Những “quả ngọt”
Năm 2018 đã khép lại, nhìn lại một năm qua giáo dục có nhiều thành tựu nổi bật và được coi là điểm sáng. Vậy bà ấn tượng với những thành tựu, điểm sáng nào?
- Theo cảm nhận của tôi, năm 2018 là năm mà ngành Giáo dục phải đối mặt với không ít biến cố, nhưng trên bức tranh có các gam màu gợi nhiều cảm xúc của giáo dục, có nhiều điểm sáng cần được ghi nhận và trân trọng.
Tôi ấn tượng nhất ở sự quyết tâm của ngành trong việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để các hoạt động ngày càng nền nếp, kỷ cương. Chẳng hạn như: ban hành mới các quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; triển khai Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 nhằm góp phần chấn chỉnh kỷ cương, hình thành văn hóa học đường trên nền tảng truyền thống tôn sư trọng đạo; đào tạo con người Việt Nam đẹp về nhân cách, giỏi về trí tuệ, thành thạo kỹ năng. Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được thông qua cùng với Luật giáo dục (sửa đổi) đang được hoàn thiện chắc chắn sẽ tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy giáo dục phát triển lên tầm cao mới.
Ấn tượng thứ hai là, vị thế của giáo dục Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên bản đồ giáo dục thế giới qua đánh giá của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn như: theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục.
Có 7 trường đại học Việt Nam được ghi danh trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 và lần đầu tiên nước ta có 2 đại học lọt top 1.000 đại học thế giới. Các đoàn tham dự các kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế tiếp tục gặt hái thành công với kết quả được đánh giá tốt nhất từ trước tới nay. Còn theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2018, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục.
Ảnh minh họa |
Bà có nhắc đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Theo bà, Luật được Quốc hội thông qua có phải là một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm 2018? Tới đây, các trường đại học sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với các quy định của luật, trong đó có vấn đề tự chủ?
- Đúng vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua chính là kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm 2018.
Theo tôi, được trao quyền tự chủ là cơ hội lớn nhưng cũng sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với các trường đại học. Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, các cơ sở giáo dục đại học phải chủ động thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị đại học; trao thực quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xác định quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình để bảo đảm tự chủ thực chất và hiệu quả.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT đã triển khai thực hiện được 5 năm. Theo bà, Nghị quyết này đã tác động như thế nào đến ngành Giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng?
- Phải nói rằng Nghị quyết 29 sau 5 năm triển khai thực hiện đã tạo những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo. Giáo dục mầm non được quan tâm hỗ trợ phát triển, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới. Tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường và được xem là chìa khóa để nâng cao chất luợng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Việc đổi mới thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục từng bước thành công. Sự đổi thay ấy đã có tác động không nhỏ tới toàn ngành, tới mỗi nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh. Đặc biệt, những thành tích đã đề cập trên đây thực sự là kết quả đáng tự hào của giáo dục Việt Nam 5 năm qua.
Tuy nhiên, với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, 5 năm là chặng đường đầu tiên trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Còn quá sớm để nói về thành tựu; mà chỉ nên coi đây là giai đoạn chuyển động. Chặng đường phía trước còn dài, do vậy, đòi hỏi phải kiên trì mục tiêu, có giải pháp thích hợp cũng như sự quyết tâm cao độ mới thực sự thành công.
Ảnh minh họa |
Tin tưởng vào hành trình đổi mới giáo dục
Giáo dục được cả xã hội quan tâm. Vì thế chỉ một “hạt sạn” nhỏ cũng có thể trở thành câu chuyện bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, thậm chí có những cái nhìn khắt khe, thiếu thiện cảm. Vậy quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?
- Giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan mọi người, mọi nhà. Người Việt lại vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Do vậy, việc cả xã hội quan tâm đến giáo dục, kỳ vọng về giáo dục, khắt khe với giáo dục cũng là lẽ thường tình.
Thực ra, không thể phủ nhận rằng, giáo dục đây đó vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: nạn bạo hành trẻ, bạo lực học đường, những hành vi phản giáo dục diễn ra trong nhà trường, tình trạng gian lận trong thi cử… khiến dư luận dậy sóng. Đó là những chuyện tưởng nhỏ mà sự tác động không hề nhỏ, dẫu chỉ là “hạt sạn” nhưng cần được ngành Giáo dục nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, thời gian qua, trong một số sự việc, cách “hành xử” của dư luận xã hội đối với giáo dục cũng hơi khắt khe, thiếu thiện cảm, thậm chí có những can thiệp thái quá vào hoạt động giáo dục, tạo ra những áp lực quá lớn đối với nhà trường, thầy cô, học sinh; thậm chí làm tổn thương danh dự nhà giáo.
Theo tôi, hoạt động giáo dục là hoạt động đặc thù; sản phẩm của giáo dục là thế hệ trẻ - tương lai của mỗi gia đình, cộng đồng, đất nước. Do vậy, về phía ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn tới việc tạo môi trường sư phạm chuẩn mực, giữ đúng phép tắc kỷ cương; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; nuôi dưỡng tình yêu nghề và tâm huyết với sự nghiệp trồng người cho các thầy cô giáo.
Về phía dư luận xã hội, cũng cần có cái nhìn tích cực hơn, ủng hộ hơn để đồng hành với ngành Giáo dục chăm lo cho thế hệ trẻ Việt Nam. Từng “hạt sạn” trong môi trường giáo dục có thể làm dư luận dậy sóng, nhưng vẫn còn biết bao những tấm gương cảm động về tình thầy trò, về những vất vả, gian nan của người giáo viên trong hành trình đưa con chữ tới bản làng xa xôi.
Hơn tất cả, tôi nghĩ nên đặt niềm tin vào hàng triệu thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước đang lặng lẽ, miệt mài cống hiến, vượt bao khó khăn để tận tâm với sự nghiệp trồng người.
Bước sang năm mới 2019, bà kỳ vọng gì vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà?
- Như tâm lý chung của xã hội dành cho giáo dục, tôi cũng có nhiều mong muốn, kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tất nhiên, tôi hiểu là kết quả của giáo dục cần có thời gian, lộ trình và không thể nóng vội.
Dù giáo dục còn nhiều gian nan nhưng tôi vẫn kỳ vọng vào hành trình đổi mới giáo dục để góp phần đưa đất nước phát triển và hội nhập. Đồng thời tin tưởng rằng, sự chuyển động đúng hướng cùng những thành tựu mà ngành Giáo dục đã đạt trong năm 2018 sẽ tạo tiền đề vững chắc và động lực to lớn cho năm 2019 thành công rực rỡ hơn.
- Xin cảm ơn bà!
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa