Điều này cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu giáo viên toàn cầu.
Không còn được tôn trọng
Trong nhiều thế kỷ trước đây, nghề giáo là một trong những nghề được coi trọng nhất. Dạy học là nghề cao quý và giáo viên nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng từ học sinh và toàn xã hội. Ở nhiều nền văn hóa cổ xưa, giáo viên đứng ngang hàng với cha mẹ nên học sinh phải thể hiện sự tôn kính, vâng lời người thầy của mình.
Mối quan hệ giáo viên – học sinh được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, kỷ luật và trật tự, trong đó học sinh phải chăm chỉ, nghe lời, hoàn thành bài tập. Bất kỳ hình thức nào thiếu tôn trọng giáo viên là không thể tha thứ.
Tuy người dân Singapore có thái độ tích cực với nghề giáo nhưng họ cũng kỳ vọng giáo viên phải am hiểu công nghệ. 74% người dân Singapore cho rằng, giáo viên cần thiết phải được đào tạo về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy. Nhưng công nghệ sẽ không thể thay thế được giáo viên. Công nghệ chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt công việc để giáo viên tập trung cho công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể về vai trò và vị thế của giáo viên trong giáo dục. Trong đó, học sinh lẫn phụ huynh nhiều quốc gia đã giảm sự tôn trọng dành cho giáo viên.
Sự thiếu tôn trọng đối với giáo viên biểu hiện qua nhiều cách khác nhau như học sinh sử dụng giọng điệu bất kính, không làm bài tập, gây rối trong lớp, chế nhạo giáo viên công khai, coi thường thẩm quyền của giáo viên và nội quy lớp học...
Hơn nữa, nhận thức về dạy học như nghề được đánh giá cao đã suy giảm trong thời đại hiện nay. Điều này một phần do các cơ sở đào tạo tuyển dụng những giáo viên không có trình độ chuyên môn theo quy định, làm giảm chất lượng dạy học và sự tôn trọng gắn liền với nghề nghiệp. Ngoài ra, hình ảnh tiêu cực về giáo viên trên các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng đã góp phần làm giảm giá trị của nghề dạy học.
Một yếu tố gây ra thực trạng trên là sự thiếu hỗ trợ từ phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường. Giáo viên thường phải tự mình giải quyết các vấn đề kỷ luật nên họ bị choáng ngợp, áp lực và chán nản.
Khi quyền lực của giáo viên không được nâng cao, học sinh càng thiếu tôn trọng họ. Ngoài ra, học sinh cũng học tập cách hành xử từ cha mẹ chúng. Nhiều phụ huynh hiện nay can thiệp quá sâu vào việc học của con cái và muốn giáo viên phải làm theo ý mình thay vì tôn trọng phương pháp giáo dục của thầy cô.
Sự phát triển của công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần thay đổi cách học sinh giao tiếp và tương tác với giáo viên, làm xói mòn truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Có nhiều tranh cãi rằng sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), mới nhất là ChatGPT, sẽ thay thế vị trí của giáo viên trong lớp học. Ngoài ra, hiện nay có nhiều ứng dụng tự học, nhất là học ngoại ngữ, và việc đề cao tinh thần tự học cũng khiến nhiều người học nghi ngờ về giá trị và vai trò của giáo viên.
Cùng với đó, sự suy giảm tôn trọng giáo viên có thể do nhiều yếu tố khác như thay đổi xã hội, suy thoái đạo đức, tiến bộ công nghệ, thái độ đối với giáo dục...
Giáo viên bị đe dọa
Câu chuyện điển hình cho tình trạng thiếu tôn trọng giáo viên phải kể đến Hàn Quốc. Là quốc gia châu Á nổi tiếng với các kỳ thi khắc nghiệt, Hàn Quốc rất coi trọng giáo dục và đề cao vai trò của giáo viên.
Năm 2013, nước này xếp vị trí thứ 4, sau Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, về mức độ tôn trọng giáo viên trong các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thế nhưng trong những năm gần đây, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ở Hàn Quốc có dấu hiệu mai một.
Hồi tháng 7/2023, Hàn Quốc chấn động với sự việc một giáo viên ở Trường Tiểu học Seoi, quận Seocho, tự tử ngay trong trường. Nữ giáo 23 tuổi lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vào năm 2022 và làm việc tại trường từ tháng 3 năm ngoái.
Truyền thông địa phương đưa tin, trong nhiều tháng trước khi tự sát, giáo viên này đã phải chịu áp lực công việc và bị phụ huynh của một học sinh trong lớp bắt nạt. Tuy nhiên, nhà trường đã phủ nhận thông tin giáo viên này bị bạo lực và tiếp tục phối hợp điều tra cùng cảnh sát.
Trước đó một ngày, một giáo viên khác tại Seoul cũng bị học sinh lớp 6 tấn công và phải nhập viện điều trị. Cô giáo này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau vụ việc và yêu cầu gia đình phụ huynh phải chịu trách nhiệm cho vấn đề trên. Nguyên nhân là giáo viên cảm thấy mất an toàn ngay trong lớp học của mình.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, ước tính 202 trường hợp vi phạm quyền của giáo viên gây ra bởi phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh. Trong đó, 75 trường hợp chửi mắng và phỉ báng, 45 trường hợp can thiệp nhiều lần vào quá trình giáo dục, 25 trường hợp cản trở thi hành công vụ, 24 trường hợp có hành vi đe dọa và 14 trường hợp bạo lực thể chất đối với giáo viên.
