dịp Tết.

Nhiều phụ huynh kể lại, công việc ngày Tết dù rất bận nhưng khi con đòi trang trí nhà, sắm sửa Tết cả nhà cũng phải sắp xếp dành một buổi để cùng con làm.

Đang trò chuyện, nhiều lúc cô Phương như chậm lại nhớ về khoảng thời gian đầu mới đi dạy, mức lương khởi điểm chỉ có 400 nghìn đồng.

“Số tiền lương lúc đó, tôi chỉ đủ đổ xăng và trang trải cho mình. Mãi đến 2 năm sau, là năm 2003, số tiền lương đó được nâng lên thêm 450 nghìn đồng. Trong giai đoạn khó khăn ấy, có nhiều đồng nghiệp không chịu nổi vì đồng lương ít ỏi mà bỏ nghề”, cô Phương kể.

Mặc dù có sự hậu thuẫn của gia đình nhưng cô Phương cũng không khỏi chạnh lòng. Cô Phương kể: “Nếu khi đó mình chuyển đến trường khác thì lương có thể cao hơn chút nhưng tôi quý môi trường, tình cảm với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh nơi đây nên đã quyết định ở lại”.

3d986fb5777dce23976c-9667.jpg
Cô Lưu Thị Chính Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Ảnh ĐD

Dùng tình thương để giáo dục trò

Năm 2010, cô Phương thi đậu vào viên chức, trở thành giáo viên chính thức. Thời điểm này, kinh tế đất nước đã phát triển hơn, lương của giáo viên đã được cải thiện, cô Phương cũng như nhiều đồng nghiệp đỡ vất vả hơn. Cũng từ đó, cô được điều động công tác ở nhiều trường tiểu học khác nhau trên địa bàn quận Long Biên.

Cô Phương nhớ lại, năm cô dạy ở Trường Tiểu học Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), có một học sinh tên L là con của một phụ huynh là mẹ đơn thân. Đặc biệt hơn, mẹ em là con nuôi của ông bà ngoại. Sau khi chia tay, hai mẹ con về sống cùng ông bà ngoại.

Do đặc thù công việc, em chủ yếu do ông bà ngoại chăm sóc dạy dỗ. Mặc dù đã học lớp 4, em vẫn không biết tự làm những công việc cơ bản như tự xúc cơm ăn, phải nhờ các bạn cùng lớp bón. Hằng ngày đi học, bà ngoại em phải xách cặp, mở sách vở đặt lên bàn ở lớp rồi mới đi về…. Kết thúc mỗi buổi học, bà lại phải chạy vào lớp cất sách vở cho em.

Theo đó, để học sinh tự lập, cô Phương đã đề nghị với phụ huynh cần không được làm hộ, phải để em tự làm. Và mất một thời gian, em L đã tự làm hết công việc của mình.

Cũng từ những trải nghiệm thực tế đó, cô Phương rút ra cho mình bài học nghề giáo ngoài việc truyền dạy kiến thức, cần thấu hiểu tầm quan trọng của sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình trong quá trình giáo dục. Đối với lứa tuổi tiểu học, thầy cô và gia đình cần có sự sát sao, lắng nghe nhu cầu của mỗi em để từ đó có định hướng phù hợp và phát triển được thế mạnh của các em.

Cô Phương cũng chia sẻ thêm, nghề giáo khác với những nghề khác rất nhiều, niềm vui của thầy cô chính là nhìn thấy sự trưởng thành của học trò, các em tiến bộ trong mỗi giờ giảng. Đồng thời, chỉ cần học trò hiểu bài là động lực để thầy cô cố gắng mỗi ngày.

Có thời gian dài gắn bó, đồng hành cùng cô Phương, cô Nguyễn Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết cho biết: “Cô Phương là một quản lý, một giáo viên có chuyên môn tốt, luôn năng nổ với công việc. Đặc biệt, cô có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn bởi vậy hỗ trợ được cho rất nhiều đồng nghiệp trong giảng dạy cũng như tham gia các hoạt động thi giáo viên giỏi. Với học trò, cô luôn tận tâm, lắng nghe và đưa ra những phương pháp phù hợp để các em gần gũi chia sẻ cùng thầy cô”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.