Để ngày vui trọn vẹn, ngành Giáo dục, nhà trường và giáo viên các huyện vùng biên chú trọng công tác phòng dịch, ứng phó với thiên tai.
Phòng dịch nghiêm ngặt
Năm nay, Trường THCS Mường Chanh, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. Thế nhưng, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên nhà trường không tổ chức khai giảng tập trung như mọi năm. Thay vào đó, ngày khai trường, thầy cô đón học sinh vào lớp và tổ chức lễ khai giảng, chào cờ trong lớp học với tinh thần ấm cúng, an toàn.
Em Lộc Thị Tâm Như, ở bản Na Hin, xã Mường Chanh hồ hởi khoe: “Năm nay, con vào lớp 6. Để chuẩn bị ngày khai giảng, thầy giáo đến nhà động viên. Con được bố, mẹ mua cho quần áo mới, giầy dép, cặp sách... để đi học cùng các bạn. Nhà con cách trường khá xa, nên hàng ngày bố sẽ chở đến trường, khi nào lên lớp 7, con sẽ tự đạp xe hoặc đi cùng bạn đến trường”.
Thầy Trần Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh cho hay: Trận lũ lịch sử đầu tháng 9/2018 khiến cơ sở vật chất nhà trường bị hư hại nặng nề. Sau đó, Nhà nước đầu tư, xây dựng cho Trường THCS Mường Chanh đầy đủ các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà công vụ, phòng truyền thống và phòng học bộ môn...
“Năm học 2021 - 2022, học sinh xã Mường Chanh được học trong ngôi trường kiên cố và khang trang. Nếu dịch bệnh Covid-19 không diễn biến phức tạp, học sinh sẽ tập trung ở sân trường để dự lễ khai giảng, không khí sẽ rộn ràng, náo nức hơn”, thầy Liêm chia sẻ.
Năm học mới này, Trường THCS Mường Chanh có 268 học sinh, trong đó có 82 em khối lớp 6. Chuẩn bị năm học mới, nhà trường đã phân công giáo viên đi thăm hỏi và động viên những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị cho con, em ra lớp học.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng phương án để đón học sinh đến trường an toàn nhất. Bởi lẽ, ở vùng này có nhiều đồi núi, khe suối, khi mưa to, lũ đổ về, nước dâng rất nhanh. Vì vậy, việc bảo toàn tính mạng cho học trò được nhà trường đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, các thầy cô đã tổng vệ sinh, phun hóa chất khử khuẩn, trang trí cờ hoa trong khuôn viên để tạo ấn tượng, niềm vui cho học sinh trong ngày khai trường.
Từng bị cơn lũ lịch sử cuốn hồi tháng 8/2019, điểm trường Sa Ná – Trường Tiểu học Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa) giờ đây được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang.
Thầy Chung Trường Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cho biết: Năm học 2021 - 2022, nhà trường có hơn 440 học sinh, trong đó điểm trường Sa Ná có 63 học sinh.
“Năm nay, học sinh của nhà trường tăng hơn 40 em, trong khi đó lại thiếu tới 9 giáo viên các môn. Mặc dù ở điểm trường Sa Ná được đầu tư khang trang, nhưng do thiếu giáo viên và ít học sinh, chúng tôi vẫn phải tổ chức lớp ghép 2 trình độ (lớp 2 và lớp 5).
Nhà trường cũng tuyên truyền và yêu cầu phụ huynh khi đưa con tới trường phải thực hiện “5K” theo quy định, để phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, dù điểm trường Sa Ná đã được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng chúng tôi vẫn đề phòng có mưa lũ xảy ra trong thời gian khai trường. Vì thế, khi đi vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, các thầy cô dặn dò cặn kẽ việc đưa các em qua sông, suối phải cẩn thận để phòng trời mưa to, nước lũ dâng cao”, thầy Thành nói.
“Kéo” học sinh ra lớp
Là ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất, nhì ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Trường PTDTBT – THCS Mường Lý năm nay có 360 học sinh, trong đó, có khoảng 280 học sinh ăn, ở bán trú tại trường.
Theo thầy Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng nhà trường, năm nay các trường học không tổ chức lễ khai giảng tập trung ở sân trường để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, nhà trường đã huy động giáo viên trả phép sớm hơn mọi năm một vài ngày để làm công tác chuẩn bị ngày khai trường trong điều kiện dịch phức tạp.
“Nhà trường đón gần 100 học sinh vào lớp 6. Từ trong hè đến trước ngày tựu trường khoảng 1 tuần, giáo viên phải đi vận động học sinh tới 3 lần. Bởi lẽ, địa phương có tới 70% đồng bào dân tộc Mông. Nhiều bản cách xa trường hàng chục km đường rừng, nên việc vận động học sinh ra lớp 6, có phần vất vả hơn”, thầy Xuân cho hay.
Cũng theo thầy Xuân, năm nào cũng vậy, việc giáo viên đi lên các bản Sài Khao, Trung Tiến, Trung Thắng, Xi Lô, Suối Ún... để vận động phụ huynh đưa con em tới trường đều rất vất vả. Nhiều phụ huynh còn có tâm lý không muốn con mình xa nhà, ở lại trường ăn học cả tuần. Vì thế, hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên nhà trường đều phải đi vận động phụ huynh, để “kéo” các em ra lớp.
“Khi học sinh đến trường, công tác quản lý các em ăn, ở trong ký túc cũng rất nan giải. Bởi lẽ, phong tục, tập quán của đồng bào và đặc biệt là thanh niên ở các bản hay chọc ghẹo học sinh nữ ở trong ký túc xá. Vì vậy, nhiều đêm các thầy giáo phải nhắc nhở, giải tán đám thanh niên ra khỏi khu ký túc xá, để bảo đảm an toàn cho học sinh”, thầy Xuân chia sẻ.
Là học sinh lớp 6, nhà ở bản Sài Khao (cách trường hơn 20km), em Giàng Thị Gua tâm sự: “Lần đầu tiên xa gia đình để xuống trường học cái chữ, em rất lo lắng và hồi hộp. Trước khi em xuống trường, thầy giáo đã lên tận nhà động viên bố, mẹ và em nên ai cũng yên tâm. Bố, mẹ đã chuẩn bị cho em váy, áo, cặp sách, đồ dùng học tập mới. Khi em xuống trường để nhận phòng ở, được các thầy, cô quan tâm động viên, lo nơi ăn, chốn ngủ, em thấy vui lắm”.