(GD-TĐ) - Sau những giờ khắc sum họp gia đình, tận hưởng không khí vui xuân truyền thống, teen nhà mình, đặc biệt là những teen có “đôi chân thích đi”, đã lên kế hoạch gì cho những ngày xuân du hí của mình chưa nhỉ?
Xin lộc đầu năm
Theo phong tục của người Việt thì đầu năm đi chùa cầu nguyện, xin lộc với mong ước cả năm được thuận hòa, may mắn, mọi việc hanh thông. Các teen nhà mình tính tình vốn hiếu động, ưa những nơi mới mẻ, thích những điều hiện đại nhưng không có nghĩa là quay lưng với hình thức du xuân cổ truyền này đâu nhé. Bằng chứng là cứ mỗi độ xuân về Tết đến, nơi sân chùa cửa Phật lại nhộn nhịp bước chân hồn nhiên của các teen Việt.
Như thường lệ, sáng mồng một hàng năm, Vy Khuyên (Bình Thuận) lại cùng mẹ và chị gái đi bộ đến ngôi chùa gần nhà để thắp nhang và cầu nguyện. Khuyên cũng lầm rầm khấn nguyện một cách thành kính, cũng xì xụp xin quẻ và chịu khó xếp hàng chờ giải xăm, mà hàng người giải xăm thì ôi thôi là dài. “Chờ lâu vậy mà vui, đi chùa xong thấy lòng tự nhiên nhẹ nhõm lắm!”, Khuyên vui vẻ chia sẻ. Trước khi về, Khuyên cũng bắt chước mẹ và chị, ngắt một chiếc lá trước cổng chùa coi như là xin lộc. Khuyên bày tỏ: “Xin lộc chỉ là tượng trưng thôi! Có nhiều bạn bẻ cả cành, cả nhánh, làm sau một cái Tết, cây trong chùa trụi lủi hết trơn. Nhìn tội gì đâu!”.
Tha hồ thực hiện xì-lai-sô
Tất nhiên đây là một “chương trình thực tế” mà teen không thể nào bỏ qua, nhất là các teen đang “đóng đinh” ở thành phố. Những địa điểm nóng mà teen Hà Nội đưa vào top của những background là: vườn đào Nhật Tân, chợ hoa, phố Hàng Mã – Lương Văn Can; còn teen Sài Gòn chắc sẽ không thể nào không ghé đến con đường hoa Nguyễn Huệ, khu nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, rồi đường Lê Duẩn. Vừa tạo dáng trước tòa nhà Diamond được giăng rực rỡ đèn hoa, Kim Hoa (TP.HCM) tinh nghịch: “Sài Gòn đẹp nhất là vào những ngày này mà, phải tranh thủ ghi lại hình ảnh của Sài Gòn và… cả mình nữa trong giây phút này chớ! Mình chụp vầy là ít đó, bạn mình ngày nào cũng pose hình, tạo dáng không biết mệt mỏi luôn!”. Nói xong, Hoa cười thật giòn.
Sau khi pose hàng loạt ảnh với “kính thưa các kiểu tạo dáng”, các teen sẽ lần lượt show trên trang blog cá nhân hay facebook. Có teen còn kì công hơn, từ các bức ảnh, tạo thành clip rồi lồng nhạc... rồi còn í ới chia sẻ cho nhau trên trang cá nhân hay các diễn đàn nơi có những background đẹp như mơ, nơi có thể giúp các teen thỏa mãn niềm đam mê “nhiếp ảnh za” và “người mẫu” của mình.
Đi cùng những người… không quen
Đó là kế hoạch của những nhóm teen girl, teen boy tham gia vào hoạt động tình nguyện. Thay vì ba ngày xuân rảnh rỗi tụm năm tụm ba chè chén, karaoke, tá lả với bạn bè thì các bạn lại tới các mái ấm, chuẩn bị cho các em nhỏ mâm cơm, trang trí, dọn dẹp lại nhà cửa hay vận động mọi người đóng góp để lì xì cho các em. Có nhiều teen, trong đêm Giao thừa mà còn lang thang ngoài đường, không phải để đi “bão bùng” hay tham gia vào những trò vui vô bổ nào đó mà chỉ vì để đem đến cho những kẻ lang thang cơ nhỡ ngoài đường một túi quà nhỏ bao gồm những món ăn hay vật dụng đơn sơ.
