Quá nhiều HSSS, giáo viên đối phó
Cô Trần Thị Thảo - Tổ trưởng Tổ Văn Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) - tính sơ bộ, một giáo viên dạy phổ thông mỗi năm học phải hoàn thành khoảng trên dưới 10 loại HSSS. Tùy vào vị trí chuyên môn được phân công và công tác kiêm nhiệm mà số lượng HSSS cũng tăng theo.
Các loại HSSS quen thuộc với giáo viên như giáo án (chính khóa, phụ đạo, bồi dưỡng…); kế hoạch (kế hoạch cá nhân, kế hoạch tổ - nhóm chuyên môn, kế hoạch bồi dưỡng HSG, kế hoạch phụ đạo HS yếu kém, kế hoạch dạy học…); lịch báo giảng; sổ sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, sổ chủ nhiệm, sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên ghi điểm, sổ học bạ, hồ sơ theo dõi và xếp loại hạnh kiểm HS, sổ theo dõi sử dụng đồ dùng dạy học, sổ họp, sổ tự bồi dưỡng chuyên môn, sổ lưu và chấm chữa bài kiểm tra…
“Trong rất nhiều loại hồ sơ ấy, có những hồ sơ hoàn toàn vô bổ, mất thời gian, công sức của giáo viên. Lẽ ra, thời gian đó, thầy cô dùng để nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp để mang đến những tiết học thực sự có giá trị cho HS. HSSS nhiều nên nhiều khi giáo viên hoàn thành mang tính đối phó để kiểm tra, không có chất lượng. Các cuộc kiểm tra của Phòng, Sở chủ yếu kiểm tra hồ sơ mang tính hành chính mà chưa đi sâu kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thực tế của nhà trường, chưa hỗ trợ trường sở tại trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục” - cô Trần Thị Thảo cho hay.
Từ thực tế công việc, cô Tô Thị Bình - giáo viên Trường THCS Giao Thủy (Nam Định) - cho rằng, hiện nay sổ dự giờ và sổ chủ nhiệm đều rất hình thức. Đặt câu hỏi: Cần sổ chủ nhiệm để làm gì khi chúng ta cập nhật thường xuyên và sử dụng CNTT trong quản lý điểm và hồ sơ, cô Tô Thị Bình cho rằng, nên giảm 2 loại hồ sơ này, thay vào đó giáo viên chủ nhiệm tập trung đầu tư cho tiết sinh hoạt lớp sẽ hiệu quả hơn. Cô Bình cũng kiến nghị, để giáo viên cả nước có cơ hội học hỏi, giao lưu lẫn nhau, thay vì mỗi tổ, nhóm chuyên môn có 2 chuyên đề trên “Trường học kết nối”/1 học kỳ thì bất kỳ giáo viên nào cũng phải có và đưa trên “Trường học kết nối”, như thế hiệu quả hơn nhiều so với dự giờ hay viết sáng kiến kinh nghiệm.
Ảnh minh họa |
Giảm gánh nặng cho GV trong sự vụ hành chính
Trước những bất cập liên quan đến quy định về HSSS với giáo viên, cô Trần Thị Thảo nhận định: Chỉ thị của Bộ GD&ĐT nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng HSSS trong nhà trường là một bước đổi mới trong tư duy quản lí của bộ ngành về giáo dục. Là giáo viên trực tiếp giảng dạy và thực hiện công tác HSSS, tôi đánh giá cao chỉ thị này.
“Theo chỉ thị, giáo viên chỉ cần hoàn thành 4 loại HSSS, đây cũng là 4 loại HSSS quan trọng nhất, thiết thực nhất đối với giáo viên. Tuy nhiên, tôi kì vọng, với những loại HSSS mà Chỉ thị đưa ra cần thiết kế hoặc có những yêu cầu thực sự khoa học, hiệu quả, dễ thực hiện. Vì bản chất công tác giảng dạy và công tác quản lí ở nhà trường nhiều và phức tạp hơn 4 loại HSSS đưa ra, nên các HSSS trên phải có công năng tốt, tránh tình trạng gọi chung một tên gọi cho nhiều loại sổ sách khác nhau (tích hợp cơ học nhiều HSSS trong 1 loại hồ sơ)” - cô Trần Thị Thảo nêu ý kiến.
Chia sẻ kinh nghiệm của nơi mình công tác, cô giáo Trần Thị Thảo cho biết, nhà trường đã có những giải pháp để giảm gánh nặng HSSS và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Theo đó, giảm thiểu những HSSS vô bổ, trùng lặp và chồng chéo. Tập trung đầu tư và cẩn thận với các HSSS quan trọng cho công tác giảng dạy và quản lí của giáo viên như giáo án, kế hoạch dạy học nhà trường, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ điểm, sổ chủ nhiệm… Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn để giáo viên được chia sẻ và học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn. Cùng với đó, thực hiện đánh giá giáo viên trên chất lượng giáo dục và hiệu quả công việc, không quá đề cao quản lí hồ sơ hành chính.
Cũng công tác tại Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội), cô Lê Thị Thuỳ Dương mong muốn các hồ sơ có thể số hóa, sử dụng online, linh hoạt trong việc lưu trữ. Hồ sơ có thể lưu trữ online, lưu dưới dạng bản mềm, hạn chế việc in ấn quá nhiều. Nhà trường thực hiện đúng quy định chung của ngành, linh động tạo điều kiện giáo viên sử dụng chung giáo án có chất lượng.
Nhất trí và đồng tình cao với các nội dung Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Ngọc Toán - Trường THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) - lý giải: Chỉ thị quy định rõ số lượng các loại HSSS của giáo viên từng cấp học trong nhà trường và trách nhiệm thực hiện của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan. Chỉ thị được ban hành làm giảm gánh nặng cho giáo viên trong việc thực hiện những sự vụ hành chính không cần thiết, tập trung thời gian cho việc nghiên cứu, đầu tư chuyên môn nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Ngọc Toán cũng cho rằng, phải quy định trách nhiệm đối với giáo viên trong việc sử dụng HSSS điện tử. Giáo viên lợi dụng HSSS điện tử làm trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, cố tình làm sai kết quả kiểm tra đánh giá thì cũng phải kỷ luật nghiêm.
“Trong những năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường chấn chính việc đề ra các loại HSSS không đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học đã tạo được sự đồng thuận rất lớn trong ngành và giúp cho giáo viên giảm bớt rất nhiều áp lực trong công việc” - thầy Nguyễn Ngọc Toán chia sẻ thêm.