(GD&TĐ) - Cứ 6 ngày một lần hẹn, chợ phiên Tả Sìn Thàng huyện vùng cao Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên lại hội tụ đông vui, nhộn nhịp với đủ các sắc màu trang phục dân tộc. Chợ đông vui nhộn nhịp, tưng bừng nhất là những ngày sắp bước sang Xuân.
|
Rộn ràng bàn chân xuống chợ |
|
Rượu Mông Pê được bày bán tại chợ |
Từ thị trấn Tủa Chùa vào Tả Sìn Thàng gần 40 km bám theo các chân núi với nhiều đoạn vách đá dựng đứng, đường quanh co với nhiều đoạn cua gấp khúc liên tục. Trước kia con đường đá hộc lổm chổm phải mất 3 tiếng xe máy với những dốc cua kinh hoàng như: Tà Chinh, Cứt Châu... Nhưng nay được sự quan tâm của Đảng với Chương trình 135, con đường nhựa phẳng lì chỉ mất đúng 1 tiếng đồng hồ từ thị trấn Tủa Chùa chúng tôi đã có mặt ở trung tâm chợ.
Chợ phiên Tả Sìn Thàng họp ngay thung lũng trung tâm của 5 xã (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sa Phình, Trung Thu, Sính Phình) với 4 phía đều là các dãy núi đá và gần như quanh năm sương mây trắng phủ mờ. Ngày chợ phiên và vui nhất là những ngày sắp sang Xuân là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hoá của các dân tộc Mông, Thái, Dao, Hoa, Xạ Phang... trong vùng; đây cũng là điển hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên. Vào đúng ngày họp chợ, từ sáng sớm khi trời còn mờ sương, trên các ngả đường vắt vẻo trườn từ các làng bản về, những đôi trai gái hối hả trong bộ trang phục dân tộc sặc sỡ đủ sắc màu cùng nhau xuống chợ. Trong sương sớm bảng lảng, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cất lên những bản nhạc trữ tình như mời gọi mùa Xuân, gọi bạn lúc tha thiết, dịu dàng, khi thánh thót vút cao, ngân vang làm không khí miền rừng núi càng xốn xang, nhộn nhịp.
|
Ngập tràn sắc màu thổ cẩm |
|
Hàng nông cụ được bày bán ở chợ |
|
Cô gái Mông chọn lựa bộ áo, váy trưng diện vào ngày xuân. |
Chợ phiên ngày xuân Tả Sìn Thàng hàng hoá tuy không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào phần lớn chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Hàng nông sản bày bán ở chợ đều là tươi non và hấp dẫn; hoa quả, rau xanh, hạt gạo, củ khoai, củ sắn, chè búp sao tay, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng, cá suối, thịt lợn, con gà, mật ong... đều do người dân trong vùng tự làm ra để dùng, sử dụng không hết mới đem đi chợ bán.
Măng khô, mộc nhĩ, nấm hương đều thu hái từ rừng, từng tảng thịt to, dày rất ngon và chắc; mật ong vàng óng, đặc sánh đựng trong chai dốc ngược không đổ; rượu Mông Pê chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và nổi tiếng là rượu ngon, uống vào ngấm từ từ rất êm chứ không say, không chóng mặt hay nhức đầu như loại men hoá học khác. Người dân vùng cao vốn rất thật thà, họ ít khi mặc cả, thích bán là bán, thích mua là mua chứ không kỳ kèo bớt một thêm hai. Chợ còn được bầy bán nông cụ sản xuất được người vùng cao làm bằng thủ công bền, sắc ngọt.
|
Vừa bán hàng vừa thêu thùa |
|
Càng về trưa chợ càng đông vui, nhộn nhịp |
|
Cậu bé người Mông say sưa trong vòng tay mẹ |
Hoà mình cùng dòng người đi chợ mới cảm nhận được tâm trạng háo hức của người vùng cao đến chơi chợ. Các cô gái Mông tay trong tay với những chiếc ô đủ màu tung tăng xuống chợ với nhịp chân đều đặn làm cho gấu váy vung sang 2 bên thật đều như bản nhạc vùng cao "xuống chợ, xuống chợ!...". Các cô gái đến chợ trong những bộ trang phục váy áo đẹp, vai mang "lu cở" (cái gùi) hàng, tay thoăn thoắt xe lanh, tai lắng nghe tiếng nhạc sáo, điệu khèn của các chàng trai; các cô gái đi chợ không chỉ để bán hàng mà còn để khoe tài xe lanh, dệt vải, nhuộm, thêu thùa hoa văn với các món hàng thổ cẩm truyền thống.
Ấn tượng nhất chợ phiên đầu Xuân Tả Sìn Thàng là nơi bày bán các mặt hàng thổ cẩm, đủ sắc của các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Đây là sản phẩm thể hiện sự thông minh và khéo léo của bàn tay người phụ nữ dân tộc, từ công đoạn dệt vải, đến khâu nhuộm vải rồi thêu dệt hoa văn.
|
Những bát cơm nếp nương dẻo thơm được bày bán |
|
Chợ tan mọi người rẽ về ngả núi, rừng |
Chợ phiên ngày xuân Tả Sìn Thàng họp và tan trong một ngày, khi mặt trời đã ngả, chiếu xiên về hướng Tây thì chợ cũng bắt đầu thưa dần. Đây cũng là lúc trong các quán ăn các chàng trai bắt đầu chếnh choáng hơi men, những cô gái má đã ửng hồng, cuộc vui tạm dừng, từng đôi trai gái bịn rịn tách dần ra, lời ca tiếng nhạc tạm lắng xuống nhường chỗ cho những câu chuyện tâm tình, lời hẹn hò thủ thỉ. Mọi người chia tay rẽ về các ngả núi rừng, bịn rịn hẹn 6 ngày sau lại tụ hội.
Kiên Cường-Anh Tuấn