Giáo viên Hàn Quốc cảm thấy không an toàn trong lớp học của mình. |
Ảnh hưởng đến số lượng giáo viên
Thiếu tôn trọng không chỉ làm giảm giá trị của nghề giáo, mà còn góp nguyên nhân vào tình trạng thiếu giáo viên. Khi giáo viên không được tôn trọng, họ bị đe dọa bởi những hành vi tiêu cực của học sinh, phụ huynh; phải làm những nhiệm vụ hành chính ngoài công việc giảng dạy. Điều đó khiến giáo viên kiệt sức, phải chuyển nghề hoặc xin về hưu sớm.
Chứng kiến nghề giáo bị suy giảm vai trò, những người trẻ không hào hứng thi vào sư phạm. Phụ huynh cũng không khích lệ con đi theo nghề giáo. Vì lý do này, nguồn nhân lực mới của ngành sư phạm sụt giảm nghiêm trọng, không thể lấp đầy khoảng trống mà giáo viên xin nghỉ hoặc về hưu sớm để lại.
Thế giới đang chứng kiến những hiểm họa xuất phát từ việc thiếu tôn trọng giáo viên. Năm 2023, Mỹ, Anh, Australia đến Đức, Nhật Bản đều ghi nhận tình trạng thiếu giáo viên.
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), thế giới thiếu 44 triệu giáo viên phổ thông. Phân tích của UNESCO cho thấy khu vực châu Phi cận Sahara thiếu 15 triệu giáo viên nhằm đảm bảo giáo dục tiểu học và trung học cho mọi người dân đến năm 2030.
Tình trạng thiếu giáo viên còn gây ra tình trạng đóng cửa trường học. Trong 4 năm qua, tại khu vực Trung Phi, Tây Phi, hơn 13.000 trường học đã đóng cửa. Còn châu Âu và Bắc Mỹ thiếu 4,8 triệu giáo viên.
Riêng tại Mỹ, Đại học Harvard đã hủy đào tạo chuyên ngành sư phạm do số lượng tuyển sinh giảm. Trên khắp nước Mỹ, nhiều trường đại học cũng làm điều tương tự kể từ năm 2020.
Ở Đức, dù chưa có thống kê chính xác số giáo viên mà các trường phổ thông đang thiếu nhưng ước tính con số lên tới hàng chục nghìn. Nhiều trường phải áp dụng mô hình học 4 ngày/tuần hoặc cắt giảm môn học do thiếu giáo viên.
Tại châu Á, năm 2021, Nhật Bản thiếu hơn 2.500 giáo viên và con số này đang tăng. Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Indonesia dự kiến thiếu 1,3 triệu giáo viên vào năm 2024.
Giáo viên Phần Lan có toàn quyền tự chủ trong lớp học. |
Bài học từ các quốc gia
Có nhiều biện pháp để nâng cao vị thế của giáo viên và giúp họ lấy lại quyền làm chủ lớp học. Chúng ta có thể nhìn từ Phần Lan, quốc gia sở hữu nền giáo dục chất lượng thuộc tốp đầu thế giới. Phần Lan đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và áp lực tài chính đè nặng lên giáo dục công nhưng bằng sư phạm thì không bị ảnh hưởng.
Ở Phần Lan, giáo viên được đào tạo bài bản, được tôn trọng và được tự chủ. Giáo viên không phải làm bài kiểm tra hàng năm, không phải xây dựng giáo án, được quyền làm chủ lớp học.
Các trường học chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chương trình giảng dạy và đánh giá học sinh. Công tác thanh tra trường học bị hủy bỏ từ năm 1990. Điều này vừa trao tự do nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải có trình độ học vấn cao để nhận được niềm tin từ ban giám hiệu và làm chủ lớp học.
Khi giáo viên vào lớp, họ là người có quyền cao nhất. Ngay cả hiệu trưởng nhà trường cũng không thể soán quyền kiểm soát lớp học từ giáo viên. Vì vậy, họ được phép giảng dạy theo phương pháp cá nhân, đổi mới, sáng tạo và không phải theo một khuôn mẫu nào. Phụ huynh cũng phải giống như ban giám hiệu là đặt niềm tin vào phương pháp sư phạm của giáo viên và không được can thiệp vào bài giảng.
Giáo viên Singapore cùng học sinh trong giờ học. |
Còn tại Singapore, khảo sát hồi năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos, chỉ ra, 80% người dân Singapore nhất trí rằng giáo viên đang làm việc chăm chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia. Hơn 77% người dân đồng ý rằng nghề dạy học cần được tôn trọng đầy đủ.
Đáng chú ý, 54% người cho biết họ sẽ ủng hộ con cái hoặc người trẻ theo nghề giáo. Trên thế giới, con số này thấp hơn, đạt 43%.
Kết quả này đến từ việc người dân Singapore nhận thức đúng về tầm quan trọng của giáo dục và vai trò của giáo viên góp phần vào giá trị của giáo dục. Giáo viên cũng là những người được tuyển chọn và đào tạo khắt khe với mức lương tương xứng với bằng cấp.
Chính phủ Singapore cũng quan tâm đến việc tăng lương cho giáo viên, cải thiện công việc của giáo viên bằng cách cắt giảm công việc hành chính, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho lớp học...
Thiếu tôn trọng giáo viên cũng là vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Nhiều vụ xả súng nhắm vào trường học, trong đó nạn nhân là giáo viên, học sinh, đã cho thấy giáo viên là một nghề nguy hiểm và ít được tôn trọng tại Mỹ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ chỉ ra 14% giáo viên cho biết họ đã từng bị học sinh tấn công thể xác. Chưa kể, giáo viên là nghề bị xem là có giá trị thấp hơn luật sư, bác sĩ. Nhiều phụ huynh Mỹ không muốn con làm giáo viên.