Ngành công tác thanh thiếu niên: “Kén” thí sinh?

GD&TĐ - Hiện, nhu cầu nhân nhân lực cán bộ làm công tác thanh thiếu niên khá lớn và có nhiều môi trường để làm việc. Tuy nhiên, do tính chất, yếu tố đặc thù công việc, ngành công tác thanh thiếu niên khá “kén” thí sinh.

Làm công tác thanh niên cần có kỹ năng tập hợp và năng lực tổ chức các phong trào, hoạt động đoàn. Ảnh: Internet.
Làm công tác thanh niên cần có kỹ năng tập hợp và năng lực tổ chức các phong trào, hoạt động đoàn. Ảnh: Internet.

“Hẹp cửa” việc làm?

TS Nguyễn Hải Đăng – Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: Năm 2021, Học viện tuyển 200 chỉ tiêu ngành Công tác thanh thiếu niên. Là ngành đào tạo mới, nên nhiều phụ huynh và thí sinh chưa biết đến, do đó thường băn khoăn khi lựa chọn. Hơn nữa, trong thời gian qua, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông.

“Từ năm nay và những năm tiếp theo, nhà trường tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu hơn về ngành học Công tác thanh thiếu niên”, TS Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh.

Trao đổi về phương thức tuyển sinh ngành này, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: Có hai phương thức là xét tuyển học bạ và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Học viện cũng có chính sách trao học bổng đầu khóa cho tân sinh viên. Trong quá trình học, ngoài học bổng khuyến khích học tập theo quy định, nhà trường còn vận động cá nhân và doanh nghiệp tài trợ học bổng cho sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được lãnh đạo nhà trường giới thiệu cho Trung ương Đoàn, các tỉnh Đoàn, thành Đoàn, tổ chức và doanh nghiệp xem xét tuyển dụng.

Phản biện với ý kiến cho rằng, ngành Công tác thanh thiếu niên “kén” thí sinh, trong đó có nguyên nhân, sinh viên sau khi tốt nghiệp rất “hẹp cửa” việc làm, TS Nguyễn Hải Đăng khẳng định: Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam không kén thí sinh. Các em có đủ các điều kiện theo quy định của Học viện sẽ được xét tuyển vào học. Sinh viên học ngành Công tác thanh thiếu niên có cơ hội việc làm khá lớn. Ra trường, các em có thể làm trong cơ quan của Đoàn Thanh niên từ Trung ương đến địa phương.

Theo TS Nguyễn Hải Đăng, hiện nay, nhu cầu nhân nhân lực cán bộ làm công tác thanh thiếu niên khá lớn. Tính riêng hệ thống Đoàn Thanh niên các cấp, hàng năm có nhu cầu khoảng 500 - 600 cán bộ, vì bình quân tốc độ luân chuyển cán bộ Đoàn khoảng 10 - 12%/năm. Cán bộ Đoàn thường luân chuyển sang các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nên cần bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ.

Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc ở trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục, hoặc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh niên. Bên cạnh đó, các em có thể làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp về công tác truyền thông, tổ chức sự kiện, du lịch; làm công tác tổ chức nhân sự, văn phòng.... “Thực tế, những sinh viên đã tốt nghiệp ra trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá rất cao bởi sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều kỹ năng mềm” - TS Nguyễn Hải Đăng nói.

Nhiều phụ huynh và thí sinh chưa biết đến ngành Công tác thanh thiếu niên. Ảnh minh họa: Internet.
Nhiều phụ huynh và thí sinh chưa biết đến ngành Công tác thanh thiếu niên. Ảnh minh họa: Internet.

Những kiến thức, năng lực cần có

Cho rằng, công tác thanh niên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới  GD-ĐT, TS Nguyễn Hải Đăng phân tích: Khi tham gia vào các hoạt động, phong trào sẽ góp phần hình thành nhân cách, rèn luyện và phá triển nhiều kỹ năng mềm cho SV. Ngoài ra, thông qua hoạt động tập thể, các em được trải nghiệm thực tiễn, hiểu hơn về các lĩnh vực của cuộc sống; giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước; biết chia sẻ và từng bước hình thành lý tưởng của bản thân.

“Tôi mong lãnh đạo các trường luôn quan tâm, tạo điều kiện và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, để cùng với ngành GD-ĐT bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam có những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời đại, trong đó có sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - TS Nguyễn Hải Đăng đề xuất.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Các khoa Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: Vài năm gần đây, số lượng thí sinh theo học ngành Công tác thanh thiếu niên có xu hướng giảm dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có liên quan đến yếu tố vị trí việc làm dành cho cán bộ đoàn không nhiều.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nếu không có tố chất làm công tác thanh niên với những phong trào, hoạt động, ra trường, sinh viên sẽ khó xin việc, nếu có thì cũng khó thành công. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường, người học cần có kiến thức liên quan đến hệ thống chính trị, có khả năng phân tích kinh tế, xã hội để tham mưu kịp thời với lãnh đạo. Đặc biệt, các em cần có kỹ năng tổ chức phong trào, hoạt động của thanh niên. Đây là yêu cầu cao nhất với người làm công tác này.

“Tóm lại, các em cần có khả năng phân tích vấn đề, sáng tạo trong công việc, có năng lực tập hợp và tổ chức các phong trào, hoạt động. Nếu hội tụ những phẩm chất này, các em hãy mạnh dạn đăng ký xét tuyển để theo học ngành Công tác thanh thiếu niên” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhắn nhủ, đồng thời nhấn mạnh: Các trường đào tạo ngành học có liên quan đến lĩnh vực này cần nghiên cứu kỹ chính sách để bảo đảm chương trình đào tạo có thể đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó, cần xây dựng, phát triển chương trình theo hướng vừa bảo đảm yếu tố đặc thù, có tính chuyên sâu, nhưng vừa phải có hướng “mở” để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu công việc về công tác Đoàn; đồng thời cũng có thể thích ứng với yêu cầu, vị trí việc làm ở ngành nghề khác khi có thay đổi.

Với đặc thù của công tác Đoàn và công việc của cán bộ Đoàn, các trường có chuyên ngành đào tạo về công tác thanh thiếu niên, nhi đồng cần xây dựng khung chương trình nhằm bảo đảm cung cấp cho sinh viên những kiến thức lý luận và kỹ năng, nghiệp vụ. Qua đó, sinh viên ra trường mới có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc. - PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