Tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngành giáo dục tỉnh Gia Lai vẫn cố gắng đầu tư, sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học để đảm bảo việc thực hiện chương trình SGK mới.

Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong băng rừng vận động học sinh ra lớp.
Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong băng rừng vận động học sinh ra lớp.

Đầu tư hơn 400 tỷ đồng chuẩn bị cho năm học mới

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, năm học mới đang cận kề, đơn vị đang lên các phương án để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong điều kiện dịch bệnh trước khi bước vào năm học 2021-2022.

Theo ông Định, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Do đó các cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn bằng hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn. Qua đó, công tác tập huấn cơ bản đã hoàn thiện.

Bên cạnh việc bồi dưỡng, trước khi bước vào năm học mới, Sở đã chỉ đạo các trường thống kê danh mục SGK sẽ áp dụng trong năm học mới. Sau đó, in ra và phát cho gia đình học sinh để phụ huynh thuận lợi khi mua SGK mới cho con em mình. Đặc biệt, Sở cũng quán triệt, tuyệt đối không được bán kèm sách tham khảo theo SGK.

Cũng theo ông Định, đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, các huyện, thị xã, thành phố đã huy động các mạnh thường quân để hỗ trợ SGK cho các em.

“Với sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cũng như UBND huyện, thành phố thì chắc chắn năm học này tỉnh Gia Lai sẽ không có học sinh nào thiếu sách khi đến trường”, ông Định nói.

Vị giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng qua rà soát để chuẩn bị cho năm học 2021-2022 địa phương đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng đối với cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học từ bậc mầm non đến THPT. Qua đó, cơ bản đảm bảo điều kiện để các trường bước vào năm học mới. Tuy nhiên, hiện tại địa phương đang còn thiếu nhiều chỉ tiêu giáo viên biên chế.

“Mặc dù địa phương còn thiếu giáo viên, nhưng ngành giáo dục tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên, bố trí giáo viên giảng dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Do đó, năm học này địa phương vẫn đảm bảo công tác dạy và học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên địa phương mong muốn rằng số lượng giáo viên biên chế sẽ được phân bố đủ, đáp ứng đủ nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở những năm học tiếp theo”, ông Định nói.

Kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ SGK cho học sinh đến trường

Giáo viên đến tận nhà tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Giáo viên đến tận nhà tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong nằm ở xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Điều kiện sống khó khăn nên người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, ít quan tâm đến việc học của con em mình. Những năm học trước, mỗi khi thấy học sinh vắng mặt trên lớp, thầy cô nơi đây phải băng rừng để vào bản tuyên truyền, vận động và đón học sinh ra trường.

Thầy Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) cho biết, năm học 2021-2022 nhà trường có hơn 200 học sinh. 100% học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na. Chính vì vậy, điều kiện sống của các em còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của người dân đã khó khăn lại càng cơ cực hơn.

Theo thầy Thuấn, năm học này thực hiện chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6. Chính vì vậy, sau khi UBND tỉnh công bố danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ sử dụng trong năm học mới nhà trường đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh. Qua đó, tạo sự đồng thuận, tránh tình trạng phụ huynh bỡ ngỡ, mua nhầm SGK cho con em mình.

Thầy Thuấn cũng cho hay, do hoàn cảnh khốn khó nên việc mua SGK mới đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 là rất khó khăn. Chính vì vậy, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ SGK để đảm bảo các em có đủ sách khi đến trường.

“Năm học này nhà trường có 29 em học sinh lớp 2 và 19 em lớp 6. Tuy nhiên, đa số các em không thuộc diện được hỗ trợ SGK. Vừa rồi có một mạnh thường quân đã ủng hộ 20 bộ SGK lớp 2 và 10 bộ SGK lớp 6. Hiện tại trường còn thiếu kinh phí khoảng 10 triệu đồng để mua thêm SGK cho các em học sinh theo học chương trình mới. Do đó, nhà trường tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhằm đảm bảo tất cả các em đều có SGK khi đến trường”, thầy Thuấn chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.