Đến hẹn lại… đi, Thịnh (sinh viên trường đại học Nông Lâm) đã ghi kỷ lục năm lần lang thang ngoài đường trong đêm Giao thừa, năm nay Thịnh lại có tên trong danh sách thành viên tham gia chương trình “Cánh hạc đêm”. Cầm món quà bao gồm mì tôm, hộp bánh kẹo, áo lạnh, dầu gió và cả một phong bì lì xì, Thịnh rón rén đến gần một bác… xa lạ đang nằm co ro trên vỉa hè và nhẹ nhàng đặt xuống. Đêm rất lạnh, những teen tham gia chương trình dường như cũng bị cái im ắng của đêm làm cho… ít nói đi. Nhưng trên gương mặt của mỗi thành viên, niềm vui, sự rạng rỡ dường như lan tỏa ra cả không gian. Đêm Giao thừa vì thế mà trở nên ấm áp đến vô cùng.
Và… phượt
Bình thường, các teen thích… đi khi rủ nhau đi chơi thì còn ngại lo mà… nắn túi. Ngày Tết, “gom góp” tiền lì xì, tiền bỏ ống, nếu teen nào có kinh doanh tí chút trước mùa Tết thì xông xênh hơn, “ngâm cứu” kế hoạch “du xuân” đã được lên từ hồi trước Tết, các teen lại vác ba lô lên đường. Khi được hỏi Tết nhất sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe mà đi xa thế? Có teen không ngần ngại trả lời: “Ngại gì, đi xa mới vui, mới biết được nhiều thứ!”.
Với các teen đã sở hữu… bằng lái, phương tiện di chuyển được lựa chọn hàng đầu luôn là… “em ngựa sắt” thân yêu. Thử tưởng tượng nhé, mặc một bộ đồ… kín mít (để tránh nắng tránh gió ấy mà), sau lưng đeo ba lô, trước ngực lủng lẳng cái máy ảnh, thích chỗ nào thì dừng chỗ đó, chỉ số tự do và thoải mái được “điểm” ở mức tối đa.
Càng gần đến những ngày nghỉ Tết, trên các diễn đàn dành cho dân thích phượt càng trở nên xôm tụ, khắp nơi đầy những lời rủ rê của dân có máu mê “phượt”. Kẻ thì lên miền cao, người thì về vùng biển, ai khoái phương châm “đông - vui - hao” thì kết thành nhóm, người nào chuộng thú độc hành thì một mình một ngựa thong dong… thôi thì đủ hình đủ kiểu.
Hải Đăng (SV trường Đại học Thủy lợi) có vóc dáng nhỏ nhắn và khá rụt rè, vậy mà kế hoạch “rong chơi” của cô nàng chẳng có chút “rụt rè” nào cả. Vốn là dân miền Tây, Tết này, Đăng sẽ theo cô bạn thân về miền Trung chơi, rồi từ đó lại long rong lên Lâm Đồng để ghé nhà cô bạn khác. Khi được hỏi chuyện gia đình không lo lắng hay có ý kiến gì cho chuyện “đi rong ngày Tết” không thì Đăng cười toe: “Đi tới đâu mình gọi điện (thoại) về báo cáo! Vả lại, mình cũng lớn bộn rồi chớ bộ! Ba má phải tin mình chớ!”.
Khánh Ly (Hà Nội) bị chị gái đặt cho nickname là Khánh Lỳ vì năm vừa rồi, cô nàng đã thực hiện một chuyến xe máy với mục tiêu là xuyên… Việt. Tuy bỏ cuộc khi mới tới… Nam Định đã cho xe máy và người lên xe khách nhưng điều đáng quý là Ly đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho chuyện đi đường trường. Năm nay, Ly vẫn đang nung nấu thực hiện lại chuyến phượt dang dở của năm vừa rồi.
Du xuân thưởng Tết là chuyện đáng vui đáng làm, nhưng giữ thế nào để bản thân được an toàn để niềm vui của những ngày xuân du hí càng thêm trọn vẹn. Tuổi Học Đường chúc các teen nhà mình có được những ngày xuân thật vui thật bổ ích và tràn ngập những điều thú vị.
Nhật My