Bí quyết cân bằng tâm lý trong mùa dịch là nội dung buổi giao lưu trực tuyến do Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực hiện với chuyên gia GS.TS Huỳnh Văn Sơn.
Tại buổi giao lưu, GS.TS Huỳnh Văn Sơn– Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Thay vì “trách móc” nghỉ học quá lâu và đếm ngày đến trường thì tại sao các em không đặt cho mình một mục tiêu để phát triển bản thân.
Người thông minh không phải giải toán để đo chỉ số IQ. Người thông minh là người biết đánh giá bản thân mình, biết điểm mạnh, điểm yếu gì để tự đặt ra kế hoạch để rèn luyện. Do đó, các em nên đặt một mục tiêu ngắn hạn cho mình.
Chẳng hạn, từ 5 ngày, 7 ngày, nửa tháng, 1 tháng sẽ hoàn thành một mục tiêu đặt ra: Luyện tập thể dục để giảm cân; học ngoại ngữ; tự học thuyết trình.
Lấy ví dụ về một trường hợp một học sinh cấp III tham gia cuộc thi dẫn chương trình, học sinh này không phải là người đạt điểm cao nhất nhưng là người có nỗ lực nhiều nhất trong khả năng, GS Sơn đưa ra lời khuyên: Bản thân các em muốn thành công ở mức nào thì hãy lựa chọn, đặt ra mục tiêu để phấn đấu.
Để đạt được mục tiêu, các em đừng so sánh bản thân mình với mức độ cao quá. Điều đó làm cho các em bị đuối sức mà hiểu rõ yêu cầu của một kỳ thi là gì, mục đích là gì?. Từ đó, bản thân sẽ đặt ra các bước để hoàn thiện.
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang có nhiều lo lắng với phương án thi THPT năm 2020 với những thay đổi. Tuy nhiên, lời khuyên của GS Huỳnh Văn Sơn là các em muốn vượt qua nỗi lo lắng không gì khác là phải biết rõ yêu cầu của một kỳ thi. Đừng trách mùa dịch mà phải đối diện, sống chung và vượt qua điều đó.
Những vấn đề mà học sinh lớp 12 sẽ phải hiểu rõ về kỳ thi và nghĩ tích cực như: Thứ nhất, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được rút ngắn. Số môn thi dùng chủ yếu để xét tốt nghiệp, như thế độ khó đã giảm hơn một chút.
Thứ hai, thông tin chi tiết sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai và hướng dẫn chi tiết. Tiếp đến là các em ổn định tâm lý, hãy nghĩ tới viễn cảnh học xong đợt này, các em cùng gia đình tham gia một cuộc thi viết, vẽ tranh hoặc đi chơi...
“Cần phải xác định, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã dựa trên nội dung chương trình đã giảm tải, không áp lực; thầy cô đánh giá năng lực học sinh dựa trên những gì đã và được học. Các em nên hiểu rằng, ngành giáo dục luôn sát cánh với các em, bất kỳ thay đổi nào cũng đặt học sinh là trung tâm”- GS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Theo dõi nội dung buổi giao lưu tại đây >>>