Dễ tìm việc, thu nhập cao
Lĩnh vực thẩm mỹ - làm đẹp tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, từ quy mô 100 spa thẩm mỹ viện năm 2000 lên tới gần 3.000 năm 2015, dự kiến sẽ lên đến 5.000 vào năm 2020.
Ông Etsuji Ohno – CEO Hair Salon ONO (Nhật Bản) cho biết: Nhật Bản là quốc gia có ngành công nghiệp làm đẹp phát triển và thành công nổi tiếng trên thị trường châu Á cũng như trên thế giới. Ở Việt Nam, ngành làm đẹp đang trên đà phát triển, hội nhập chung với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, đào tạo liên quan đến ngành làm đẹp tại Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu nên việc cung cấp dịch vụ đào tạo ngành làm đẹp còn thiếu so với nhu cầu. Chính vì vậy, nhân lực ngành làm đẹp dễ tìm được việc làm có mức thu nhập cao và ổn định. Thu nhập bình quân của một người làm nghề này từ 10 - 20 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với những người vững chuyên môn.
Chăm sóc sắc đẹp là nghề đòi hỏi người lao động phải có tính chuyên nghiệp cao, vừa có kiến thức, khiếu thẩm mỹ, có kỹ năng tốt và có “tâm”. Thực tế, nhân lực trong ngành làm đẹp đa số vẫn chưa được đào tạo bài bản, chính quy, hầu hết chỉ được học theo kiểu truyền nghề từ những người đi trước.
Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề: Các cơ sở đào tạo nghề làm đẹp chuyên nghiệp còn rất ít, chỉ có tại một số thành phố lớn. Với những cơ sở đào tạo chuyên sâu này, việc có cơ hội việc làm trong ngành thẩm mỹ lại càng trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là động lực quan trọng giúp cho những chuyên viên thẩm mỹ ngày một chuyên nghiệp hơn với những dịch vụ mà họ cung cấp.
Yêu cầu bức thiết
Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực làm đẹp, Nghị định 109/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, trong đó quy định người hành nghề tại các cơ sở thẩm mỹ phải được đào tạo qua các cơ sở được phép, ngoài ra còn phải được bồi dưỡng kiến thức về an toàn y tế, phòng tránh các bệnh lây nhiễm cho bản thân và khách hàng.
Về chương trình đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành chương trình sơ cấp các nghề: Phun thêu thẩm mỹ, chăm sóc da, trang điểm thẩm mỹ, thiết kế và tạo mẫu tóc. Thẩm định và cho phép đào tạo các nghề: Chăm sóc sắc đẹp trình độ trung cấp, cao đẳng; Vẽ móng nghệ thuật trình độ sơ cấp. Yêu cầu đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, quan niệm về chất lượng không chỉ dừng lại ở kết quả của quá trình đào tạo, mà còn phải tính đến mức độ phù hợp, thích ứng của người tốt nghiệp, năng lực hành nghề tại các vị trí việc làm cụ thể.
Bà Trần Thị Hoa, Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long cho biết: Qua khảo sát, năm 2018 cả nước có khoảng trên 430 trường cao đẳng nghề, hơn 410 trường trung cấp nghề cùng với hơn 1.000 trung tâm dạy nghề, nhưng chỉ có 22 trường có mã nghề làm đẹp, trong đó đào tạo bậc cao đẳng có 1 trường; trung cấp 11 trường… ngoài ra còn có một số trung tâm, công ty đào tạo sơ cấp. Đội ngũ giáo viên chủ yếu là người làm nghề lâu năm có bằng trung cấp trở lên các ngành nghề khác, có tay nghề làm đẹp, được bồi dưỡng đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ là chủ yếu, một số ít cơ sở mời giáo viên nước ngoài và giáo viên các chuyên môn liên quan như: Bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ…
Từ thực tế nói trên, bà Trần Thị Hoa khẳng định, chuẩn hóa, tăng số lượng và bảo đảm chất lượng giáo viên ngành làm đẹp đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.