Khắc phục khó khăn về đội ngũ
Trường THCS Yên Phương đóng trên địa bàn xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian gần đây, Yên Lạc là địa phương có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Cùng với địa phương chống dịch, Trường THCS Yên Phương cũng đang nỗ lực chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới.
Năm học 2021 – 2022, Trường THCS Yên Phương có tổng số 15 lớp học với 568 học sinh. Hiện, nhà trường có 21 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình GDPT mới, Trường THCS Yên Phương đã tiến hành tham gia đánh giá, góp ý chương trình, lựa chọn SGK lớp 6 mới ở nhiều bộ SGK khác nhau.
Nhà giáo Nguyễn Văn Đốc – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong quá trình chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phúc tạp nên đã có ảnh hưởng nhất định đến công tác giới thiệu chương trình, SGK mới cho học sinh và phụ huynh. Cùng với việc chủ động khắc phục những khó khăn trên, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dạy lớp 6 về chương trình, nội dung SGK lớp 6 mới được nhà trường đặc biệt quan tâm.
“Đối với việc triển khai sách giáo khoa của chương trình GDPT mới trong năm học 2021-2022, nhà trường đã lựa chọn, phân công giáo viên có năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, tham gia tập huấn chương trình mới bằng hình thức trực tuyến chuẩn bị cho việc giảng dạy.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên không thể tham gia bồi dưỡng trực tiếp tập trung, chỉ tham gia bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến vì vậy cũng có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chuyên môn giảng dạy sau này. Nhưng, quan điểm của nhà trường là sẽ liên tục bám sát, yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy để hoàn thất tốt nhất nhiệm vụ được giao, nhất là đối với việc triển khai chương trình GDPT mới”- nhà giáo Nguyễn Văn Đốc cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Trường THCS Yên Phương, năm học tới, môn KHTN và KHXH sẽ ghép các môn với nhau, do đó, nhà trường đã có kế hoạch phân công GV có chuyên môn đào tạo dạy phù hợp với kiến thức từng phần trong SGK mới ở lớp 6. Đối với môn Tin học, nhà trường đã phân công GV Tin nghiên cứu chương trình, nội dung SGK và tham gia tập huấn sãn sàng tham gia việc giảng dạy.
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, nhất là khi triển khai chương trình GDPT mới, Trường THCS Yên Phương cũng đề xuất chính quyền địa phương và cấp trên quan tâm sửa chữa dãy nhà 2 tầng được xây dựng từ năm 2008 hiện nay đã xuống cấp cần được cải tạo sửa chữa. Trang bị cho nhà trường 1 phòng máy tính. Hiện nay nhà trường đã có 1 phòng máy tính trang bị cũ, hỏng hóc nhiều không đảm bảo việc dạy học.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế và Thông tư 16/2017/TT -BGDĐT ngày 12/7/2017 nhà trường thiếu 12,5 giáo viên. Nhà trường đã có văn bản báo cáo và đề nghị Phòng GD tăng cường điều động bổ sung đủ về số lượng để đảm bảo việc thực hiện chất lượng giáo dục của nhà trường.
Ưu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Trường Tiểu học Ngô Quyền đóng trên địa bàn phường Ngô Quyền, TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đây là một phường trung tâm của thành phố, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh và thủ công nhỏ. Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, cơ sở vật chất nhà trường ngày càng được hoàn thiện hơn.
Cô Nguyễn Thị Thao – Hiệu trưởng Trường TH Ngô Quyền chia sẻ, nhà trường đã có các nhà lớp học khang trang đảm bảo cho công tác dạy và học. Công trình vệ sinh đảm bảo. Trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do đặc thù trường ở trung tâm thành phố, khối lớp học đã xây dựng từ lâu nên diện tích lớp học còn hẹp, chưa đủ theo quy định.
Hiện, nhà trường có 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Để triển khai tốt chương trình GDPT mới, ngay cả khi thực hiện giãn cách, việc chuẩn bị cho năm học 2021-2022 vẫn được nhà trường thực hiện theo kế hoạch.
Đó là, công tác tập huấn, bồi dưỡng đối với giáo viên thực hiện dạy chương trình GDPT mới được thực hiện trực tuyến từ tháng 6/2021. Đầu tháng 8/2021, giáo viên và học sinh đã nhận sách giáo khoa mới. Cũng trong tháng 8, nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiên cứu tài liệu, trao đổi để thống nhất quy chế chuyên môn và soạn bài để luyện giảng…
“Mặc dù tỷ lệ giáo viên thiếu nhưng nhà trường vẫn bố trí đảm bảo giáo viên văn hóa và giáo viên bộ môn là người trong biên chế để dạy lớp 1,2 theo chương trình GDPT mới. Đối với số giáo viên thiếu, nhà trường ký hợp đồng thỉnh giảng cho khối lớp 3.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, nhà trường đề xuất được đầu tư thêm máy chiếu và bổ sung đồ dùng phục vụ công tác dạy học. Đồng thời, kiến nghị với chính quyền địa phương khi đầu tư xây dựng công trình trong tương lai phải đúng quy cách diện tích lớp. Trước mắt cần có lộ trình cải tạo các phòng học đủ diện tích với biên chế 35 học sinh/lớp nhằm đảm bảo đúng mật độ theo quy định”- cô Nguyễn Thị Thao chia sẻ thêm.
Bình luận