Phát triển công tác thanh niên đáp ứng yêu cầu của Cách mạng 4.0

GD&TĐ - Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, vai trò của thanh niên và trách nhiệm thực hiện cơ chế chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Sáng 19/1, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013- 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Lê Vĩnh Tân- Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu. Thứ trưởng Ngô Thị Minh đại diện Bộ GD&ĐT tham dự hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm thực hiện cơ chế chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Lực lượng thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân, nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động. Nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi; tỷ lệ trí thức trẻ chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên và đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Về Đề án 567, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý biên soạn Bộ tài liệu gồm những nội dung cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, hành chính nhà nước và quản lý nhà nước; một số kỹ năng cơ bản dành cho cán bộ công chức trẻ ở xã; chuyên đề xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Công tác dân vận; Quản lý văn hóa, xã hội, tôn giáo và dân tộc ở xã; Quản lý quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án với tổng kinh phí triển khai thực hiện là gần 29,8 tỷ đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.

Thông qua đào tạo bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Với Đề án 500, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, ủy ban nhân dân 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau 5 năm về xã công tác, tham mưu, các đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân. Hằng năm, phần lớn đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị để có các giải pháp khắc phục các hạn chế, xây dựng chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tham mưu Chính phủ xem xét cho chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021-2025.

Các ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, lưu ý cách làm mới, huy động nhiều nguồn lực tạo đột phá để Đề án triển khai đạt hiệu quả. Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương bố trí sử dụng, đào tạo, xét tuyển phù hợp, đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...