Những nỗ lực đưa trẻ vùng biên đến trường

Những nỗ lực đưa trẻ vùng biên đến trường

(GD&TĐ)- Hai huyện vùng biên giới đặc biệt khó khăn của Hà Giang là Đồng Văn và Mèo Vạc đang nỗ lực hết sức mình để có thể huy động trẻ ra lớp và đưa trẻ vào lớp 1 đúng độ tuổi.

Vấn đề tuyển sinh đầu cấp Mầm non và Tiểu học đặc biệt quan trọng đối với các huyện miền núi nói chung và hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc nói riêng.

HS trường TH Mèo Vạc trong buổi Lễ mừng danh hiệu đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh, Phòng GD-ĐT Mèo Vạc
 HS trường TH Mèo Vạc trong buổi  Lễ mừng danh hiệu đạt chuẩn Quốc gia.  Ảnh, Phòng GD-ĐT Mèo Vạc

Bởi theo Trưởng phòng giáo dục huyện Mèo Vạc Nguyễn Thị Thanh Minh thì với địa hình rộng, dân cư phân bố thưa thớt, rải rác, đồng thời đường xá đi lại khó khăn, nhà xa trường, nhận thức của bà con rất hạn chế về việc học,... nên việc huy động trẻ mầm non và lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn.

Những khởi sắc trên cao nguyên đá

Dù đã nỗ lực hết mình nhưng trong năm học 2010- 2011, ở hai huyện này, huy động trẻ đến trường có nhiều chỉ tiêu không đạt được do nhiều nguyên nhân mà cơ bản vẫn là nguyên nhân đã nêu trên đây.

Theo báo cáo, trong năm học 2010-2011 huyện Mèo Vạc huy động độ tuổi từ 3 đến dưới 5 tuổi đạt 81% (4.262/5.256); trẻ 5 tuổi đạt tỉ lệ huy động rất cao và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi với tỉ lệ 99,27%. Riêng trẻ 2 tuổi ra nhóm lớp chỉ đạt 13,65 %. Toàn huyện có khoảng 3.986 trẻ 2 tuổi nhưng chỉ huy động được 544 trẻ đến trường.

Huyện Đồng Văn: Huy động độ tuổi từ 3 đến dưới 5 tuổi đạt 81% (3.839/4.747). Riêng trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với tỉ lệ 97,5%, vượt kế hoạch 103%. Với trẻ 2 tuổi ra nhóm lớp đạt tỉ lệ thấp hơn Mèo Vạc. Toàn huyện có 3.814 cháu, nhưng chỉ có 354 trẻ đến trường, đạt tỉ lệ 9,2%.

Tuyển sinh đầu cấp, chuyển tiếp từ cấp dưới lên, ở các cấp học khác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cấp tiểu học Mèo Vạc có 1.949 học sinh được tuyển sinh từ các lớp mầm non 5 tuổi vào học. Toàn huyện huy động được 13.416 học sinh đến trường ở độ tuổi từ 6- 14 tuổi đạt 97,81%. Huyện Đồng Văn có 1.535 trẻ vào lớp 1, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đạt 99,3%.

Khó khăn trong huy động và duy trì sỹ số

Để tuyển sinh đầu cấp hai cấp học này đạt được kế hoạch đề ra, theo bà Nguyễn Thị Thanh Minh là cần khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất của trường Mầm non, nhất là ở các điểm trường hiện vẫn chưa đầy đủ. 

Em Cư Mì Pố HS lớp 3 trường TH Châu Phong (Đồng Văn, Hà Giang) vừa giúp mẹ gùi hàng xuống chợ Phiên Đồng Văn cho biết, em thường làm việc nhà giúp mẹ, cả việc nặng như thế này. Nhà cách chợ 2 giờ đi bộ, hôm nay mẹ em bán 4 con lợn, em gùi 1 con bằng chiếc gùi nhỏ. Ảnh, gdtd.vn
 Em Cư Mì Pố HS lớp 3 trường TH Châu Phong (Đồng Văn, Hà Giang) vừa giúp mẹ gùi hàng xuống chợ Phiên Đồng Văn cho biết, em thường làm việc nhà giúp mẹ, cả việc nặng như thế này. Nhà cách chợ 2 giờ đi bộ, hôm nay mẹ em bán 4 con lợn, em gùi 1 con bằng chiếc gùi nhỏ. Ảnh, gdtd.vn

Vẫn theo bà Minh, tại nhiều trường Mầm non đồ chơi ngoài trời hiện vẫn còn thiếu nhiều; còn ở các điểm trường cơ bản là không có. Ở những điểm trường này, đồ chơi, đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu chỉ đáp ứng được những phần học có bản, còn thiếu rất nhiều. 

