Gấp rút hoàn thiện trường lớp, đáp ứng chương trình mới

GD&TĐ -Xác định sự cấp thiết của việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, ngành GD Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng trường lớp phòng học, đây cũng là điều kiện giúp các nhà trường vượt qua khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh

Trường Tiểu học Thượng Đình (Phú Bình) được đầu tư xây mới nhà 3 tầng với 10 phòng học, đang hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới
Trường Tiểu học Thượng Đình (Phú Bình) được đầu tư xây mới nhà 3 tầng với 10 phòng học, đang hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới

Huy động nguồn lực xây dựng trường lớp

Trong những năm vừa qua, Thái Nguyên luôn quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, nhằm đảm bảo điều kiện dạy học cho con em nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên đã xây mới và sửa chữa hơn 5.000 phòng học, gần 2.300 phòng bộ môn và các công trình phụ trợ phục vụ học tập, với sự huy động đa dạng các nguồn kinh phí.

Theo đó, tổng kinh phí cho xây mới là hơn 2.733 tỷ đồng (ngân sách trung ương chiếm 11,98%, ngân sách tỉnh chiếm 21,1%, ngân sách huyện/thành chiếm 61,51%, nguồn huy động khác chiếm 5,4%); Tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất là hơn 735 tỷ đồng (ngân sách tỉnh chiếm 29,81%, ngân sách huyện/thành chiếm 63,49%, nguồn huy động khác chiếm 6,68%).

Dù vậy, trên thực tế, cho đến nay vẫn còn một số trường phải sử dụng phòng bộ môn, phòng họp để làm phòng học, chưa kể nhiều phòng học do niên hạn sử dụng đã lâu nên xuống cấp.

Bước vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về phòng học, trường lớp càng đòi hỏi cao hơn. Theo rà soát, toàn tỉnh Thái Nguyên sẽ cần bổ sung: Cấp mầm non là 485 phòng học, 409 phòng bộ môn và công trình phụ trợ; Cấp tiểu học là 468 phòng học, 1.310 phòng bộ môn và công trình phụ trợ; cấp THCS là 548 phòng học, 1.109 phòng bộ môn và công trình phụ trợ; cấp THPT là 64 phòng học, 162 phòng bộ môn và công trình phụ trợ.

“Sở GD&ĐT đã tham mưu, đề nghị tổng hợp cân đối các nguồn ngân sách, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong đó ưu tiên các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập để góp phần giải quyết yêu cầu cở sở vật chất trường học” - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết.

Trước vấn đề này, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã rà soát thực tế, xây dựng đề án và trình đề nghị tỉnh phê duyệt, đầu tư kinh phí nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo kế hoạch, Thái Nguyên sẽ đầu tư xây dựng bổ sung 1.560 phòng học, 3.000 phòng bộ môn và phục vụ học tập (Giáo dục thể chất, Giáo dục nghệ thuật, Tin học, Ngoại ngữ, Đa chức năng, Tư vấn học đường…).

Địa phương vào cuộc

Nắm bắt nhu cầu của các nhà trường, nhiều địa phương đã vào cuộc tích cực, với những đầu tư nhằm bổ sung, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhà lớp học 2 tầng với 10 phòng học của trường Tiểu học và THCS Thị trấn Quân Chu (Đại Từ) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Nhà lớp học 2 tầng với 10 phòng học của trường Tiểu học và THCS Thị trấn Quân Chu (Đại Từ) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Đối với huyện Phú Bình, năm học 2021 - 2022 toàn huyện có 61 trường với quy mô 1.145 lớp học, tăng 40 lớp so với năm học trước. Trong năm 2020, huyện Phú Bình đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây mới và kiên cố hóa 8 công trình với 100 phòng học, phòng hoạt động chuyên môn.

“Sự đầu tư kịp thời của UBND huyện Phú Bình đã giúp ngành giáo dục địa phương tháo gỡ được khó khăn rất lớn về hệ thống phòng học, trường lớp. Đây là yếu tố vo cùng quan trọng, nhằm đảm bảo điều kiện dạy học, nhất là việc đáp ứng yêu cầu của chương trình mới” - ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Bình nhấn mạnh.

Đối với huyện Đại Từ, năm 2020 vừa qua, địa phương đã đầu tư xây mới 6 công trình nhà lớp với 61 phòng, sửa chữa 9 hạng mục, tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó có trên 2,3 tỷ đồng có được từ nguồn xã hội hóa.

Trường Tiểu học và THCS Thị trấn Quân Chu (Đại Từ) vừa được đầu tư hơn 6 tỷ đồng, xây mới nhà lớp học 2 tầng với 10 phòng học. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu.

“Việc được xây mới nhà lớp học sẽ giúp chúng tôi tránh được khó khăn lớn về phân bổ phòng tổ chức dạy học, các em sẽ không phải chia ca mà có đủ phòng để học 2 buổi. Nhà trường cũng sẽ có điều kiện để bố trí các phòng học chức năng, thư viện, để có thể triển khai theo chương trình mới” - cô giáo Hoàng Thị Tú, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Trong bối cảnh đang phải tập trung cho phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, việc các địa phương vẫn dành sự đầu tư không nhỏ cho xây dựng trường lớp phòng học cho thấy sự quan tâm rất lớn cho giáo dục. Đây cũng là một thuận lợi căn bản, giúp cho các nhà trường vượt qua những khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh khi mà năm học mới sắp đến, tập trung triển khai tốt yêu cầu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