Về phòng học nhiều trường, điểm trường vẫn phải học nhờ vào trường Tiểu học. Đấy là chưa kể tại hầu hết các điểm trường Mầm non chưa có quỹ đất giành để xây dựng sân chơi cho các cháu. Số còn lại (rất ít) có sân chơi cho trẻ nhưng vừa hẹp lại vừa thiếu đồ chơi.

Nhà công vụ, hiện nay về cơ bản tại huyện Mèo Vạc đã có hệ thống nhà công vụ cho các giáo viên ở xa trường không đi về trong ngày ở lại trường. Đối với học sinh ở xa, các nhà trường cũng đã có sự cố gắng bố trí nhà ở lưu trú, đồng thời bố trí nấu ăn cho các em. 

Tuy nhiên nhà ở công vụ và nhà lưu trú ở đây chỉ tạm thời khắc phục điều kiện thiếu thốn, khó khăn cho giáo viên và học sinh ở trước mắt. Nhiều trường giáo viên phải ở ghép trong những nhà công vụ không kiên cố, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nước sinh hoạt, điện chiếu sáng... Nhiều trường thiếu nhà lưu trú cho học sinh phải bố trí cho các em ở phía cuối lớp...

Qua kiểm đếm, hiện Mèo Vạc còn cần 391 nhà ở công vụ cho giáo viên và 329 phòng ở lưu trú cho học sinh học bán trú. 

Bà Minh cho biết: tỷ lệ huy động trẻ từ 6- 14 đến trường vẫn không đạt kế hoạch chủ yếu rơi vào các xã Xín Cái, Thượng Phùng là nơi có các học sinh THCS bỏ học đi làm thuê, học sinh theo gia đình di cư ra khỏi địa bàn...

Nhiều em phải phụ giúp gia đình việc của người lớn, làm gián đoạn thậm chí phải bỏ học. Ảnh, gdtd.vn
Nhiều em phải phụ giúp gia đình việc của người lớn, làm gián đoạn thậm chí phải bỏ học. Ảnh, gdtd.vn

Trưởng phòng GD huyện Đồng Văn Trần Đăng Khoa cho biết, có hơn 1% học sinh ở đây bỏ học và nghỉ học gián đoạn nhiều tuần sau vụ mùa. Ông Khoa cho biết, Các gia đình đồng bào dân tộc ở đây hầu hết là hộ nghèo, do vậy các phương tiện phục vụ sản xuất rất đơn giản, sơ sài nên mùa vụ cần huy động nhiều sức người. Các em nhỏ phải phụ giúp gia đình cả những việc nặng nhọc như gùi cây, trái trên nương về nhà sau thu hoạch hoặc gùi nước từ xa về là chuyện thường tình. 

Nguyên nhân nữa là rét, theo ông Khoa, đợt rét đậm rét hại vừa rồi học sinh phải nghỉ nhiều nên chậm chương trình tới 5 tuần. Do vậy ông Khoa cho rằng, cần kêu gọi, phối kết hợp với các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương chung tay, giúp sức về lương thực, đồ dùng học tập- sinh hoạt, quần áo để các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nơi đây được đến trường như bao trẻ em khác...

Theo ông Khoa, ở huyện vùng cao khó khăn như Đồng Văn, dân cư đa số là các các dân tộc thiểu số H’Mông, Nùng, Dao, Sán Chí...vốn tiếng Kinh ít ỏi, trình độ dân trí thấp... dẫn đến nhận thức về giáo dục hạn chế. Thêm vào đó là đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây còn gặp nhiều khó khăn về sinh hoạt, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao, phải trợ cấp hàng năm.

Do vậy, theo Ông Khoa, thu hút trẻ đến trường ở hai cấp học mầm non và tiểu học có điều kiện tiên quyết đối với giáo dục nơi đây. Giải quyết tốt vấn đền này sẽ làm nền tảng tốt cho các cấp học sau này nhằm trang bị vốn tiếng Việt,  kĩ năng sống cho các học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Hơn hết đó là tạo dựng đội ngũ lao động có trình độ tại bản địa và nâng cao dân trí.../.

Hiện toàn huyện Mèo Vạc có 8545 học sinh đang theo học ở 24 trường bán trú dân nuôi và 300 học sinh của trường PTDTNT huyện. Huyện Đồng văn có 18 trường bán trú dân nuôi với 3639 học sinh, 1 trường PTDTNT huyện với 493 học sinh.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